Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới chủ trì Phiên họp.
Cùng dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế và các bộ, ngành có liên quan.
Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã tiến hành thẩm tra dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới nêu rõ, để kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 33 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Bảy, với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng hồ sơ dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh mong muốn, với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu thẳng thắn đóng góp các ý kiến để Ủy ban tiếp tục hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án luật trong thời gian tới.
Trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, đại diện Bộ Công an cho biết, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ và cứu nạn. Trong đó có Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 25.6.2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy…
Tuy nhiên, việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về công tác này còn hạn chế, chưa có sự hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể, thống nhất từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013, thì “quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của Luật”. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có hoạt động phòng cháy, chữa cháy được quy định trong Luật Phòng cháy và chữa cháy. Đồng thời, qua rà soát các luật hiện hành cho thấy, mới chỉ có quy định về hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra sự cố, tai nạn do thiên tai, thảm hoạ, xảy ra trên quy mô lớn, diện rộng…, còn hoạt động cứu nạn, cứu hộ đối với những tai nạn, sự cố thông thường chưa được quy định cụ thể trong văn bản luật…
Do đó, cần thiết phải xây dựng Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 65 điều, đã bổ sung quy định về phạm vi điều chỉnh đối với hoạt động cứu nạn, cứu hộ; bổ sung và quy định bao quát hơn các nội dung liên quan đến quản lý về phòng cháy, chữa cháy. Bổ sung quy định cụ thể hơn trách nhiệm, yêu cầu trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy. Bổ sung các quy định về phương tiện cứu nạn, cứu hộ và bảo đảm điều kiện cho hoạt động cứu nạn, cứu hộ…
Đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh tán thành sự cần thiết ban hành dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, luật hóa những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động cứu nạn, cứu hộ mà lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn đang được giao nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để nâng cao hiệu quả công tác này trong thực tiễn.
Tuy nhiên, một số ý kiến nêu rõ, dự thảo luật có nhiều quy định có thể làm phát sinh yêu cầu đối với nguồn lực bảo đảm nhưng chưa được thể hiện rõ trong nội dung Tờ trình của Chính phủ cũng như các tài liệu khác có trong hồ sơ dự án luật. Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung đánh giá về khả năng bảo đảm nguồn nhân lực, nguồn tài chính khi luật có hiệu lực thi hành để làm căn cứ trình Quốc hội xem xét quyết định.
Có ý kiến chỉ rõ, nội dung quy hoạch về phòng cháy, chữa cháy còn mờ nhạt, chưa thể hiện được tầm quan trọng của công tác này. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung một điều về quy hoạch hạ tầng phòng cháy, chữa cháy để có quy định nội dung, yêu cầu cụ thể, thể hiện rõ mối quan hệ với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phù hợp với pháp luật về quy hoạch…
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự chuẩn bị các tài liệu liên quan đến dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của Ủy ban Quốc phòng và An ninh và cơ quan chủ trì soạn thảo.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đầu tư thêm công sức, huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, xác định phạm vi điều chỉnh rõ ràng, cụ thể hơn nhằm tạo sự thuận tiện khi áp dụng trong thực tiễn.
Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nội dung dự thảo luật cần tiếp tục bám sát Kết luận số 02-KL/TW ngày 18.5.2021 của Ban Bí thư, trong đó có việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy; đẩy mạnh xã hội hóa công tác này và có cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực để nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Cùng với đó, cần huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực từ bảo hiểm cháy, nổ để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy. Tập trung xây dựng, kiện toàn lực lượng cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Kiện toàn, củng cố mô hình lực lượng bán chuyên trách phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở và chế độ cho lực lượng này. Thực hiện có hiệu quả hợp tác quốc tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ủy ban Quốc phòng và An ninh phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn chỉnh Tờ trình và Báo cáo thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp 33 tới đây, trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Bảy tới.