Tham dự có các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng đoàn giám sát: Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.
Về phía các Ngân hàng có: Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng.
Báo cáo tại cuộc làm việc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, thực hiện nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ – CP ngày 26.4.2022 về chính sách ưu đãi tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn I từ năm 2021 – 2025. Nghị định số 28/2022/NĐ – CP đã bám sát định hướng của Quốc hội đó là đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, có khó khăn là kết quả giải ngân của Ngân hàng Chính sách xã hội chưa cao. Nguyên nhân là tại các địa phương, công tác rà soát, phê duyệt danh sách đối tượng thụ hưởng chính sách còn chậm; dư nợ giải ngân cho vay chuỗi giá trị thấp do đa số địa phương chưa ban hành quy định về mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn cho dự án, chưa hình thành dự án cụ thể, chưa phê duyệt danh sách dự án hưởng ưu đãi tín dụng.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, trong năm 2021 – 2022, đã có trên 4,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ ngân hàng, với doanh số cho vay đạt 184.316 tỷ đồng; góp phần giúp hơn 432 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, thu hút, tạo việc làm cho trên 1,5 triệu lao động, giúp mua gần 86 nghìn máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; xây dựng trên 2,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn.
Vốn tín dụng chính sách xã hội đã trực tiếp góp phần thực hiện 7/11 nội dung thành phần Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 8/19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thực hiện 4/7 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện 2/10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Báo cáo kết quả làm việc của Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị, Ngân hàng Nhà nước báo cáo thêm về chính sách cho vay theo Nghị định 28/2022/NĐ – CP của Chính phủ trong hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, hỗ trợ chuyển đổi nghề với đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú tại xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và doanh nghiệp, hợp tác xã…
Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổ công tác đề nghị Ngân hàng chính sách xã hội cần báo cáo rõ tại sao chưa bố trí được vốn chính sách tín dụng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2025. Giải pháp để huy động, bổ sung, bảo đảm đủ nguồn vốn tín dụng chính sách này trong thời gian tới. Phương án sử dụng nguồn vốn bổ sung này vào nội dung, đối tượng, chính sách là gì?
Dù không trực tiếp chủ trì dự án thành phần, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng trong các Chương trình mục tiêu quốc gia. Do đó, các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bóc tách tỷ lệ tín dụng đầu tư vào sản xuất kinh doanh và đầu tư vào nông nghiệp, tỷ lệ hỗ trợ hộ nghèo. Phân tích cụ thể hơn về việc triển khai tín dụng nông nghiệp, nông thôn. Ngân hàng Chính sách xã hội làm rõ thêm giải pháp thực hiện hiệu quả hơn các chính sách tín dụng.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc định hướng Ngân hàng Chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại cùng vào cuộc để triển khai 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, đúng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phản ánh, nhiệm vụ giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa cụ thể. Tính rủi ro của tín dụng trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia còn cao, nhất là khả năng thanh toán, trả nợ, dẫn đến còn khó khăn trong việc huy động nguồn vốn tín dụng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục đánh giá kỹ việc lồng ghép các chính sách tín dụng, công cụ tín dụng để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, tham mưu cho Chính phủ sửa đổi các văn bản liên quan đến việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tránh chồng chéo, mâu thuẫn. Nghiên cứu, đề xuất cách thức huy động nguồn vốn, phân bổ nguồn vốn thế nào, lồng ghép nguồn vốn ra sao nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra của các Chương trình mục tiêu quốc gia. Nghiên cứu mở rộng phạm vi đối tượng, mức vay, thời gian vay, hỗ trợ lãi suất (đã ưu đãi rồi, cố gắng ưu đãi hơn nữa) cho các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, “Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội mạnh dạn đề xuất Chính phủ giao thêm nhiệm vụ, nếu thấy những nhiệm vụ của mình có liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Bảo đảm điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phải làm sao để người dân, doanh nghiệp “mặn mà” hơn với chính sách tín dụng của Nhà nước”.