Chương trình ra mắt sách Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương do Nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức sáng 20.4. Ba khách mời là nhà văn Nguyễn Trương Quý, TS Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, họa sĩ Trương Văn Ngọc, đã cùng nhìn nhận về cuốn sách, với vẻ đẹp của tranh vẽ minh họa các tác phẩm văn chương được đưa vào sách giáo khoa trung học phổ thông.
Những miền lưu dấu - Cảnh Việt trong văn chương bao gồm 35 trích đoạn thơ, truyện ngắn của các tác giả Việt Nam từ trung đại đến hiện đại. 35 tác phẩm văn chương dẫn lối đến các miền đất trên khắp đất nước.
Gần 30 họa sĩ với sự đa dạng của phong cách, thủ pháp, chất liệu đã chuyển hóa ngôn ngữ xúc cảm văn chương thành ngôn ngữ hình ảnh của nghệ thuật thị giác.
Đó là những bức tranh phong cảnh màu nước hay acrylic, bột màu hay sơn dầu, tranh khắc gỗ hay kỹ thuật số... Mỗi tác giả một phong cách: lãng mạn của Trương Văn Ngọc, ấn tượng của Chu Hồng Tiến, hùng tráng của Vũ Xuân Hoàn… Tất cả hòa chung giai điệu ngợi ca vẻ đẹp Tổ quốc.
Theo TS Ngữ văn Nguyễn Thị Ngọc Minh, chúng ta đang ở trong thời đại của văn hóa nghe nhìn, thời đại mà sự rung cảm qua đôi mắt hết sức quan trọng. Thưởng thức một tác phẩm văn học bên cạnh bức tranh, sẽ mài sắc giác quan thẩm mỹ, làm cho đôi mắt tinh tường hơn, làm cho chúng ta tinh tế, biết nhận ra cái đẹp và yêu cái đẹp. Đó là điều kiện của cảm xúc, là điều kiện làm nên một tâm hồn phong phú.