Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp.
Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Ngân hàng Nhà nước; các chuyên gia, hiệp hội…
Trong phiên họp sáng nay, Ủy ban Kinh tế tiến hành thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2023; tình hình triển khai Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024.
Trong năm 2023 đã có những thay đổi tích cực hơn
Trình bày Báo cáo của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nêu rõ, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ Sáu, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023 đã có những thay đổi tích cực hơn. Tốc độ tăng GDP đạt 5,05% (đã báo cáo đạt trên 5%); thu ngân sách nhà nước vượt 8,2%; xuất siêu khoảng 28,3 tỷ USD; thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD.
Kết quả này, theo Thứ trưởng, là nhờ sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự chủ động, tích cực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn của Chính phủ, các cấp, ngành, địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế để kịp thời hóa giải những khó khăn, thách thức, đóng góp vào kết quả chung của cả năm 2023.
“Trong thời gian qua, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo, ứng phó, thích ứng và nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu KT - XH năm 2023, nhưng có 5/15 chỉ tiêu chủ yếu không đạt mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến các quốc gia đang phát triển. Nền kinh tế nước ta tiếp tục chịu “tác động kép” từ yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại nhiều năm. Thiên tai, hạn hán, bão lũ, xâm nhập mặn, sạt lở đất, bờ sông, bờ biển, tiếp tục diễn biến khó lường, gây hậu quả nặng nề…”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ.
Về tình hình những tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng cho biết, GDP quý I.2024 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm 2023, cao nhất trong quý I từ năm 2020 đến nay. Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I tăng 3,77% so với cùng kỳ. Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, nhu cầu ngoại tệ được đáp ứng để hỗ trợ cho tăng trưởng, sản xuất, xuất khẩu; an toàn hệ thống ngân hàng được bảo đảm. Giải ngân vốn đầu tư công quý I đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16,5 nghìn tỷ đồng, đã đẩy lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I.2024 tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,9% ; tiêu thụ tăng, tồn kho giảm mạnh, là tín hiệu tốt cho sản xuất, xuất khẩu; có gần 60 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 5,1% so với cùng kỳ. Tính chung quý I, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,2%; khách quốc tế đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ.
Có giải pháp làm tốt hơn việc cung ứng điện và quản lý thị trường vàng
Các đại biểu cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao các kết quả đạt được trong thực hiện Kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023; đề nghị phân tích kỹ lưỡng, đa chiều diễn biến kinh tế thế giới, tác động từ xung đột Nga - Ukraine, xung đột khu vực Trung Đông, chính sách tiền tệ ở các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại chính của Việt Nam tới KT - XH trong nước.
Nhiều ý kiến đề nghị, theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đặc biệt là diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp.
Trong thời gian qua, thị trường vàng biến động mạnh. Một số ý kiến nhấn mạnh, dù việc Chính phủ triển khai đấu giá vàng SJC là đúng và kịp thời, nhưng thời gian tới cần quản lý hiệu quả hơn nữa. Để khắc phục tình trạng chênh lệch giá vàng cao, biến động trên thị trường nhiều, Chính phủ cần nghiên cứu áp dụng biện pháp quản lý mới, yêu cầu các điểm kinh doanh vàng phải đăng ký và quản lý chặt chẽ sản lượng giao dịch của các điểm giao dịch, giúp ngăn chặn hiệu quả tình trạng thao túng thị trường, triệt tiêu lợi ích, động cơ không trong sáng với thị trường vàng. Việc áp dụng giải pháp này cũng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong quản lý thị trường xăng dầu nước ta thời gian trước.
Về các giải pháp, các đại biểu cho rằng, cần tiếp tục kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Trong đó, chú ý tích cực hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Theo dõi sát tình hình trả nợ trái phiếu của các doanh nghiệp, tránh gây bức xúc, khiếu kiện trong dân, ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực khác và ổn định vĩ mô. Công khai, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, ổn định thị trường tín dụng, thị trường vàng, thị trường bất động sản. Trong trước mắt và lâu dài có những giải pháp để làm tốt hơn việc cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.
Một số ý kiến lưu ý, chính sách tài khóa tiếp tục là chính sách chủ đạo trong năm nay, vì nước ta còn những nguồn lực nhất định trong tài khóa để thực hiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024, xem xét giảm lệ phí trước bạ đăng ký ô tô; quan tâm hơn đến rủi ro liên thông giữa chứng khoán, bất động sản và tín dụng.
Phát biểu kết luận nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh ghi nhận, dù gặp nhiều khó khăn, tình hình KT - XH năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 tiếp tục đạt được một số kết quả khả quan. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế nhìn chung được bảo đảm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý, kinh tế thế giới đang phục hồi khó khăn, lạm phát dù đã qua đỉnh và dần hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao; nhiều nước duy trì thắt chặt tiền tệ. Các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… diễn biến bất thường theo chiều hướng gia tăng. Ở trong nước, tình hình sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm ngập mặn tăng cao; sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại vai trò động lực chính của tăng trưởng như trong giai đoạn trước; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao; du lịch quốc tế phục hồi tích cực, trong khi du lịch nội địa đối mặt khó khăn do tình trạng giá vé máy bay tăng cao...
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị, bên cạnh tiếp tục thực hiện mục tiêu kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, cần theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế, diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tác thương mại, đầu tư chính, đặc biệt là diễn biến phức tạp của thị trường tài chính, tiền tệ thế giới để chủ động có giải pháp điều hành phù hợp.
Đồng thời, điều hành đồng bộ, hài hòa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho các thị trường, tạo động lực phát triển KT - XH; tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy đầu tư công mà trọng tâm là các dự án quan trọng quốc gia để vừa kích tổng cầu trong ngắn hạn, vừa tạo cung dài hạn và hạn chế tác động phụ của các chính sách trọng cầu; tiếp tục kiến tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho khu vực tư nhân thông qua việc cắt giảm thực chất những điều kiện kinh doanh, cải thiện khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp...