
Họ không phải là khách thường xuyên ở quán này; chỉ là lâu lâu, có món tiền ngoài luồng không phải nộp vợ, họ mới có dịp tụ tập. Lớn tuổi nhất trong bốn người là ông nhà thơ, đầu hói trụi, gần như trọc. Còn lại ba anh tuổi sàn sàn nhau. Anh mắt lác có bộ mặt nghiêm trọng làm ở công ty vệ sinh, chuyên ngành móc cống. Anh sứt môi, có bộ mặt vui vẻ nhí nhảnh làm ở cơ quan quản lí văn hóa. Còn lại là anh nhân viên ngành giáo dục, anh này đẹp trai, râu quai nón và, có vẻ nghiêm nghị.
Trên bàn tiệc là một cái lẩu, chai rượu ngọc dương loại một lít, và các món đồ phụ gia như rau cải, đậu phụ, con tim, khối óc...v.v. Cả bốn người ngồi trầm ngâm. Họ chờ lẩu sôi. Đã qua tua rượu xếch thứ ba.
Một làn hơi nước mỏng phun qua kẽ hở nắp lẩu, mùi ngầy ngậy bốc lên. Anh văn hóa sứt môi nhanh nhẹn mở vung, miệng suýt xoa chọp chẹp: “Sôi rồi”. Cả bốn người hoạt bát hẳn lên, họ nhanh nhẹn bốc các đồ phụ gia bỏ vào lẩu, rồi anh sứt môi lại nhanh tay đậy nắp vung lại. Họ rót lượt rượu thứ tư. Cả bốn người lại tiếp tục trầm ngâm.
Lát sau lẩu sôi trào. Anh văn hóa sứt môi lại nhanh nhẹn mở vung, mùi thơm bốc lên ngào ngạt. Cái lẩu trông thật hấp dẫn, thịt dê màu hổ phách, đậu phụ trắng nõn, cải xanh mướt... Mặt cả bốn người giãn ra, họ hăm hở gắp, múc nước lèo chan vào bát, không khí bàn nhậu sôi động hẳn. Anh văn hóa sứt môi nhai miếng đậu, rồi anh làm hớp rượu, sau đó anh chiêu bằng ngụm nước lèo. Chẹp chẹp miệng, anh khen:
- Nước lèo ở đây ngọt thật, đúng là dê Mộng Mơ.
Ông nhà thơ hói tán thưởng:
- Đúng, nước ngon thật! Ăn lẩu quan trọng nhất là nước.
Rượu đi thêm được hai tuần nữa, lúc này, không khí cuộc nhậu đã nóng lên nhiều. Anh móc cống lác mắt nói:
- Các ông có đọc báo không? Mới có vụ mẹ tạt axít con gái, mà cô con gái là hoa hậu hẳn hoi.
- Thế à? - Ông thơ hói hỏi - Ở đâu? Mà vì lí do gì thế?
- Ở ngay thành phố chứ đâu, báo chí mới đưa tin, chưa xác định lí do. Chắc mai, ngày kia là có lí do chính thức.
- Theo tôi - anh giáo dục râu xồm nói, vẻ mỉa mai - nếu người mẹ mà hành động như vậy, thì có thể kết luận rằng, bà ta đã mắc chứng đa nhân cách
- Đa nhân cách là cái gì thế? Văn hóa sứt môi vừa gắp vừa hỏi.
- Đây là một chứng bệnh thần kinh, bệnh này đã được các nhà tâm thần học xác định – giáo dục râu xồm giải thích – bà mẹ này nghĩ mình cũng là hoa hậu như con gái; mà trò đời, đồng nghiệp thường có xu hướng ghen tức với nhau.
- Mẹ bố khỉ, hình như bây giờ có mốt tạt axít hay sao ấy nhỉ. Cứ sểnh ra là tạt. Người ngoài tạt nhau đã đành, đằng này trong nhà với nhau, con tạt axít bố, chồng tạt axít vợ. Mà không phải chỉ ở thành phố đâu nhé, mấy anh nhà quê cũng theo mốt, cũng chơi axít. Các bố còn tạt vào cả vật nuôi của nhau, bò, chó, lợn…, ăn axít hết. Móc cống mắt lác phẫn nộ nói văng cả nước bọt.
- Đạo đức xuống cấp quá - thơ hói than thở - Con người bây giờ đối xử với nhau thật tàn nhẫn, tâm hồn chai lì hết cả rồi. Tôi còn nghe chuyện có cô giáo bắt học sinh liếm ghế, có cô phạt học sinh bằng cách bắt cởi truồng ra đứng trước lớp. Thật không tin nổi.
