Áp lực của cán bộ, công chức cấp xã rất lớn
Theo ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Bắc Kạn), đất nước ta đang bước vào giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ với sự phát triển rất phong phú, đa dạng của các ngành khoa học. Việc ứng dụng công nghệ đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội lên một tầm cao mới. Thế nhưng, ở những thôn, bản vùng sâu, vùng xa còn rất nhiều người dân chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, không có sóng điện thoại, không được tiếp cận với những tiện ích và văn minh do điện đem lại.
ĐB Nguyễn Thị Huế cho rằng, đây là sự thiệt thòi vô cùng lớn của những người dân sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn. Tại Tờ trình số 3462 ngày 15.6.2021 của Bộ Công thương về đề nghị phê duyệt Chương trình đầu tư công cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025 đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 đầu tư cấp điện cho 911.400 hộ dân tại 14.676 thôn, bản trên địa bàn 3.099 xã thuộc 48 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với tổng nguồn vốn khoảng 29.779 tỉ đồng.
Như vậy, số lượng hộ dân được thụ hưởng là rất lớn và đa số là các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, đến thời điểm này, chương trình trên chưa được Chính phủ phê duyệt, do đó, không có cơ sở để đề xuất nguồn lực để hỗ trợ nguồn vốn thực hiện dự án cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện.
Mặt khác, hiện nay tất cả các chính sách của Đảng, Nhà nước đều được triển khai ở cơ sở để đến với Nhân dân. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã là đầu mối để triển khai thực hiện, hướng dẫn Nhân dân thu thập thông tin, tổng hợp và báo cáo tiến độ, hiệu quả của các chính sách của Đảng, Nhà nước nói chung và các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn nói riêng. Đây cũng là đội ngũ gần dân, sát dân, hiểu dân và trực tiếp tuyên truyền, vận động Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian gần đây có hiện tượng một số cán bộ, công chức cấp xã ở miền núi, ở miền núi xin nghỉ việc để đi xuất khẩu lao động hoặc tìm việc làm khác.
Theo ĐB Nguyễn Thị Huế, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do áp lực của cán bộ, công chức cấp xã rất lớn, số lượng người ít trong khi nhiều nhiệm vụ phải triển khai thực hiện và rất nhiều việc mới, việc khó. Bên cạnh đó, tiền lương của đội ngũ này rất thấp, ngoài lương chính và phụ cấp khu vực xa thì hầu như không có phụ cấp khác, không bảo đảm được cuộc sống. Do đó, đại biểu nhấn mạnh, nếu không sớm có giải pháp khắc phục tình trạng này sẽ dẫn đến việc lãng phí nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm, hiểu dân và giao tiếp được với Nhân dân bằng tiếng dân tộc. Đồng thời, có thể sẽ thành rào cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội và việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Thống nhất bộ máy quản lý, bố trí cán bộ chuyên trách cấp xã
Cũng nêu ý kiến về vấn đề nhân lực và bộ máy thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, ĐBQH Tráng A Dương (Hà Giang) cho biết, qua giám sát tại cơ sở và ý kiến của cử tri có thể thấy, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương đã bước đầu phát huy được chức năng, nhiệm vụ và đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, bộ máy cơ quan tham mưu, chủ trì tổ chức thực hiện chưa thực sự đồng bộ tại các cấp, nhiều địa phương chưa tổ chức thực hiện công tác dân tộc cấp huyện, phòng chuyên trách, Phòng Dân tộc... Biên chế làm công tác dân tộc còn mỏng, hầu hết các xã, thị trấn không được bố trí cán bộ chuyên trách tham mưu thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia mà phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau, thường xuyên thay đổi vị trí công tác dẫn đến bất cập, khó khăn trong việc tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ đạo các cấp.
ĐB Tráng A Dương đề nghị, cần thống nhất bộ máy quản lý chương trình từ Trung ương đến địa phương bảo đảm vận hành hiệu quả, nhất là việc bố trí cán bộ chuyên trách thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đối với cấp xã, cấp trực tiếp triển khai Chương trình, đưa Chương trình tới người dân.
Liên quan đến cơ chế phân cấp và trao quyền, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chỉ rõ, thực tiễn và kết quả giám sát cho thấy còn nhiều mặt chưa hợp lý và chưa thực chất, nhiều nội dung văn bản Trung ương phân cấp cho các địa phương hướng dẫn nhưng các quy định hiện hành chưa đồng bộ, nội dung phân cấp chưa rõ, chưa có cơ sở để thực hiện. Những nội dung này thuộc về cơ chế, về hành lang pháp lý, lẽ ra Trung ương ban hành nhưng lại giao cho địa phương làm địa phương lúng túng và rất khó trong việc tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, Trung ương lại ban hành việc giao vốn sự nghiệp chi tiết đến từng tiểu dự án, từng lĩnh vực, không trao quyền cho địa phương được quyết định về nội dung điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án, chương trình dẫn đến tình trạng dự án thừa vốn hoặc thiếu vốn.
Với ý nghĩa và tính nhân văn sâu sắc của 3 Chương trình, ĐB Trần Thị Hoa Ry đề nghị Quốc hội, Chính phủ, ngoài đề xuất 7 nhóm chính sách về cơ chế đặc thù trong Tờ trình số 557 của Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và kiến nghị trong Báo cáo chính thức của Đoàn giám sát để giải quyết căn cơ những hạn chế, bất cập trong thời gian qua để cơ chế phân cấp, trao quyền cho địa phương đi vào thực chất hơn, hiệu quả hơn, rõ về nội dung và phương thức trong việc tổ chức triển khai thực hiện.