Ổn định hoạt động thị trường dịp Tết
Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang cận kề, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng cao, đây cũng là thời điểm lượng lớn hàng hóa được các doanh nghiệp đưa ra thị trường. Tại Hòa Bình, không khí mua sắm tại các chợ, siêu thị tấp nập, lượng hàng nhập về các chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường.
Theo Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà, nhằm bảo đảm nguồn hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Sở Công Thương đã ban hành Văn bản số 3236/SCT-QLTM ngày 25.12.2024 phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá. Ngành công thương cũng đã vận động các hộ kinh doanh ký cam kết không tham gia và tiếp tay tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho người sản xuất và tiêu dùng, góp phần bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân trong dịp Tết.
Cùng với đó, Sở đã khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tới vùng sâu, vùng xa; chủ động tham gia chương trình bình ổn thị trường và thực hiện cam kết bảo đảm bán hàng bình ổn trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Đồng thời, ban hành kế hoạch kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn giá, bình ổn thị trường trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, dự kiến từ ngày 10.1 đến 24.1. Qua đó, sẽ giám sát hoạt động thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, phao tin thất thiệt về cung cầu giá cả hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá.
Không để khan hiếm hàng hóa
Tết Nguyên đán 2025, toàn tỉnh Hòa Bình có 5 doanh nghiệp cam kết tham gia bình ổn giá dịp cuối năm, tập trung bình ổn gồm 9 nhóm mặt hàng là: lương thực (các loại gạo, mỳ tôm...); thực phẩm (tươi sống, đông lạnh, công nghệ và chế biến...); dầu ăn các loại; nước chấm các loại; bột ngọt các loại; sữa các loại; rượu các loại (trừ rượu ngoại); bia các loại; nước giải khát. Để không gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Sở Công Thương đã phối hợp với các cấp, các ngành, UBND các huyện, thị, thành phố theo dõi sát diễn biến thị trường hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến. Để bảo đảm vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết, Sở đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở tăng cường thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Cùng với đó, Sở phối hợp với các cơ quan, địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại thị trường nội địa, tổ chức các chương trình bán hàng Tết, hội chợ triển lãm thương mại, đưa các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm kích cầu tiêu dùng, triển khai việc dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường kết hợp hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường về công tác giá cả, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, chất lượng sản phẩm, quy định về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tại Hội nghị tổng kết công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quách Tất Liêm đề nghị, các ngành, các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm các mặt hàng cấm, hàng hóa ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như pháo nổ, vật liệu nổ, chất cấm dùng trong chăn nuôi, hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm; các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, tiêu thụ nhiều trong dịp lễ, Tết. Ngoài ra, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức pháp luật và có kiến thức, kỹ năng phân biệt hàng thật, hàng giả, tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần xây dựng thị trường lành mạnh, ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.