- Có thể các cô giáo này mắc chứng hoang tưởng – giáo dục râu xồm nói, vẫn với giọng mỉa mai.
- Hoang tưởng là thế nào? Văn hóa sứt môi hỏi.
- Hoang tưởng cũng là một trạng thái tâm thần đã được xác định, bệnh nhân tưởng tượng ra những tình huống kỳ lạ. Trong trường hợp này tôi cho rằng hai cô giáo kia, một cô tưởng học sinh của mình là chó. Một cô lại tưởng mình đang ngồi trong bar thoát y vũ bên Mỹ, và học sinh là những vũ công.
- Kinh nhỉ! - Văn hóa sứt môi thảng thốt - Mà bây giờ sao lắm chuyện kinh dị thế. Hôm trước, tôi có đọc báo thấy mấy vụ thế này mới ghê, hai anh đùa nhau, anh này tụt quần anh kia, thế là anh bị tụt quần vớ dao chém chết bạn ngay. Rồi hai anh khác, tranh luận về vấn đề chủ quyền của mặt trăng, tranh luận bất phân thắng bại, thế là vớ dao chém nhau. Anh chết, anh bị thương.
- Tôi cho rằng - móc cống mắt lác nói - đây là biểu hiện của no cơm ấm cật. Tôi nhớ hình như ông Hê Minh Uây có nói rằng “Đức hạnh của phần đông mọi người giảm xuống, khi của cải của họ tăng lên”. Ông ta nói đúng thật!
- Hê Minh Uây là ai thế? Văn hóa sứt môi lúng liếng
- À, ông ta là một triết gia Ý đại lợi – móc cống lác mắt trả lời với vẻ kẻ cả.
- Bậy! Thơ hói và giáo dục râu xồm cùng đồng thanh phản đối - Ông ta là nhà văn của nước Nga Xô Viết(1) - thơ hói bổ sung
- Chủ quán! Cho thêm nước lẩu và nửa chai rượu. Văn hóa sứt môi hào hứng dõng dạc
- Ôi, nếu sự thật đúng như lời văn hào người Liên Xô thì khiếp quá. Chẳng lẽ con người ta không nên làm giầu? Thơ hói lẩm bẩm với vẻ chua chát.
- Làm giầu là một khát vọng, một nhu cầu chính đáng của con người. Của cải không có lỗi gì cả. Nhưng trong quá trình làm giầu ở nước ta, có thể đã nẩy sinh cái gì không đúng? Đây là công việc mà các nhà đạo đức, các nhà xã hội, các nhà giáo dục phải tìm hiểu và giải quyết. Giáo dục râu xồm hùng hồn, mắt trợn ngược.
- Đúng! Thơ hói nói - Khi mải miết làm giầu, người ta dễ trở nên thờ ơ với đồng loại. Chính vì thế, các nhà phải có trách nhiệm cải tạo tâm hồn, trong đó có nhà thơ (chữ “thơ” ông ngân dài rất mơ mộng).
- Bác nói phải quá, em thấy đúng là mọi người bây giờ thờ ơ thật. Nhiều vụ cướp đường xảy ra, mà em thấy người đi đường cứ tỉnh bơ. Người bị cướp cứ kêu, còn mọi người cứ kệ. Văn hóa sứt môi phấn khởi bình phẩm.
-Trời ôi! Con người biến thành quái vật hết rồi. Tiền của phỏng có ích gì khi mà tâm hồn con người trở nên méo mó? Giáo dục râu xồm hùng hồn lên trầm xuống bổng như hát opera.
- Nhân nói chuyện cướp bóc, tôi có chuyện này hầu các bác. Các bác có biết mụ Lý “toét” có con là thằng Long “le” ở trên lầu ba chung cư mình không? Móc cống lác mắt nói.
- Mụ Lý “toét” bán thịt chó ngoài chợ, còn thằng Long “le” con mụ thi trượt trung học, vật vờ ở nhà làm dân phòng chứ gì? Ở đây ai còn lạ gì nhà mụ. Văn hóa sứt môi nói
- Chồng mụ Lý làm trên rừng, vài tháng về nhà một lần. Thằng Long là con một đấy. Thơ hói bổ sung chi tiết.
- Trong cái thực trạng học sinh thi trượt, mua điểm, vào đại học để chơi rồi ra trường mua bằng, đi làm thì mua chức, mua ghế... vậy mà mụ Lý “toét” để thằng con ở nhà tham gia dân phòng, không thèm bỏ tiền cho con đi học trong khi nhà mụ không thiếu tiền, thì tôi cho rằng mụ Lý và thằng Long là những nhà cách mạng. Tôi đánh giá cao điều đó. Giáo dục râu xồm nói, vẫn với giọng trầm hùng nhưng có pha thêm chút kiêu bạc
- Thế chuyện của ông thế nào? Văn hóa sứt môi quay sang hỏi móc cống mắt lác, vẻ háo hức.
