Sự lãnh đạo của Đảng và lực lượng nòng cốt
Vào thời gian Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, nhân dân Việt Nam đã kiểm chứng những cuộc đấu tranh vô cùng oanh liệt của các thế hệ trước nhưng đều thất bại và bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt. Về đại thể, có các thế hệ giương cờ chống Pháp, giải phóng dân tộc nhưng không thể thành công. Các phong trào đó thất bại vì suy đến cùng từ phía chủ quan là có mục tiêu nhưng không có phương pháp thích hợp. Cụ thể 2 yếu tố căn bản đó gồm: thiếu tính toàn dân và phương thức đấu tranh không phù hợp.
Từ cương lĩnh chiến đấu và từ thực tiễn phong trào đấu tranh 1930 - 1931, công cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam do những người cộng sản tổ chức đã xây dựng được yếu tố căn bản, cốt lõi bảo đảm cho cuộc đấu tranh thắng lợi là sự lãnh đạo của Đảng và lực lượng nòng cốt là công nhân và nông dân.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn đã phân tích và đánh giá rằng, hai nhân tố trên là yếu tố cốt tử cho mọi thành công của công cuộc giải phóng dân tộc. Có Đảng, có liên minh công nông là có tất cả 2 yếu tố trên ra đời vào thời điểm 1930 - 1931 có liên hệ hữu cơ với nhau và nó chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Không có Đảng - đại diện cho giai cấp công nhân mới, thì không có liên minh công nông, không có lực lượng nông dân đông đảo nhất trong cư dân dân tộc tham gia giành độc lập. Ngược lại, chính sự tham gia của khối nông dân mới bảo đảm cho giai cấp công nhân giành và giữ vững quyền lãnh đạo.
Đúng quy luật, đúng yêu cầu lịch sử
Sau bước tích lũy lực lượng mang tính đột khởi trên, vào thời kỳ 1936 - 1939, một yếu tố cốt tử mới bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng được hình thành là Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939, tiền thân của lực lượng Việt Minh sau này.
Từ nguyên tắc xây dựng của thời kỳ trước, khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ, mặt trận Việt Minh ra đời. Việt Minh được xây dựng trên 3 nguyên tắc căn bản: giữ vững cốt lõi lãnh đạo của Đảng, củng cố, mở rộng khối lực lượng công nông làm trụ cột và có nhân nhượng với các bộ phận xã hội khác.
Với việc giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, tập hợp tất cả lực lượng khác, lấy quyền lợi giải phóng dân tộc làm tối thượng, việc xây dựng mặt trận Việt Minh lúc đó đã khắc phục được tình trạng cục bộ, xu thế hẹp hòi trong cuộc vận động cách mạng ở thời kỳ 1930 - 1931. Chính sách và tổ chức của mặt trận Việt Minh lúc đó thực sự trở thành thực lực cách mạng, thực lực chính trị của công cuộc giải phóng dân tộc, kế thừa truyền thống lịch sử lâu đời và trực tiếp là tinh thần quật cường của các phong trào yêu nước trước năm 1930.
Từ thực lực chính trị, đạo quân chính trị của mặt trận Việt Minh, khi điều kiện chín muồi, lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam ra đời, đoàn kết toàn dân. Bởi “muốn hoàn thành nhiệm vụ dân tộc giải phóng vĩ đại ấy, sự đoàn kết nhất trí của toàn dân không phân biệt giai cấp đảng phái là một điều kiện cốt yếu”.
Sự xuất hiện của đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có cội nguồn từ cơ sở chính trị là quần chúng yêu nước. Đội quân đó là yếu tố thứ 4 bảo đảm cách mạng thành công. Đây là công cụ đắc lực, một trong hai lực lượng tiến (chính trị và quân sự) để làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945 và 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc giành thắng lợi.
Song với sự ra đời của đạo quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, căn cứ địa của cách mạng được xây dựng. Trong 3 nguyên tắc căn bản để xây dựng căn cứ địa, yêu tố dựa vào dân, dựa vào lực lượng chính trị là cốt tử. Đây là yếu tố thứ 5 bảo đảm cách mạng toàn thắng. Từ các ATK, căn cứ địa nhỏ, trong quá trình vận động, căn cứ địa cách mạng được phát triển thành vùng căn cứ liên hoàn trong sáu tỉnh. Đó là hình ảnh của nước Việt Nam mới.
Kết quả đấu tranh cách mạng và tác động của 5 nhân tố trên đã ra đời Ủy ban Khởi nghĩa, từ đó dẫn đến Chính phủ cách mạng lâm thời được thành lập.
