Vui mừng gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng về thăm Thủ đô Hà Nội và đến thăm Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương bày tỏ phấn khởi khi đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của địa phương ngày càng được trẻ hóa. Chia sẻ với những khó khăn với tỉnh Cao Bằng nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây ra vừa qua, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của lãnh đạo các cấp, các ngành, cùng nhân dân tỉnh Cao Bằng trong khắc phục hậu quả, bước đầu ổn định đời sống Nhân dân.
Qua báo cáo của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy, những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng đã đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, làm cho tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều khởi sắc, tiến bộ, đời sống Nhân dân các dân tộc đổi thay đáng kể.
Cho rằng, trong những kết quả trên có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số ở cơ sở, người có uy tín của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng đã tích cực đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, các tổ chức đoàn thể, chính trị, xã hội và tuyên truyền, vận động, động viên đồng bào các dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhấn mạnh, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước luôn được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, tỉnh Cao Bằng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, nhiệm vụ công tác trọng tâm đã đề ra.
Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Thực hiện có hiệu quả công tác dân vận, công tác dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, quan tâm lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, các kiến nghị, đề xuất của người dân, giải quyết kịp thời các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”, các vụ việc phức tạp, kéo dài, tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân.
Đồng thời, phải thường xuyên tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia phát triển sản xuất; phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao sinh kế cho người dân…
Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Cao Bằng tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò “cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân, là hạt nhân tích cực lan tỏa, truyền cảm hứng để xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát triển kinh tế vững mạnh hơn. Mỗi đại biểu sẽ không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống và tri thức, có tinh thần đổi mới, ý chí vươn lên thoát nghèo; tin tưởng tuyệt đối ở Đảng và Nhà nước; không tin, không nghe những luận điệu tuyên truyền xấu độc của các thế lực thù địch; cùng nhau đóng góp xây dựng quê hương Cao Bằng và đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.
Trước đó, Phó Bí thư Thường trực, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Triệu Đình Lê đã báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội một số nét khái quát về tình hình địa phương; đại diện lãnh đạo, cán bộ một số thôn bản, xã trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã nêu một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Quốc hội.