Thiếu vốn đối ứng
Việc chậm bố trí vốn đối ứng cho các dự án có sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ dự án và nguy cơ bị cắt vốn mà điều quan trọng là ảnh hưởng đến niềm tin của nhà tài trợ khi tỉnh vận động các dự án sau này. Trưởng BQL dự án ngành NN-PTNT tỉnh Nghệ An |
Xác định được tầm quan trọng của nguồn vốn ODA với sự nghiệp phát triển KT - XH của Nghệ An, thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo sát sao các cấp, các ngành, Chủ đầu tư các dự án tích cực thu hút, vận động và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường, các chương trình, dự án ODA giai đoạn 2010 - 2016 trên địa bàn cơ bản được triển khai, thực hiện có hiệu quả, đúng mục tiêu được phê duyệt, tuân thủ chặt chẽ các quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Việt Nam và yêu cầu của các nhà tài trợ nước ngoài. Cụ thể, giai đoạn 2011 - 2016, Nghệ An thực hiện 31 chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài với tổng số vốn hơn 14.183 tỷ đồng. Trong đó, vốn nước ngoài cam kết 10.855,28 tỷ đồng, vốn đối ứng trong nước 3.327,85 tỷ đồng.
Qua làm việc trực tiếp tại một số đơn vị trên địa bàn, Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định: Quy trình, thủ tục trong nước đối với các chương trình, dự án ODA còn khá phức tạp, thực hiện qua nhiều bước, ở nhiều cấp, nhiều ngành từ Trung ương đến địa phương; nhiều thủ tục theo quy định riêng của nhà tài trợ. Do ngân sách địa phương hạn hẹp, mặc dù tỉnh cố gắng nhưng một số dự án chưa cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng không kịp thời theo tiến độ nên thực hiện giải ngân dự án chậm, kéo dài... Điển hình là Sở NN - PTNT, qua khảo sát cho thấy một số dự án mặc dù thời gian kết thúc năm 2017 nhưng hiện vẫn có hạng mục chưa hoàn thành như dự án Quản lý rủi ro thiên tai; dự án Nguồn lợi ven biển phát triển bền vững. Hay dự án Khôi phục và nâng cấp hệ thống Thủy lợi Bắc theo tiến độ kết thúc năm 2019, song nay chỉ mới giải ngân được 5,64% vốn nước ngoài, trong khi thời gian thực hiện đã mất 2/3.
![]() |
Thừa nhận tiến độ một số dự án chậm, Trưởng BQL dự án ngành NN - PTNT Phùng Thành Vinh cho rằng: Khó khăn nhất hiện nay đối với các dự án vốn vay đang triển khai đó là vốn đối ứng chưa đáp ứng; trong đó có những dự án đã đầu tư từ năm 2005, kết thúc năm 2013, đến nay vẫn còn nợ vốn đối ứng. Chỉ tính riêng 3 dự án: Khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai 2005; Phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung; Quản lý thiên tai tỉnh Nghệ An, đang còn nợ đối ứng theo cam kết là 28,5 tỷ đồng.
Làm rõ nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân một số dự án chậm, nhất là đối với dự án Khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An do JICA tài trợ, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Trần Hữu Tiến cho biết, tất cả các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp đều do Bộ NN - PTNT làm chủ quản, còn Sở NN - PTNT là Chủ đầu tư nên mọi việc đều phụ thuộc vào Bộ từ công tác thẩm định phê duyệt thiết kế, đấu thầu các gói xây lắp, phân bổ nguồn vốn và kế hoạch giải ngân… Đối với việc dẫn đến nguồn vốn đối ứng không đạt, chưa kịp thời và đúng với cam kết, đại diện Sở Tài chính lý giải: Do nguồn từ tiền sử dụng đất không phải chỉ dùng riêng cho các dự án ODA mà còn bố trí cho các dự án trọng điểm trên địa bàn, cho GPMB, còn nguồn vốn do Trung ương phân bổ thì đã có địa chỉ cụ thể.
Tiếp tục thu hút ODA để bổ sung nguồn lực
Từ kết quả giám sát cho thấy, vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi để hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng vốn ODA trong giai đoạn hiện nay. Ý kiến thành viên Đoàn giám sát cho rằng, việc hoàn thiện các văn bản QPPL về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA cần có nghiên cứu, rà soát tổng thể, sửa đổi đồng bộ tránh sự chồng chéo với các VBPL liên quan theo hướng có quy trình riêng cụ thể đối với các dự án ODA nhằm tinh giản thủ tục, giảm bớt chi phí phát sinh do quy định gây ra; tiếp tục đàm phán với các nhà tài trợ để hài hòa thủ tục, giảm khác biệt giữa quy định trong nước với quy định của các nhà tài trợ. Mặt khác, cần tăng cường hơn nữa phân cấp, thẩm quyền cho các bộ, ngành, chính quyền địa phương về các thủ tục trong quá trình thực hiện gắn với chế tài đủ mạnh để nâng cao trách nhiệm… Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền kiến nghị UBND tỉnh sắp xếp, bổ sung nguồn vốn đối ứng cho công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng; chỉ đạo các Chủ đầu tư, BQL dự án hoàn thành thanh quyết toán các công trình, dự án. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục thu hút nguồn vốn ODA để bổ sung nguồn lực vào tổng vốn đầu tư phát triển, phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh.
![]() Khảo sát hệ thống xử lý chất thải rắn tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi |
Ảnh: Hải Phong |
Khẳng định nguồn vốn ODA rất quan trọng giúp cho tỉnh trong đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo và an sinh xã hội, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu tỉnh và các cấp ngành phải xem đây là nguồn vốn chính thức, quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KT - XH cho tỉnh, đồng thời góp phần thực hiện công tác đối ngoại, quan hệ với các nước, các tổ chức quốc tế của tỉnh. Do đó, cần thống nhất quy định giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài trong Luật Đầu tư công và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành… “Mặt khác, UBND tỉnh cần xây dựng kế hoạch cụ thể quá trình triển khai dự án cũng như có kế hoạch bố trí nguồn vốn đối ứng; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay ODA; thực hiện thanh kiểm tra, tránh thất thoát, lãng phí”, ông Vinh yêu cầu.