Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND một số tỉnh, thành phố khu vực phía Namvà các chuyên gia, nhà khoa học.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm cho biết, trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành luật, Hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật đã được hoàn thiện và đăng tải lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử Quốc hội (từ ngày 1.12.2023); gửi lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan, đối tượng chịu tác động theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, đã có 152 các cơ quan hữu quan có ý kiến góp ý đối với hồ sơ lập đề nghị.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề nghị, các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm vào các vấn đề: xác định các tồn tại, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương qua hơn 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có quy định của luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa rõ ràng; các chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (như: chính sách trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến hoạt động giám sát...) cần được luật hóa tại dự án luật này.
Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án luật và dự thảo đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được chuẩn bị công phu, bảo đảm chất lượng.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND trong điều kiện phát triển mới của đất nước, các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quan tâm đến: hiệu quả hoạt động giám sát; giá trị pháp lý của kết luận giám sát; tính chất tối cao của hoạt động giám sát của Quốc hội trong phân định thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân đại biểu Quốc hội; phạm vi giám sát giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cấp HĐND để tránh tình trạng chồng chéo…
Các đại biểu cũng góp ý các nội dung được thể hiện trong các tài liệu của hồ sơ lập đề nghị xây dựng luật như các chính sách, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động giám sát tại địa phương; những vấn đề đang vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015... Kiến nghị thêm các giải pháp về chính sách, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hoạt động giám sát hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật khó, bởi sự đánh giá tác động rộng, đối tượng và phạm vi điều chỉnh, những căn cứ chính trị pháp lý và thực tiễn có nhưng chưa nhiều, đặc biệt là mảng hoạt động giám sát của HĐND. Do đó, cần bám vào các chủ trương lớn của Đảng và Hiến pháp, cùng với một số luật chuyên ngành đã ban hành như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có ý nghĩa rất quan trọng để Quốc hội, HĐND thực hiện chức năng giám sát. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của luật lần này phải mẫu mực về tinh thần, trách nhiệm tiếp thu, giải trình, nội dung luật và quy trình; "đã làm tốt thì phải cố gắng làm tốt hơn".
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu kỹ, rà soát cả các luật khác để xác định những vấn đề mới, những bất cập cần đề xuất sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tránh nêu tràn lan, quá nhiều văn bản. Tiếp tục rà soát lại toàn bộ bố cục, nội dung dự thảo Tờ trình bám sát chủ trương lớn của Đảng, làm cho hoạt động giám sát trở thành trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội, giám sát để kiến tạo, truy đến cùng nhưng cũng phải kiến tạo đến cùng; gắn hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.