Tham dự cuộc làm việc có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; các Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo kết quả thực hiện công tác 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022 của Văn phòng Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, quy mô công việc lớn, tính chất công việc quan trọng, liên tục, áp lực tiến độ cao, nhiều việc phát sinh ngoài dự kiến, do đó, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cần phát huy tính chủ động, bao quát toàn diện công việc, tham mưu có chiều sâu, thực hiện công tác chuẩn bị “từ sớm, từ xa”, chuyên nghiệp, khoa học; thường xuyên rà soát, bảo đảm chất lượng, tiến độ công việc, đồng thời, cần quan tâm đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị.
Về công tác cán bộ của Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhận thấy, mặc dù trong 6 tháng đầu năm, với khối lượng công việc lớn, nhiều nhiệm vụ song trùng, nhưng lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội đã bám sát sự chỉ đạo sát sao của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội hoàn thành nhiều nội dung theo kế hoạch. Tuy nhiên, còn một số vấn đề cần quan tâm, lưu ý như: công tác xây dựng các quy định, quy chế về công tác cán bộ vẫn còn chậm so với kế hoạch; một số nội dung công việc tham mưu về công tác cán bộ còn chậm; việc kiện toàn một số chức danh ở một số cơ quan, đơn vị chưa xong.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, về công tác xây dựng bộ máy, bổ nhiệm lại cán bộ, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cần tập trung đẩy nhanh quy trình bổ nhiệm, bảo đảm công tâm, vô tư, khách quan. Đối với các vị trí phục vụ chuyên môn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội cần khẩn trương phân công công việc cho từng Phó Chủ nhiệm Ủy ban, nhất là trong lĩnh vực đối ngoại; gắn từng cán bộ tham mưu theo lĩnh vực để Lãnh đạo Quốc hội theo dõi, phối hợp với các trợ lý, thư ký trong quá trình triển khai nhiệm vụ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, tiếp tục hoàn thiện đề án sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong và biên chế của Văn phòng Quốc hội, trong đó khẩn trương thực hiện các khâu, công đoạn còn lại của quy trình. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý một số yêu cầu như: tiếp thu giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến ban hành 2 dự thảo Nghị quyết gồm: Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Văn phòng Quốc hội và Nghị quyết về biên chế hành chính của Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2022 - 2026; hoàn thiện báo cáo và rà soát số liệu biên chế giai đoạn 2016 - 2021 và đề xuất biên chế của các cơ quan của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội giai đoạn 2022 - 2026, tiếp thu ý kiến của các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, báo cáo Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trước khi ký ban hành; hoàn thiện bảng mô tả vị trí việc làm công chức tại cơ quan Văn phòng Quốc hội, xác định danh mục các cơ quan, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội; đồng thời, cần khẩn trương hoàn thiện 5 quy chế và 1 đề án liên quan đến công tác cán bộ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tập trung rà soát thể hiện các đầu công việc theo 5 mảng công tác, bám sát chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội; bố trí công việc khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng, đặc biệt là công tác chuyên môn, kỹ thuật hóa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hồ sơ, văn bản. Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội cần tập trung chỉ đạo, nâng cao năng lực công tác tổ chức chuyên nghiệp, hiện đại, nhạy bén, chính xác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ chính trị được giao.