Suy giảm tốc độ và động lực tăng trưởng đã khá rõ
Tiếp tục phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sau khi nghe các Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đánh giá bổ sung của Chính phủ và các cơ quan thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm 2023.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra cần nhấn mạnh điểm sáng của Quý IV.2022 là nỗ lực giữ ổn định kinh tế vĩ mô, giữ ổn định về tỷ giá và lạm phát trước các cú sốc trong và ngoài nước. Có được kết quả này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, trong đó Chính phủ là cơ quan tổ chức thực thi. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chịu trách nhiệm về vĩ mô, cả Ban Kinh tế Trung ương đóng góp nhiều, có nhiều nỗ lực, cố gắng.
“Nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô trước một số cú sốc trong và ngoài nước là một kết quả cần được ghi nhận và nhấn mạnh. Từ quý III.2022 đã khó, sang quý IV.2022 tiếp tục nỗ lực nên chúng ta đạt mức tăng trưởng 8,02%, lạm phát 3,15%, ngân sách bội thu, nên tổng quan năm 2022 là một năm khá tốt”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng với các thành tựu đã đạt được, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt lưu ý các hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục. Cụ thể là, hai chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu (tăng trưởng GDP giảm đáng kể trong quý IV.2022, xuất khẩu sụt giảm, sản xuất công nghiệp thấp); thu ngân sách vượt dự toán nhưng còn yếu tố chưa bền vững, giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh việc suy giảm tốc độ và động lực tăng trưởng đã khá rõ từ quý III.2022 đến nay. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu, dự báo tốc độ tăng trưởng trong quý II.2023, các quý tiếp theo; chú ý việc nhiều thị trường đang khó khăn từ bất động sản, chứng khoản, tiền tệ… Đồng thời, cần bám sát các Nghị quyết, kết luận của Trung ương và Quốc hội để đánh giá tình hình trong năm 2022, cả về kết quả đạt được và những tồn tại, khó khăn.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần bổ sung thêm các đánh giá về xã hội, về tội phạm và vi phạm pháp luật. Bởi, dù tổng thể chung tình hình vi phạm pháp luật và các loại tội phạm về trật tự xã hội giảm nhưng một số loại tội phạm gia tăng như: tội phạm giết người, mua bán người, cho vay lãi nặng, tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông. Một số loại tội phạm giảm nhưng tính chất, diễn biến nghiêm trọng như: tội phạm về ma tuý, cướp giật tài sản, chống người thi hành công vụ; tội phạm về trật tự xã hội tuy có giảm nhưng hậu quả do tội phạm này gây ra lại tăng, gây lo lắng và bất an trong nhân dân…
Quan tâm đến việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, cán bộ, công chức, viên chức ở một số đơn vị, địa phương chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, còn nhiều trường hợp vi phạm. Tình trạng lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, vị trí công tác gây nhũng nhiều, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực. Hiện tượng người dân phải "lót tay" để giải quyết công việc diễn ra nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn kịp thời.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm lưu ý, việc chậm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có một số ảnh hưởng tiêu cực. Độ trễ của chính sách trong triển khai thực hiện như vừa qua cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo các yếu tố, điều kiện sinh kế, hỗ trợ an sinh xã hội và giảm nghèo cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Chính phủ cần có những giải pháp cụ thể, rõ ràng, đồng bộ và kịp thời để tránh để độ trễ quá dài, ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.
Nhận diện đúng thực trạng, xác thực, khách quan
Đối với triển khai thực hiện kế hoạch trong 4 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế phải quán triệt, bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Trung ương để hoàn thiện. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, cơ bản giữ được ổn định vĩ mô; nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá ổn định; tổng mức bán lẻ tăng đến 12,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu trừ yếu tố giá vẫn tăng 8,3%, tăng đến 26,7% so với 4 tháng đầu năm 2019 – là những điểm sáng cần nhấn kỹ trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải tập trung suy nghĩ, thảo luận về một số chỉ số giảm nhanh như chỉ số sản xuất công nghiệp, động lực tăng trưởng, số lao động trong khu vực công nghiệp, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, về đầu tư, thu hút vốn FDI, thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu; các thị trường vẫn đang vướng mắc; doanh nghiệp và người dân vẫn đang rất khó khăn… Cần phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, tập trung bàn kỹ, quyết theo từng nhóm vấn đề để giải quyết.

Về giải pháp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tập trung vào vcải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công chức và công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh trách nhiệm, sợ sai. Cùng với đó, cần đẩy nhanh các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các loại quy hoạch chuyên ngành như Quy hoạch điện VIII.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế vừa qua có cả khách quan, do tác động từ bên ngoài nhưng cũng có nhiều yếu tố nội tại của nền kinh tế như: công tác dự báo chưa sát; việc đưa ra phản ứng chính sách của một số bộ, ngành chức năng chưa kịp thời; việc triển khai thực thi chính sách còn có độ trễ; tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức chưa cao.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan. Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Trong báo cáo lưu ý cân đối nội dung đánh giá về kinh tế và xã hội.
Dự báo từ nay đến cuối năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ bám sát kết luận của Bộ Chính trị về kinh tế vĩ mô, tiếp tục kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng, điều hành chính sách tài khóa có trọng tâm, trọng điểm, chia sẻ vai trò hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế với chính sách tiền tệ theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Nghiên cứu phương án điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân, giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả hàng hóa, làm rõ và khắc phục nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công, trên cơ sở đó có giải pháp phù hợp. Đẩy nhanh tốc độ giải ngân, nhất là đối với ba chương trình mục tiêu quốc gia, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, các dự án có tính chất liên kết vùng, ứng phó với biến đổi khí hậu, dự án cấp thiết của địa phương.
Cùng với đó, cần nghiên cứu tiếp tục hạ lãi suất; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; tăng cường kiểm tra, xử lý, giải quyết cơ bản tình trạng sở hữu chéo, kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng, sử dụng vốn, nhất là các doanh nghiệp, tập đoàn, dự án “sân sau”. Có chính sách để đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn giá cả hàng hóa, nhất là điện và xăng dầu.

Có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng, tránh gián đoạn sản xuất, xuất khẩu. Chủ động phương án ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19, các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra. Các Bộ, cơ quan liên quan phối hợp tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế; sớm hoàn thiện các quy định pháp luật, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, chặt chẽ và an toàn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật rà soát tổng thể các luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư để phát hiện kịp thời vướng mắc, bất cập ở đâu, chồng chéo ở đâu liên quan hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Có giải pháp khắc phục tình trạng việc xây dựng dự toán thu ngân sách địa phương trong những năm tới sát với tình hình thực tế. Tăng cường đôn đốc nộp kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước mà cơ quan Thanh tra, Kiểm toán đã kết luận, kiến nghị. Tăng cường quản lý các nguồn thu từ đất đai, nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp khẩn trương phân bổ, giao vốn theo đúng kế hoạch, hạn chế tối đa chuyển nguồn qua các năm.
Chính phủ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các ý kiến thẩm tra để hoàn thiện báo cáo có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn gửi Quốc hội; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính -Ngân sách thẩm tra chính thức trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm tới.