Ths. Phạm Quốc Hùng
Vụ trưởng Vụ Thư viện - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Thư viện là một thiết chế văn hóa, thông tin, giáo dục góp phần đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức, học tập suốt đời, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập. Nhận thức vai trò của thư viện đối với sự phát triển kinh tế xã hội, Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã có nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách trong phát triển thư viện nói chung và trong chuyển đổi số ngành thư viện nói riêng.
Những định hướng về chuyển đổi số ngành thư viện
Nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến trong hoạt động thư viện, hiện đại hóa thư viện; xây dựng thư viện số hướng đến tạo lập mạng lưới thư viện có sự liên thông, liên kết, chia sẻ phục vụ người sử dụng là những chính sách quan trọng được cụ thể hóa trong Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 31 của Luật Thư viện về phát triển thư viện số đã cụ thể hóa những nội dung cơ bản về hoạt động chuyên môn nghiệp vụ thư viện trên nền tảng số như: xây dựng tài nguyên thông tin số trên cơ sở thu thập tài liệu số, số hóa tài liệu số của thư viện; xử lý, lưu giữ, bảo quản tài nguyên thông tin số phải tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ thông tin, chuyên môn, nghiệp vụ thư viện; sử dụng phần mềm tiên tiến trong quản trị thư viện số.
Điều 32 của Luật Thư viện về hiện đại hóa thư viện cũng đưa ra những định hướng xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai phòng đọc kho mở, nghiên cứu ứng dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng mạng thông tin thư viện tiên tiến, kết nối các thư viện trong nước và nước ngoài, tạo lập, cung cấp sản phẩm và dịch vụ thông tin thư viện đáp ứng yêu cầu người sử dụng.

Trong xu thế Chuyển đổi số quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11.2.2021) với mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; bảo đảm cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập.
Về bản chất, Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện được kế thừa và phát triển từ những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước trong các giai đoạn trước, đặc biệt trong Quy hoạch phát triển ngành thư viện đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 (Quyết định số 10/2007/QĐ-BVHTT của Bộ trưởng Bộ Văn hóa thông tin) và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ) với định hướng phương thức hoạt động thư viện tại Việt Nam là sự kết hợp giữa thư viện truyền thống và thư viện điện tử/số, đổi mới phương thức hoạt động phục vụ bạn đọc theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tự động hóa, hiện đại hóa các khâu hoạt động, tạo sự liên thông giữa các thư viện.
Đến nay, trong sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, dựa trên những nền tảng đã được xây dựng trong những giai đoạn trước đây, ngành thư viện đứng trước nhiều cơ hội trong triển khai Chương trình chuyển đổi số thành công, cùng với đó là tiến trình đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, mang lại những giá trị mới trong việc cung ứng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số gắn với kinh tế số, xã hội số và công dân số.
Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện
Trên cơ sở những định hướng của Chính phủ về chuyển đổi số ngành thư viện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2175/QĐ-BVHTTDL ngày 23.7.2021 triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ đặt ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình, cụ thể như sau:
Giai đoạn 2021 - 2025: Thiết lập những nền tảng ban đầu cho vấn đề chuyển đổi số ngành thư viện bao gồm: nền tảng pháp lý, nền tảng kỹ thuật, công nghệ, nền tảng nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động chuyển đổi số, xây dựng năng lực thông tin, năng lực số cho người sử dụng, bước đầu xác định các tiêu chuẩn, chuẩn mực trong cung ứng sản phẩm và dịch vụ cho người sử dụng trong môi trường số.
Đi kèm theo đó là vấn đề thúc đẩy đổi mới hoạt động thư viện gắn với truyền thông chuyển đổi số cùng những chương trình, đề án khác mà ngành thư viện đã và đang triển khai như: Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ hướng tới xây dựng xã hội học tập; các chương trình phối hợp công tác với các bộ, ngành, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp liên quan hướng đến xây dựng xã hội học tập.

Giai đoạn 2026 - 2030: phát triển mạnh mẽ hạ tầng công nghệ thông tin trong đổi mới quy trình, cách thức vận hành của thư viện; gắn kết, tạo sự liên kết, liên thông trong hoạt động thư viện. Phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu cùng với sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, chú trọng phát triển theo chiều rộng và chiều sâu các sản phẩm chủ lực ngành thư viện phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới cùng xu thế phát triển của thư viện thế giới.
Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ thiết lập khung pháp lý hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số ngành thư viện như các hướng dẫn phát triển tài nguyên thông tin (đặc biệt là tài nguyên thông tin dạng số), phối hợp giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, các chính sách về đầu tư, tài chính trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số ngành thư viện.
Trên cơ sở kế thừa và phát triển kết quả đạt được từ giai đoạn trước, đặt trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu thế chuyển đổi số, ngành thư viện đứng trước nhiều cơ hội trong việc đổi mới hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, tri thức và học tập suốt đời góp phần xây dựng xã hội học tập. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự thống nhất trong chương trình hành động của các bộ, ngành và địa phương với kế hoạch hành động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc thực hiện chuyển đổi số ngành thư viện một cách đồng bộ, thống nhất, tạo sự liên thông, liên kết trong hệ thống thư viện.