Tất cả các yếu tố trên là kết quả đấu tranh, phát triển thực lực cách mạng suốt 15 năm từ 1930 - 1945. Các yếu tố được xây dựng đúng quy luật, đúng yêu cầu của lịch sử. Với các yếu tố đó, vấn đề giải phóng dân tộc, giành chính quyền chỉ còn là thời gian. Đó là quá trình xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam từ không đến có, từ nhỏ đến lớn.
Chớp thời cơ khởi nghĩa
Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã dự báo sớm phe phát xít sẽ thất bại. Nhưng sự sụp tổ của nó vào thời kỳ nào, kẻ thù cụ thể của dân tộc sẽ suy vong khi nào là vấn đề quan trọng, quyết định thành bại của công cuộc đấu tranh. Bởi nếu vùng lên không đúng lúc, đưa quần chúng và toàn thể lực lượng cách mạng xuống đường sớm, khi kẻ thù còn mạnh, thì không những không đạt mục tiêu mà lực lượng cách mạng còn bị tổn thất. Kinh nghiệm những năm 1930 - 1940 và một số sự kiện trong lịch sử Việt Nam hiện đại sau này, kể cả trong kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, đã chứng minh điều đó.
Ngược lại, nếu không huy động quần chúng kịp thời, thời cơ cách mạng sẽ mất. Một sự thật là trong quá trình giành cách mạng ở Hà Nội năm 1945, nếu phong trào nổ sớm hay muộn một ngày là khó có thể thành công.
Với bản lĩnh cách mạng, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã sớm khai thác tin tức quốc tế. Trong điều kiện rừng núi, bốn mặt là kẻ thù lúc đó, việc có được thông tin quý về tình hình quốc tế đã tạo điều kiện cho cách mạng Việt Nam nắm bắt thời cuộc. Lãnh tụ Hồ Chí Minh cũng là người kết nối Việt Minh với đội tình báo Hoa Kỳ, xác nhận “Hoa Kỳ là bạn của ta”. Để rồi đúng một nửa thế kỷ sau, vào năm 1995, điều này thành hiện thực!
Đứng trong phe Đồng minh đã tạo điều kiện cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trở thành một bộ phận của lực lượng chống phát xít toàn cầu, một phần của lịch sử thế giới hiện đại. Đây là một yếu tố được tạo lập đề cách mạng Việt Nam giành được thắng lợi.
Sau này, trong Tuyên ngôn bất hủ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Một dân tộc gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập”. Thông tin kịp thời và chính xác về kết thúc chiến tranh thế giới, về phát xít Nhật đầu hàng đồng minh đến với Tổng bộ Việt Minh vào ngày 13.8.1945 là yếu tố khách quan tốt lành để lực lượng cách mạng Việt Nam được xây dựng từ 15 năm trước vùng lên, bùng phát thành cao trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân...
Giành chính quyền - sự kết tinh của trí tuệ và bản lĩnh cách mạng
Cùng bối cảnh lịch sử quốc tế như nhau, song không phải quốc gia nào bị áp bức đô hộ cũng thực hiện được nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Ở Việt Nam, lý do cơ bản trước hết từ việc xây dựng, bồi đắp sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Sức mạnh nhân dân, tinh thần dân tộc là vô địch và chính những người cộng sản, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nối tiếp và phát huy truyền thống lịch sử của dân tộc lên tầm cao mới. Đó là nguồn cội sâu xa nhất để một dân tộc đất không rộng, người không đông, kinh tế và tiềm lực quân sự nghèo có thể giành được chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sau đó đánh thẳng hai đế quốc hung bạo.
Thời khắc lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là nghìn năm có một, nhưng rất ngắn, chỉ cho phép toàn dân tộc vùng lên trong khoảng trên 10 ngày. Vượt qua cột mốc đó về phía trước hay phía sau đều phải trả giá đắt.
Cùng cần nói thêm rằng, không phải chỉ có những người cách mạng muốn giành chính quyền trong thời gian trên. Không ít đảng phái, tổ chức cùng nuôi hy vọng đó nhưng bởi thực lực và sự toan tính phương lược của họ không chính xác, nên đã thất bại.
78 năm về trước, khi tổng kết nguyên nhân cốt lõi để Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Cuộc khởi nghĩa hoàn toàn thắng lợi là do kết quả của bao cuộc đấu tranh trong mấy năm trời đổ máu, chứ không phải là một cuộc đảo chính như người ta lầm tưởng".