Kênh tố giác tội phạm an toàn, hiệu quả
Nếu như trước đây, cơ quan Công an tiếp nhận tin báo, kiến nghị, phản ánh thông tin liên quan đến tình hình an ninh, trật tự và tố giác tội phạm phải thông qua các hình thức trao đổi trực tiếp với người dân, tiếp nhận gián tiếp qua điện thoại, hoặc đơn trình báo... thì giờ đây, với sự phát triển của Công nghệ 4.0, mọi công dân chỉ cần thực hiện theo các bước đơn giản qua ứng dụng VNeID là đã có thể tạo các hồ sơ kiến nghị, phản ánh về an ninh, trật tự; tin báo tố giác về tội phạm gửi tới cơ quan Công an, giúp cơ quan chức năng kịp thời tiếp nhận, xác minh thông tin, xử lý các vụ việc có dấu hiệu phạm tội nhanh chóng, hiệu quả.
Chị Nguyễn Mai Loan ở Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội bày tỏ: Trước đây, chúng tôi còn e ngại bị phiền toái khi tố giác tội phạm, nhưng khi được tuyên truyền về những tiện ích của ứng dụng VNeID có tính bảo mật thông tin cao, không bị lộ lọt danh tính của người tố giác tội phạm như một nguồn động viên, khích lệ những người dân như chúng tôi chủ động tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tham gia tố giác tội phạm. “Việc tham gia tố giác tội phạm cũng thể hiện trách nhiệm của mỗi công dân trong phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm” - chị Loan nhấn mạnh.
Thống kê của Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho thấy, tính đến tháng 12.2023, Bộ Công an đã cấp số định danh cá nhân cho 100% công dân, trên 87 triệu thẻ CCCD gắn chip cho công dân đủ điều kiện; thu nhận trên 70,2 triệu hồ sơ định danh điện tử; kích hoạt gần 50 triệu tài khoản VNeID, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 69,25%.
Từ khi triển khai ứng dụng VNeID đến nay, đã có 15.949 kiến nghị, phản ánh được người dân gửi qua ứng dụng VNeID, trong đó có 11.432 thông tin về an ninh trật tự được Công an cấp xã các cấp tiếp nhận, kiểm tra xác minh. Những hành vi phổ biến được người dân tố giác qua ứng dụng VNeID như: trộm cắp tài sản với 1.895 tin, cố ý gây thương tích với 1.817 tin, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là 766 tin, đánh bạc có 556 tin, liên quan ma túy với 534 tin, cướp giật tài sản là 134 tin, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự 126 tin…
Đến nay, có 42 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỷ lệ kích hoạt tài khoản cao nhất cả nước. Hiện có gần 3 triệu chữ ký số thường xuyên được người dân sử dụng. Đáng chú ý, Bộ Công an cũng đã hoàn thành, vượt chỉ tiêu triển khai 10 tiện ích trên ứng dụng VNeID, nổi bật nhất là tiện ích hỗ trợ người dân thông báo, tố giác tin báo tội phạm.
Chia sẻ về ứng dụng VNeID trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Thư ký Tổ Công tác triển khai Đề án số 06 của Chính phủ, Đại tá Vũ Văn Tấn cho biết: Từ tháng 7.2022, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an xây dựng tính năng trên ứng dụng VNeID cho phép công dân có thể gửi tố giác tội phạm trực tiếp từ ứng dụng điện thoại đến Công an cấp xã, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm ngay từ địa bàn cơ sở. Việc triển khai tố giác tin báo tội phạm qua ứng dụng VNeID nhằm tạo thuận tiện cho người dân, các tổ chức; đồng thời, nâng cao hiệu quả giải quyết tin báo tố giác tội phạm, phát huy tối đa phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Theo đó, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh cài đặt ứng dụng VNeID, ở bất cứ đâu, người dân hoàn toàn có thể gửi thông tin tố giác tội phạm về cơ quan công an, bảo đảm an toàn, bí mật, nhanh chóng, góp phần phòng, chống hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật.
"Khi công dân gửi thông tin báo về tội phạm qua VNeID, những thông tin này nhanh chóng được chuyển trực tiếp đến phần mềm tố giác tin báo về tội phạm của công an cấp xã, phường. Rất nhiều đơn vị đã triển khai hiệu quả việc tiếp nhận và xử lý tin báo tố giác tội phạm của người dân qua kênh VNeID" - Đại tá Tấn thông tin.
Người dân không phải trực tiếp đến cơ quan Công an
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, người dân phản ánh về tình hình an ninh trật tự thông qua ứng dụng VNeID không phải trực tiếp đến cơ quan công an, góp phần phòng, chống tội phạm từ sớm, từ xa. Trong trường hợp người dân đã đến cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc cơ quan công an nơi gần nhất trình báo và được tiếp nhận giải quyết, thì vẫn có thể tiếp tục gửi tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID. "Việc gửi lại thông tin tố giác tội phạm trên ứng dụng VNeID sẽ giúp vụ việc được các cơ quan liên quan biết, cùng phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết. Thông qua sàng lọc, các đơn vị tiếp nhận nhanh chóng giải quyết, chủ động trong phòng, chống tội phạm, giữ vững an ninh trật tự".
Chia sẻ về việc triển khai ứng dụng VNeID tại địa phương, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam, Đại tá Tô Anh Dũng cho biết: Nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng cũng như hiệu quả của mô hình "Tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID" trong tiếp nhận, giải quyết tin báo, phản ánh kiến nghị về tình hình an ninh trật tự, Công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Cùng với đó, đơn vị cũng phân công cán bộ, chiến sĩ tổ chức tiếp nhận và xử lý kịp thời tin báo, tố giác tội phạm của người dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là trong thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần.