“Tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là hợp lý”
Tại Kỳ họp thứ 7 sắp tới, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua hai dự luật quan trọng, đó là: dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ. TS. Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, mặc dù các bộ, ngành nỗ lực tối đa trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tuy nhiên những chuyển biến chưa thực sự căn bản, vững chắc. Nếu muốn giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn giao thông cần có cách tiếp cận mới, có những thay đổi mới.
Các đại biểu nhấn mạnh, một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế. Nhiều quy định còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện trong bối cảnh hiện nay.
Ông Trương Xuân Cừ, ĐBQH TP. Hà Nội nêu thực tế, mỗi năm tai nạn giao thông cướp đi gần 7.000 người, bình quân mỗi ngày gây thiệt hại 600 tỷ đồng… Nếu không thiết kế lại Luật Giao thông đường bộ, chắc chắn trong xu thế phát triển nhanh như hiện nay sẽ thiệt hại rất lớn.
Ông Cừ cho rằng, tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật là hợp lý và cần thiết nhằm rành mạch trong công tác soạn thảo, rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, rành mạch trong công tác quản lý. Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng; dự thảo Luật Đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng đã phân định rõ trách nhiệm về nội dung quản lý nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, không để chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ trống. Việc tách thành 2 luật cũng giúp bổ sung những thiếu hụt về chính sách đầu tư, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đang khuyết thiếu trong luật hiện hành.
Tạo điều kiện phát triển giao thông xanh
Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập tại tọa đàm là khí thải từ giao thông ảnh hướng đến sức khỏe con người. PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng cho rằng, các vấn đề ô nhiễm có nguồn từ phương tiện giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu cho thấy, 35 - 40% hô hấp của người dân bị ảnh hưởng có liên quan đến vấn đề khí thải từ giao thông. PGS. TS Phạm Việt Cường đề nghị nâng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về khí thải bởi các quy định hiện nay đang rất thấp so với thế giới. Cần chú trọng việc kiểm soát phương tiện cũ mô tô, xe máy và lượng khí thải.
Thượng tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nhấn mạnh, để phát triển đồng bộ và hướng tới phát triển giao thông xanh, cần giảm thị phần về vận tải đường bộ, chia sẻ thị phần vận tải liên quan đến cả đường sắt và đường thủy nội địa, các hình thức vận tải thân thiện hơn với môi trường. Đồng thời, hạn chế lưu lượng phương tiện giao thông trên đường bộ cũng giúp giảm thiểu luôn cả những nguy cơ tiềm ẩn về tai nạn giao thông.
Bà Minh cũng cho rằng, cần giám sát chặt chẽ việc kiểm định về khí thải của các phương tiện giao thông. Việc ứng dụng khoa học, công nghệ sẽ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong dịch vụ vận tải, giảm phác thải khí thải từ các phương tiện vận tải.
Cùng chung quan điểm, ông Trương Xuân Cừ, ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, nếu không có những quy định bắt buộc, vấn đề khí thải sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống. Ông cho rằng Chính phủ phải có giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn nữa cho các phương tiện giao thông công cộng, bởi tình trạng khói bụi và ô nhiễm không khí đang tác động đến hàng triệu người hằng ngày sống và làm việc tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, cần có thêm những biện pháp hỗ trợ định hướng cho người dân, đặc biệt là những người lao động đang phải dựa vào xe máy để kiếm sống.
Thực tế, kiểm soát khí thải mô tô, xe máy là vấn đề lớn đối với xã hội, phức tạp vì liên quan đến đa số người dân, khi đây vẫn là phương tiện giao thông chủ yếu, đáp ứng gần 90% nhu cầu đi lại trong các thành phố. Do đó rất nhiều dự thảo, đề án liên quan đến xe máy cứ "trình lên đặt xuống". Lần này, việc đưa kiểm soát khí thải xe máy vào dự thảo Luật Đường bộ được nhiều ý kiến ủng hộ.
Kết thúc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim cảm ơn các ý kiến trao đổi, thảo luận của các diễn giả. Đây sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, cũng như với Chính phủ trong quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về trật tự an toàn giao thông và phát triển hạ tầng giao thông đường bộ. “Tất cả chúng ta đều mong muốn rằng, dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật Đường bộ khi trình Quốc hội vào kỳ họp tới đây sẽ bảo đảm về chất lượng và được các đại biểu tán thành thông qua với tỷ lệ cao nhất”, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Lê Thanh Kim nhấn mạnh.