Ngày 10.7, HĐND tỉnh Quảng Nam Khóa X khai mạc Kỳ họp thứ 24 nhằm thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, bổ sung nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm và quyết định các nội dung theo thẩm quyền.
Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, bức tranh kinh tế của tỉnh trong 6 tháng đầu năm có nhiều điểm sáng với mức tăng trưởng dương sau một giai đoạn dài khó khăn. Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 51,8% dự toán. Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đạt gần 17,7 nghìn tỷ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các chính sách phát triển văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, sắp xếp dân cư, ổn định đời sống cho người dân vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm; an ninh chính trị, biên giới, biển đảo, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều tiến bộ và có sự cải thiện đáng kể về mức độ đánh giá.
Với ý nghĩa của kỳ họp giữa năm và những yêu cầu thực tiễn phát triển đang đặt ra, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị, các đại biểu tham dự kỳ họp thảo luận, làm rõ những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Qua đó, làm rõ những mặt tích cực, những động lực mới; thẳng thắn phân tích, nhận diện những nguyên nhân của hạn chế, nhất là những nguyên nhân mang tính chủ quan... để đề xuất, quyết định các giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Trong đó, cần tập trung thảo luận để có giải pháp thực hiện hiệu quả một số nhiệm vụ chính như: nâng cao hiệu quả điều hành ngân sách nhà nước, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 93 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát; đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Đẩy nhanh các quy trình thủ tục thuộc thẩm quyền và quyết liệt thực hiện các cơ chế, giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, xác định giá đất, bồi thường hỗ trợ thu hồi đất, chuyển mục đích sử đất, chuyển mục đích sử dụng rừng…
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh, với những khó khăn, vướng mắc được nhìn nhận trong việc thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, kỳ họp lần này sẽ tập trung xem xét, thảo luận cho ý kiến quyết định các nội dung quan trọng liên quan đến đời sống kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng theo các nhóm vấn đề được quyết định tại chương trình kỳ họp. Với quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2024, tạo động lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh sẽ dành thời gian để đại biểu tham gia thảo luận, thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn về tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và những nội dung liên quan đến trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Đồng thời nghe lãnh đạo UBND tỉnh trao đổi, giải trình các vấn đề đại biểu yêu cầu và cử tri quan tâm.
Ngoài ra, kỳ họp xem xét Báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Thường trực HĐND tỉnh về tình hình quản lý đầu tư các dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài và công tác quyết toán các dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2023; quyết định chương trình giám sát năm 2025 của HĐND tỉnh.
Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình cho biết: tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng tăng 2,7%; kinh tế với đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghiệp.
Quy mô nền kinh tế gần 59 nghìn tỷ đồng; xếp vị thứ 26/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 7/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng và Bình Định).
Đáng chú ý, tính đến ngày 30.6.2024, có 588 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký 3.335 tỷ đồng. Tỉnh cấp mới 7 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 124 triệu USD, cấp mới 15 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 4.245 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn có 198 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,2 tỷ USD. Báo cáo của UBND tỉnh cũng nêu ra 7 hạn chế và bổ sung 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, trong thời gian đến khẩn trương hoàn chỉnh Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để sớm triển khai thực hiện. Tổ chức xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2025 theo Chỉ thị số 17 ngày 22.5.2024 của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Trong đó, ưu tiên giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 kéo dài, kế hoạch vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.
Kỳ họp diễn ra trong ba ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 12.7.2024.