Trong số hàng trăm di sản văn hóa, Ninh Thuận có “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và “Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ” được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, được địa phương quan tâm bảo tồn.
Bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch
Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hòa cho biết, toàn tỉnh có 239 di sản được đưa vào danh mục kiểm kê, trong đó, có 69 di sản văn hóa được xếp hạng ở các cấp, được coi là tỉnh có hệ thống di sản văn hóa phong phú và đa dạng. Cùng với đó, có 4 hiện vật văn hóa Chăm, gồm: Phù điêu vua Pô Rômê, Bia Hòa Lai, Bia Phước Thiện và Tượng thờ Vua Pô Klong Garai được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Về làng nghề gốm Bàu Trúc (làng nghề truyền thống được coi là cổ xưa nhất khu vực Ðông Nam Á) ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước vào những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Tại nhà trưng bày gốm của Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc có vị trí giữa làng, nơi có nhiều du khách đang chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm, gặp chàng trai Ðàng Tuấn Khang (21 tuổi), được coi là một tài năng trẻ, đang tạo hình hai bức tượng nghệ sĩ Chăm biểu diễn nhạc cụ trống Paranưng và thổi kèn Saranai nặng hơn 10kg và xem các phụ nữ Chăm với đôi bàn tay lấm lem màu đất sét biểu diễn kỹ thuật chế tác, chỉ trong chốc lát đã “biến” khối đất sét bình thường trở thành những sản phẩm độc đáo.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc không có khuôn mẫu cố định mà do các nghệ nhân, thợ làm gốm tự “thổi hồn” cảm xúc, suy nghĩ, tâm tư của mình vào khối đất theo cách kể những câu chuyện bằng hình ảnh về đời sống hằng ngày của đồng bào Chăm thông qua đôi bàn tay khéo léo, điêu luyện, chế tác nên những sản phẩm gốm đặc trưng, độc đáo.
Sản phẩm gốm Bàu Trúc được phủ kín bằng rơm, củi, lá cây… và nung lộ thiên trong 48 giờ. Cách nung này làm cho sản phẩm được lửa nung kết hợp với gió thổi tạo nên các vết loang, những màu sắc đặc trưng, như: vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, nâu... cho nên sản phẩm mang dấu ấn độc đáo của gốm Chăm, không hề lẫn lộn với bất kỳ sản phẩm gốm ở những nơi khác.
Bà Trương Thị Gạch (80 tuổi), một trong những người có tay nghề bậc cao trong làng cho biết, thiếu nữ Chăm đều được học và biết làm đồ gốm từ khi 12 - 15 tuổi. Người Chăm theo chế độ mẫu hệ, cho nên, người mẹ chỉ truyền nghề cho con gái.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do thị trường ưa chuộng sản phẩm gốm có kích thước to, cao và nặng tới vài chục ki-lô-gam, trong khi ở làng nhiều phụ nữ đã lớn tuổi, không thể chế tác được những sản phẩm gốm kích cỡ lớn. Vì vậy, để thích ứng với nhu cầu thị trường, tập tục mẹ chỉ truyền nghề cho con gái đã thay đổi bằng hình thức dạy nghề cho nam giới. Hiện nay, tại làng gốm Bàu Trúc đã có nhiều nam thanh niên, đàn ông trung niên học nghề và làm nhiều sản phẩm có kích thước lớn và nặng, cung ứng cho khách đặt hàng.
Nghề làm gốm đem lại thu nhập từ 200.000 đến 300.000 đồng/người/ngày (tùy trình độ tay nghề và chất lượng sản phẩm). Hợp tác xã gốm Chăm Bàu Trúc có 45 thành viên có tay nghề cao tham gia sản xuất. Cùng với đó, hợp tác xã còn bao tiêu sản phẩm của nhiều hộ gia đình trong làng. Nhờ nguồn thu nhập tương đối ổn định, cho nên đời sống người dân được cải thiện nhiều. Vào các ngày lễ, Tết hay lễ hội của đồng bào Chăm, làng gốm Bàu Trúc thu hút rất đông du khách đến tham quan.
