Thời giờ làm thêm là nội dung quan trọng được điều chỉnh trong Bộ luật Lao động hiện hành, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ, an toàn lao động và chất lượng sống của người lao động. Điều 69 Bộ luật Lao động hiện hành quy định người sử dụng lao động và người lao động có thể thoả thuận làm thêm giờ, nhưng không quá 4 giờ trong một ngày, 200 giờ trong một năm.
So với nhiều nước trong khu vực, giờ làm thêm của nước ta quy định như trên là tương đối thấp. Cụ thể, giờ làm thêm tối đa của Trung Quốc là 36 giờ/tháng, Indonesia 56 giờ/tháng, Hàn Quốc là 48 giờ/tháng, Singapore 72 giờ/tháng, Malaysia 104 giờ/tháng, Lào 45 giờ/tháng). Mặt khác, thực tế áp dụng quy định này trong thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu sử dụng giờ làm thêm của người sử dụng lao động, khiến doanh nghiệp bị động trong việc huy động làm thêm giờ đối với người lao động để kịp tiến độ sản xuất, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng, nhất là những công việc mang tính thời vụ, trong lĩnh vực may mặc, giày da… Từ đó, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quá trình hội nhập với kinh tế thế giới. Do vậy, sửa đổi Bộ luật Lao động lần này, nhiều ý kiến đưa ra là cần thiết phải tăng thời giờ làm thêm để đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tại các doanh nghiệp; đồng thời tăng thời giờ làm thêm sẽ tăng thu nhập và bảo đảm tốt hơn mức sống còn thấp của người lao động hiện nay.
Tuy nhiên, theo khuyến nghị của FES (Viện Friedrich – Ebert, tổ chức phi chính phủ của Cộng hoà Liên bang Đức), làm thêm giờ quá mức có thể gây nguy hiểm tới sức khoẻ người lao động và tăng nguy cơ xảy ra tai nạn lao động sau giờ làm việc thứ 9 hoặc 10. Các nghiên cứu khác cũng cho thấy, việc bắt buộc làm thêm giờ có liên quan đến việc giảm tỉnh táo, tăng mệt mỏi, chức năng nhận thức giảm, tăng tỉ lệ bị thương, đau dạ dày hoặc khó chịu, đau ngực.
Theo điều tra của Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, trong 1.500 doanh nghiệp của 15 tỉnh, thành phố thì có đến 72,8% doanh nghiệp có huy động làm thêm giờ, trong đó địa bàn có tỷ lệ doanh nghiệp huy động làm thêm giờ nhiều nhất là Hưng Yên (93%), Hải Dương (84,09%), Long An (90%), Bắc Ninh (83,16%). Tại Hải Phòng, có những nơi người lao động phải làm thêm giờ từ 600 - 700 giờ/năm. Có 3,79% người lao động được hỏi trong 1.500 doanh nghiệp phải làm thêm 300 giờ/năm; 8,11% người lao động phải làm thêm từ 200-300 giờ/năm. Khảo sát cũng cho thấy, đa số người lao động than phiền về thù lao làm thêm giờ, còn người sử dụng lao động thì phàn nàn thời gian làm thêm giờ hợp pháp như quy định hiện hành là không đủ. Tổng hợp kết quả điều tra trên 15 tỉnh, thành phố cho thấy 79,94% người lao động muốn quy định về số giờ làm thêm trong năm giữ nguyên như hiện hành, 9,36% người lao động muốn tăng thời giờ làm thêm và 10,7% trong số này muốn giảm thời giờ làm thêm.
Như vậy, qua điều tra, khảo sát cho thấy đa phần người lao động muốn giữ nguyên thời gian làm thêm giờ như quy định của Bộ luật Lao động hiện hành, nhưng người sử dụng lao động lại muốn tăng thời giờ làm thêm. Vấn đề này có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ nguyên quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Với lập luận cho rằng, quy định này phù hợp với điều kiện và thể chất của người lao động Việt Nam, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ và năng lực quản trị doanh nghiệp. Việc kéo dài thời giờ làm thêm là chưa phù hợp với xu hướng tiến bộ, khi trình độ công nghệ ngày càng phát triển, tay nghề người lao động được nâng lên thì giá trị sản phẩm tăng lên và thời giờ làm việc sẽ giảm xuống để đảm bảo sức khoẻ của người lao động. Bên cạnh đó, tăng thời giờ làm thêm sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp lợi dụng thời giờ làm thêm để điều chỉnh giảm bớt tiền lương trên thực tế, giảm bớt chi phí đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động khai thác sức lao động, dẫn đến hậu quả người lao động sẽ cạn kiệt sức lao động sớm hơn so với tuổi lao động. Ngoài ra, tăng thời giờ làm thêm còn làm tăng nguy cơ tai nạn lao động cho người lao động. Do vậy, cần quy định tổng số không quá 200 giờ/năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ/năm.
Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định thời giờ làm thêm là 200 giờ/năm, đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ được làm thêm nhưng tối đa không quá 360 giờ/năm.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) đưa ra hai phương án: Phương án 1: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 300 giờ trong một năm. Phương án 2: Bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, 30 giờ trong một tháng và tổng số không quá 200 giờ trong một năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ tối đa không quá 360 giờ trong một năm.
Chọn phương án 1 hay phương án 2 là điều cần phải được xem xét kỹ lưỡng để vừa bảo đảm hài hoà được quyền lợi của người lao động vừa bảo đảm được quyền lợi của người sử dụng lao động, đồng thời hạn chế được tình trạng đình công bất hợp pháp xảy ra.