Dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh
Trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về đăng ký lao động (Chương III), Thường trực Ủy ban Xã hội đã chỉnh lý theo hướng quy định rõ ràng, mạch lạc hơn về nguyên tắc đăng ký lao động, trình tự đăng ký, điều chỉnh thông tin và quyền, nghĩa vụ của người lao động trong đăng ký lao động.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật cũng như để quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý việc đăng ký, cập nhật thông tin của người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải bảo đảm không phát sinh chi phí hoặc chi phí phát sinh thì không lấy từ Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, việc xây dựng cơ sở dữ liệu về người lao động và hệ thống thông tin thị trường lao động sẽ có phát sinh lớn về chi phí và bộ máy hành chính. Do đó, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá tác động, dự kiến đầy đủ chi phí, bộ máy phát sinh, cân nhắc để quy định trong dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi. Và, cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định mang tính nguyên tắc trong dự thảo Luật để bảo đảm khuyến khích người lao động chủ động đăng ký lao động và nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc thực hiện khai trình lao động.
Về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật Chính phủ trình bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Thường trực Ủy ban Xã hội ủng hộ cần có chính sách này để hỗ trợ người sử dụng lao động nhận lao động là người khuyết tật, thể hiện chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta trong việc chăm lo đối tượng yếu thế.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Xã hội còn băn khoăn khi dự thảo Luật hiện đang quy định chung “người khuyết tật”, song theo quy định của Luật Người khuyết tật, hiện có 3 mức độ khuyết tật (khuyết tật nhẹ, khuyết tật nặng và khuyết tật đặc biệt nặng), báo cáo chưa có số liệu thống kê chính xác về người lao động là người khuyết tật để có thể dự báo nguồn lực chính xác (Báo cáo đánh giá tác động cũng ước chi phí khoảng 144 tỷ đồng/năm).
Mặt khác, dự thảo Luật quy định giảm tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động phải đóng cho người lao động là người khuyết tật. Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị, cần bổ sung đánh giá tác động đến Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (hiện nay Quỹ bảo hiểm thất nghiệp gần như cân bằng giữa thu và chi trong năm).
“Theo quy định tại Quyết định số 64/2015/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 42/2012/QĐ-TTg thì ngân sách trung ương hỗ trợ 100% kinh phí về đào tạo, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho lao động là người dân tộc thiểu số”. Nhưng dự thảo Luật Chính phủ trình cũng không có đối tượng là người dân tộc thiểu số”.
Lưu ý vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị, Chính phủ làm rõ kết quả thực hiện chính sách và cân nhắc về tính khả thi của việc quy định đối tượng này trong dự thảo Luật; rà soát tổng thể để bảo đảm không bị trùng lặp chính sách, cân đối, phù hợp với các đối tượng đặc thù khác; làm rõ việc không quy định trong dự thảo Luật liệu có làm mất đi chính sách hiện có đối với người lao động là người dân tộc thiểu số hay không?
Mở rộng đối tượng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm
Thảo luận về dự thảo Luật, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao tinh thần khẩn trương, tích cực của Ủy ban Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan trong việc nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, việc các cơ quan hiện không có ý kiến khác nhau về những nội dung lớn trong dự thảo Luật, đặc biệt đã được thu gọn theo chủ trương, phương pháp làm luật mới. “Dự thảo luật sau quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện hiện bao gồm 8 chương, 64 điều, giảm 30 điều. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đã rất tích cực rà soát, rút các quy định về trình tự, thủ tục, cũng như các quy định liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ, qua đó, tạo ra một dự thảo Luật khá gọn”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.
Về hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp tán thành với đề xuất của Chính phủ về bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng lao động là người khuyết tật thông qua việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ làm rõ các vấn đề Thường trực Ủy ban Xã hội còn băn khoăn.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh ghi nhận, trong thời gian qua, Thường trực Ủy ban Xã hội và các cơ quan liên quan đã nỗ lực cụ thể hóa bốn nhóm chính sách với nhiều điểm mới về quản trị thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, hiện đại, bền vững và hội nhập. Cùng với đó, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp phù hợp với thực tiễn, trong đó có mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp linh hoạt, sửa đổi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tạo thuận lợi cho thực hiện chính sách...
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận, để thúc đẩy việc làm bền vững, dự thảo Luật đã có quy định về tăng cường nguồn vốn, mở rộng đối tượng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi giải quyết việc làm, hỗ trợ việc làm cho các nhóm đối tượng yếu thế và đặc thù...
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và cơ quan liên quan khẩn trương tiếp thu ý kiến tại phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội gửi xin ý kiến; rà soát kỹ thuật văn bản và gửi đại biểu Quốc hội theo quy định, bảo đảm chất lượng và đúng tiến độ.