- Nào, bọn mình làm phát trăm phần trăm đã - Móc cống mắt lác làm ra vẻ quan trọng, dền dứ. Rồi quay ra thì thào với văn hóa sứt môi - Ông gọi thêm đĩa lá xách bò... rồi tôi kể. Cái này nhúng tái, nhậu bắt lắm.
- Cho đĩa xách, loại nhỏ - Văn hóa sứt môi dõng dạc rồi nâng li rượu của mình - Nào, các bác.
Bốn ông chạm li, rồi cùng dốc ngược vào họng.
Anh móc cống mắt lác mồi điếu thuốc rít một hơi dài rồi chậm rãi, anh kể.
- Cứ hôm nào làm ca ngày là tôi có thói quen làm một ly cafe đen nóng ở quán cóc ngay dưới chung cư mình. Sáng hôm đó, vừa ngồi được một lúc, tôi thấy ở quán cafe máy lạnh phía bên kia đường xuất hiện một tên cướp. Nó nhẩy lên một chiếc Rem(2) dựng trước quán, rồi rồ máy, nẹt pô chạy tốc độ rất cao. Cùng lúc đó, trong quán, một cô gái chạy ra hét thất thanh, ăn cắp... ăn... cư... ớp.. nó cướp... xe tôi... cứu... cứu (móc cống mắt lác vừa kể vừa diễn, rất hấp dẫn). Như chúng ta vẫn thường thấy, không ai có phản ứng gì hết. Thậm chí những người đi cùng chiều với thằng cướp còn dẹp xe sát vào lề, cứ như nhường đường cho phái đoàn chính phủ. Nhưng rồi cũng ở một quán cafe cách đó mấy căn, một thanh niên lao ra. Anh ta ôm ngang bụng thằng cướp, thằng cướp đạp anh ta hai phát, nhưng anh ta nhất quyết không buông tha, anh ta vẫn giữ chặt. Nhưng chiếc xe đã lấy được tốc độ cao, thằng cướp lại đạp tiếp một phát rất mạnh, nên anh thanh niên không bám nổi, anh phải buông tay và ngã sấp xuống đường. Cho đến lúc đó, cũng không ai ra đỡ anh ta dậy, mọi người cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì. Tôi chạy ra chỗ anh ta, vì sự việc xẩy ra quá nhanh, nên lúc này tôi mới nhận ra, anh ta chính là thằng Long. Tôi đỡ nó vào vỉa hè, thấy hai cườm tay nó sây sát, rớm máu, tôi hỏi nó, có sao không, có cần chở vào viện băng bó không? Nó cười hềnh hệch rồi bảo, không sao chú ạ, sơ sơ thôi mà. Tôi nghĩ bụng, nó thật xứng đáng là một dân phòng. Đội dân phòng của phường có độ vài thằng như nó thì lo gì chuyện trật tự trị an... Tôi vỗ vai nó tỏ ý thán phục, rồi quay lại uống nốt ly cafe...
- Thằng bé khá quá! Thơ hói sụt sịt cảm động
- Chuyện tầy đình như thế, tại sao tôi không biết gì nhỉ? Văn hóa sứt môi thắc mắc.
- Chưa, câu chuyện chưa kết thúc đâu - Anh móc cống mắt lác nói - phần quan trọng tôi muốn kể với các bác, mới chỉ sắp bắt đầu - Rồi anh thở dài đánh sượt - Thực ra, tôi cũng chẳng muốn kể ra câu chuyện này, nhưng hôm nay hào hứng quá, thành ra...
- Vẫn còn phần quan trọng hơn cơ à? Văn hóa sứt môi vẻ hồi hộp.
- Tối hôm đó - móc cống lác mắt tiếp tục - ăn cơm xong, nghĩ về câu chuyện xảy ra ban sáng, tôi sực nhớ ra nhà còn hai xê xê mật gấu, thế là tôi bỏ lọ mật gấu vào túi quần đi lên trên nhà thằng Long, định thăm hỏi nó một chút. Nhà nó ở cuối hành lang lầu ba, ngay trên đầu nhà tôi. Tới gần cửa nhà nó, tôi phải dừng lại vì nghe tiếng mụ Lý “toét” rít lên the thé “Bà truyền đời báo kiếp cho mày biết nhá, bà đã chiều mày hết mức. Hồi thi trượt, bà đã bảo để bà thu xếp, người ta đã nhận lời rồi, có ba chỉ bốn con chín thôi, thế mà mày không chịu đi học, mày đòi ở nhà. Bà nghe mày xui dại mất rồi... Giời ơi là giời... Bà tưởng mày ở nhà thì mày yên phận. Mày tham gia dân phòng, bà tưởng mày tham gia cho vui thì bà mới đồng ý... chứ bà biết mày no cơm rực ruột, mày thích làm người hùng thì bà đã tống cổ mẹ mày vào trường ngoại thương rồi, mày biết chửa... Giời ơi... mày làm người hùng mà có làm sao chỉ khổ thân bà thôi, có đứa nào nó khen mày không hả thằng ngu kia? Từ mai dẹp hết, không có phòng phèo gì cả, ra chợ phụ tao trông hàng. Sang năm, dứt khoát bà tống cổ mày vào đại học, ngoại thương hay bách khoa, cái đ. gì cũng được”. (Anh móc cống mắt lác bắt chước giọng eo éo của mụ Lý “toét” rất giống).
- Tiêu cực quá... không thể chấp nhận. Tiêm nhiễm vào đầu con trẻ những tư tưởng thối tha tồi tệ như thế thì còn gì là trời là đất. Ai cũng suy nghĩ như thế thì xã hội này sẽ đi về đâu? Giáo dục râu xồm nói, vẻ uất ức gần như sắp khóc.
- Tôi nghe thấy thằng Long cười hềnh hệch - móc cống lác mắt kể tiếp - rồi nghe tiếng nó nói nhỏ. Tò mò, tôi ghé sát tai vào cửa nghe xem nó nói gì. Tôi thấy nó bảo thế này các ông ạ “Bà già to mồm vừa thôi, đúng là đàn bà, không biết cái gì cả. Tôi có dở hơi đâu mà đi bắt cướp? Bà trông đây này, tôi mõi được cái ví của thằng cướp dấm dớ kia... Này một vé(3) nhé... Này năm trăm tiền Việt nhé... Lại còn sợi dây chuyền nữa chứ, ba chỉ chứ chả ít. Mỗi tội đứt, chắc nó cũng mới ăn hàng(4) ở đâu. Bà bô có thích sợi dây không? Con xin dâng tặng mẹ Việt Nam anh hùng”. Mụ Lý “toét” cười rú lên rồi bảo: “Được... được, thằng này khá. Nhưng mà liều quá con ạ, ngộ nhỡ ra... Lần sau thì chớ dại nhá. Biết đâu cái ví chả có đồng nào... Mày có làm sao thì mẹ đến chết thôi...”
- Đấy, phần quan trọng nhất đấy - Móc cống lác mắt rầu rĩ - thực ra tôi chẳng muốn kể ra câu chuyện này làm gì. Tôi thấy nẫu hết cả ruột. Nhưng hôm nay vui vẻ, hơn nữa các bác đây cũng đang bứác xúc và muốn lí giải các vấn đề xã hội, nên tôi kể ra để các bác tham khảo.
Cả bốn người cùng lặng đi. Họ trầm tư khoảng một phần sáu phút rồi lại gắp gắp, húp húp, xì xoạp. Duy chỉ có anh giáo dục râu xồm vẫn đăm chiêu suy nghĩ, chẳng thèm gắp húp xì xoạp.
Giáo dục râu xồm đang nghĩ gì vậy nhỉ?
*
Anh giáo dục râu xồm đang nghĩ về món tiền hai trăm năm chục ngàn thằng Long “le” chia cho anh. Hôm đó ngồi uống cafe với thằng Long, chính anh là người phát hiện cái ví lòi ra ngoài túi quần sau thằng cướp. Anh đã vẽ đường cho nó. Mẹ cha thằng mất dạy, nó dám bảo với anh là trong ví có mỗi năm trăm, hai chú cháu chia đôi. Nó dám ăn chặn của anh. Một trăm Mỹ kim với sợi dây chuyền chứ ít ỏi gì. Nó chia cho anh một phần ba cũng được, đằng này... Chà... chà... Cha tiên sư bố thằng oắt con. Đồ quái vật!
Đỗ Trí Dũng
Sài Gòn – 11/2003
1. Cả bốn ông đều nhầm. Hemingway, văn hào người Mỹ, tác giả của Chuông nguyện hồn ai, Giã từ vũ khí, Ông già và biển cả...
2. Xe Honda Dream
3. Tờ 100 USD
4. Chỉ việc cướp giật