Điểm sáng Minh Quang
Xã Minh Quang, huyện Ba Vì những ngày cuối năm đang khoác lên mình diện mạo tươi mới của những hàng cây xanh mướt bên con đường nở hoa rực rỡ và những bức tường bích họa đầy màu sắc. Dọc theo những cung đường uốn quanh sườn núi Ba Vì là những thôn, xóm với hệ thống hạ tầng, nhà ở của người dân ngày càng khang trang, kiên cố. Thời điểm này, đồng bào Mường nơi đây vừa bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh, vừa tất bật chuẩn bị đón năm mới với nhịp điệu của cồng chiêng vang vọng núi rừng. Đó là nhịp sống ở một xã miền núi đầu tiên đạt chuẩn NTM nâng cao của thành phố Hà Nội.
Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tiến Tha, Minh Quang có diện tích tự nhiên lớn với hơn 2.800ha; hơn 3.400 hộ dân sinh sống tại 15 thôn; hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Những năm trước đây, đời sống kinh tế - xã hội của người dân gặp nhiều khó khăn, hệ thống đường giao thông chưa được đầu tư, đa số là đường đất khó đi; người dân sống phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp với phương thức canh tác thủ công, lạc hậu nên thu nhập các hộ gia đình rất thấp. Từ sự quan tâm của lãnh đạo thành phố Hà Nội; chỉ đạo quyết liệt của huyện Ba Vì; nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền xã cùng với đoàn kết của người dân, xã Minh Quang đã vươn lên đạt chuẩn NTM năm 2019. Từ dấu mốc đó, Minh Quang tiếp tục phấn đấu và năm 2024 vinh dự trở thành xã đầu tiên trong khu vực DTTS và miền núi của Hà Nội đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đến nay, 100% đường giao thông nông thôn của xã được đầu tư đồng bộ, có hệ thống đèn chiếu sáng và có nhiều tuyến đường hoa và bích họa; 5/5 trường học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2; các hộ dân đều có nhà ở kiên cố; phong trào văn hóa, thể thao phát triển mạnh mẽ với 15/15 thôn đạt danh hiệu “Làng văn hóa” và 93,55% gia đình đạt “Gia đình văn hóa”. Đặc biệt, các thôn đều có mô hình phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao, như: thôn Lặt phát triển dịch vụ, thôn Minh Hồng phát triển làng nghề miến dong, thôn Xuân Thọ và thôn Pheo có truyền thống trồng rau… Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người xã Minh Quang năm 2024 đạt hơn 75 triệu đồng/năm, xã không còn hộ nghèo.
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, nhất là xây dựng NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2024, xã Minh Quang đã huy động được hơn 655 tỷ đồng. Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM thành phố Ngọ Văn Ngôn đánh giá: trong số 13 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi của Hà Nội nói chung và 7 xã của huyện Ba Vì nói riêng, Minh Quang là điểm sáng, điển hình cho tinh thần đoàn kết, nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trong quá trình xây dựng NTM; xã Minh Quang đang tiếp tục hành trình phấn đấu, nâng cao chất lượng các tiêu chí và hướng tới mục tiêu trở thành NTM kiểu mẫu vào năm 2025.
Nỗ lực đưa 10/13 xã về đích nông thôn mới nâng cao
Theo Kế hoạch số 68/KH-UBND (ngày 22.2.2024) của UBND thành phố Hà Nội về thực hiện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030, thành phố giao chỉ tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 60% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tương ứng 8/13 xã) và 20% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tương ứng 3/13 xã). Trên cơ sở chỉ đạo của UBND thành phố, Sở NN - PTNT Hà Nội đã phối hợp với Ban Dân tộc thành phố và các huyện rà soát, lựa chọn các xã xây dựng NTM nâng cao, phấn đấu đến năm 2025, có 10/13 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, vượt mục tiêu kế hoạch; 3 xã còn lại phấn đấu hoàn thành trong giai đoạn 2026 - 2030. Đối với xây dựng NTM kiểu mẫu, thành phố phấn đấu đến năm 2025 có 3 xã: Minh Quang, Ba Trại, Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) đạt chuẩn; giai đoạn 2026 - 2030 phấn đấu 10 xã còn lại đạt chuẩn.
Thông tin từ Ban Dân tộc thành phố, đến nay, thu nhập bình quân đầu người các xã vùng DTTS và miền núi đã đạt 65 triệu/người/năm, có xã đạt trên 70 triệu đồng/người/năm. Trong đó, có 13/13 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM và đang tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; 100% các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, cơ cấu kinh tế các huyện vùng DTTS và miền núi chuyển dịch theo hướng tích cực.
Trưởng ban Dân tộc thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII. Ban Dân tộc thành phố cũng như các cấp, các ngành, quận, huyện tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của thành phố giai đoạn 2021 - 2030, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trước 5 năm. Bên cạnh đó, chủ động tham mưu với thành phố ban hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030, tập trung hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế, khai thác hiệu quả nền tảng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số. Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Dân tộc và Sở NN - PTNT, tin tưởng rằng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô sẽ cán đích đúng hẹn.