![]() Người đàn bà khóc, sơn dầu của Picasso, vẽ năm 1937, kích thước 60x49cm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hiện đại Tate, London, Anh |
Phải có đến gần chục bức họa cho chủ đề Người đàn bà khóc mà mẫu hình của nhân vật chính là Dora Maar. Picasso đã gặp cô trong quán Café Deux Magots vào mùa thu năm 1935 ở Paris. Một cô gái có đôi mắt sắc sảo, thích chơi trò lạ kỳ là phóng mũi dao vào giữa hai ngón tay đi găng chõe ra trên bàn, khiến hai ngón tay bị thương nhiều lần. Sau đó nhờ nhà thơ Paul Eluar, ông đã quen và mời cô đến làm mẫu ở xưởng vẽ của mình. Dora là người Tây Ban Nha, lúc đó đến Paris với mong muốn trở thành họa sỹ, nhưng lại học nhiếp ảnh. Và Picasso cũng đã trở thành người mẫu cho phòng ảnh của cô. Mối quan hệ khăng khít này đã khiến cho mối tình giữa họ nảy sinh. Dora là người đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến Picasso trong các quan điểm nghệ thuật giai đoạn này. Chính bà đã tác động để năm 1937 Guernica - một trong những tác phẩm thành công nhất của Picasso về đề tài chiến tranh - ra đời. Chủ trương “nghệ thuật vị nghệ thuật” đã không còn tồn tại trong ông. Mối quan tâm đến đến chính trị và thời cuộc đã nhen lên tinh thần vị nhân sinh.
Hình ảnh chân dung người đàn bà theo phong cách lập thể bị cắt vụn và ghép lại với những hình tam giác sắc nhọn như thể lột tả được cá tính của Dora. Đôi bàn tay cầm chiếc khăn mùi xoa trắng quyệt lau những giọt nước mắt đang tuôn chảy, hàm răng cắn lại trong niềm tức tưởi của những ẩn ức kìm hãm. Thủ pháp xuyên thấu khiến cho bức tranh trở nên đặc biệt khi hai con mắt cùng ở trên một nửa khuôn mặt nhìn nghiêng. Màu vàng vọt, xanh xao được hiện lên trên nước da và nền cảnh. Còn đôi mắt đen nháy cũng như bị chia cắt tròng đen và vành trắng... màu đỏ ở khóe mắt như nhại lại màu đỏ trên chiếc mũ cầu kỳ của cô, khắc thêm cho tính phức tạp trong nội tâm người đàn bà. Nỗi tuyệt vọng kìm nén như nổ tung không chỉ là Dora nữa mà là của những người đàn bà đang gánh chịu hậu quả khốc liệt của chiến tranh, nội chiến Tây Ban Nha mà Guernica đã khắc họa.
Có thể nói, mặc dầu lấy Dora làm cảm hứng cho loạt tác phẩm này, nhưng rõ ràng Picasso đã khắc họa được chân dung của những nỗi đau. Không chỉ vậy, bức tranh còn là sự liên hệ với những bức tượng Thánh nữ đồng trinh trong các nhà thờ ở Tây Ban Nha - quê hương danh họa. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật đã so sánh tác phẩm này với những giọt nước mắt thủy tinh của các Thánh nữ mà họ cho rằng Picasso chịu ảnh hưởng từ đó. Đặc biệt là những giọt nước mắt không hề ngẫu nhiên chảy về phía tai của chân dung trong bức họa.
Với Picasso, đến những người mạnh mẽ và sâu sắc như Dora Maar khóc có thể xem là hiện thân của bi kịch. Bi kịch của những người đàn bà khi họ phải gánh những nỗi đau không đáng có. Do vậy, không phải ngẫu nhiên bức họa đã trở thành biểu tượng của nỗi khổ đau nhân gian vận hóa vào đàn bà ở thế kỷ XX đầy nước mắt chiến tranh.