Ninh Thuận là một trong số 21 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Trung Bộ có “Nghệ thuật Ðờn ca tài tử Nam Bộ” được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào cuối năm 2013. Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Phạm Thị Xuân Hương cho biết, toàn tỉnh có năm câu lạc bộ đờn ca tài tử với gần 70 thành viên thường xuyên biểu diễn, phục vụ nghệ thuật mỗi khi địa phương tổ chức các sự kiện liên quan về văn hóa nghệ thuật dân tộc; tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn trong và ngoài tỉnh.
Hoạt động đờn ca tài tử đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần và sức sáng tạo của nhân dân đối với loại hình nghệ thuật này, qua đó phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tại địa phương.
Nhiều năm qua, các thế hệ nghệ nhân như: Văn Hai, Huỳnh Thân, Hoàng Ðỗ, Thanh Thao… đã sáng tác hàng trăm tác phẩm ca ngợi đất nước, Ðảng, Bác Hồ, quê hương, con người Ninh Thuận và biểu diễn phục vụ nhân dân địa phương, du khách… được giới yêu thích đờn ca tài tử đánh giá cao và có nhiều tác phẩm đoạt giải khi tham gia liên hoan trong khu vực và quốc gia.
Cần nguồn đầu tư lâu dài
Thời gian qua, Ninh Thuận đã nỗ lực bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao chất lượng bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác bảo tồn mới chỉ giải quyết những vấn đề mang tính cấp bách, trước mắt, chưa có đủ kinh phí để xây dựng kế hoạch mang tính tổng thể, lâu dài, cho nên kết quả chưa như mong muốn.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Hòa, hiện tại các nghệ nhân ở làng gốm Bàu Trúc hầu hết là người lớn tuổi, nhưng địa phương chưa có chính sách đãi ngộ, khuyến khích thỏa đáng cho các nghệ nhân, người nắm giữ di sản văn hóa, để khuyến khích họ tiếp tục cống hiến, truyền dạy cho thế hệ kế cận. Trong khi đó, nhiều thanh niên không muốn học nghề vì cho rằng, thu nhập từ làm gốm không bảo đảm đời sống, cho nên nguồn nhân lực kế cận để bảo tồn di sản không nhiều.
Những năm qua, thông qua nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng để xây dựng kết cấu hạ tầng như đường giao thông, cổng làng nghề, nhà trưng bày... tạo diện mạo mới cho làng nghề. Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì vai trò của di sản trong phát triển du lịch chưa rõ nét, sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu các sản phẩm du lịch của tỉnh.
Làng nghề vẫn đang lúng túng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hầu như người dân phải tự tìm đầu ra tiêu thụ, do đó, việc cung ứng sản phẩm cho thị trường chưa nhiều. Hơn thế nữa, làng nghề thiếu kinh phí để lên “chiến dịch” quảng bá tại các tỉnh, thành phố lớn cũng như mang sản phẩm đến các hội chợ thương mại tầm quốc gia hay quốc tế.
Tương tự, công tác bảo tồn “Nghệ thuật Ðờn ca tài tử” tại Ninh Thuận cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Các thành viên tham gia sinh hoạt chủ yếu ở độ tuổi trung niên và cao tuổi, nhưng địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ việc truyền dạy, đầu tư, đãi ngộ để các nghệ nhân yên tâm truyền đạt kiến thức, kỹ năng biểu diễn cho giới trẻ, còn thế hệ trẻ thì không mặn mà với loại hình nghệ thuật này, dẫn đến thiếu hụt lực lượng kế thừa. Việc tổ chức sinh hoạt chủ yếu là tự phát, chưa có sự gắn kết thường xuyên giữa các câu lạc bộ, nghệ nhân; thiếu cơ sở vật chất, kinh phí, phương tiện, trang thiết bị, các bộ nhạc cụ... để hoạt động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Long Biên cho biết, khó khăn về kinh phí đã tác động không nhỏ đến công tác bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương. Thời gian tới, tỉnh sẽ nỗ lực hơn nữa để phát huy hiệu quả những giá trị đích thực của di sản, gắn kết di sản với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nếu không có sự quan tâm hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương thì Ninh Thuận khó đạt được kết quả về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.