Để đảm bảo khả năng hoàn thành công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định quy hoạch, tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội sáng nay, các đại biểu Quốc hội đề nghị Quốc hội quy định cụ thể thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ để các Bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch.
Theo ĐBQH Lý Thị Lan (Hà Giang), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, tuy nhiên, quá trình thực hiện vừa qua cũng đã cho thấy có những yếu tố, điều kiện cần thiết để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, hạn chế việc điều chỉnh của quy hoạch cấp dưới (quy hoạch cấp tỉnh) phù hợp với quy hoạch cấp trên (quy hoạch ngành quốc gia) lại chưa đầy đủ.
Cụ thể, về định hướng phát triển ngành, lĩnh vực: Theo Nghị quyết số 119 của Chính phủ, các Bộ hoàn thành văn bản về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành theo quy định của Luật Quy hoạch làm cơ sở để các địa phương triển khai lập quy hoạch tỉnh; hoàn thành trước ngày 31.10.2021. Đến nay, các Bộ vẫn chưa ban hành nên nội dung Quy hoạch tỉnh gặp khó khăn trong quá trình hoàn thiện, thiếu các định hướng phát triển thống nhất, đồng bộ từ Trung ương.
Về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ lập quy hoạch mới được đưa vào vận hành trong thời gian ngắn và vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ xây dựng hệ thống quy hoạch quốc gia, đến chất lượng các quy hoạch. Việc phối hợp và chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp giữa các Bộ, ngành và địa phương chậm và còn nhiều hạn chế dẫn đến khó khăn cho các địa phương khi lập quy hoạch. Mặt khác trường hợp quy hoạch tỉnh có mâu thuẫn với quy hoạch ngành, quốc gia, quy hoạch vùng thì phải điều chỉnh, nhất là các lĩnh vực như điện, giao thông, thủy lợi, đê điều, hạ tầng xã hội. Do vậy, các địa phương có xu hướng vừa lập quy hoạch tỉnh, vừa chờ quy hoạch ngành quốc gia sợ phải điều chỉnh các nội dung chồng chéo, tốn kém kinh phí.
Tại phiên giám sát, các đại biểu Quốc hội cũng nhất trí với nội dung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực và hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội quy định cụ thể thời gian hoàn thành đối với một số nhiệm vụ giao cho Chính phủ để các Bộ, ngành, địa phương kịp thời triển khai ngay trong quá trình lập, trình thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện quy hoạch, gồm: “Chính phủ hướng dẫn quy trình lập quy hoạch bằng phương pháp tích hợp để lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Quy hoạch”; “Quy định việc kèm theo bản đồ khi quyết định hoặc phê duyệt quy hoạch tại Điều 37 Luật Quy hoạch”; “Hướng dẫn trình tự, thủ tục ban hành Kế hoạch thực hiện quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt tại Điều 45 của Luật Quy hoạch, trong đó quy định cụ thể việc phân kỳ đầu tư triển khai các công trình, dự án”.
Lưu ý đến thời điểm này vẫn còn số lượng lớn các quy hoạch chưa được phê duyệt (5/6 quy hoạch vùng; 35/39 quy hoạch ngành quốc gia; 62/63 quy hoạch tỉnh, để đảm bảo khả năng hoàn thành công tác lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, ĐB Lý Thị Lan nhấn mạnh, để tránh tình trạng quá tải và ảnh hưởng đến chất lượng thẩm định quy hoạch, Chính phủ cần xây dựng kế hoạch cụ thể về thẩm định, phê duyệt đối với từng quy hoạch để các Bộ, ngành, địa phương chủ động và chịu trách nhiệm thực hiện đúng kế hoạch đặt ra trong năm 2022.