Suy từ tiền lương
Theo Dự thảo Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010 - 2016, so với thang, bậc lương các chức danh cùng loại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của Nhà nước thì thang, bậc lương của giáo viên không cao hơn, thậm chí còn thấp hơn; số bậc lương trong một ngạch vẫn còn nhiều; chênh lệch hệ số khi nâng bậc lương còn thấp. TS. Vũ Văn Dụ, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt câu hỏi: Nên lý giải điều này ra sao trước hàng triệu nhà giáo và dư luận xã hội? Lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục sắp tới có đặt vấn đề về những tồn tại trên không? Nghị quyết số 29/NQ - TW (2013) có nêu: Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy tính chất công việc, tùy vùng. TS. Vũ Văn Dụ cho rằng: “Chủ trương này thực tế đã đưa ra cách đây gần 20 năm trong Nghị quyết Trung ương 2, Khóa VIII (1996). Tuy nhiên, việc luật hóa trong các Luật Giáo dục 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục 2005, 2009 rõ ràng chẳng những chưa được thực hiện mà còn giảm mức độ”.
Càng thiệt thòi hơn đối với nhà giáo ở lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn dẫn chứng: Giáo viên thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp có 70% dạy thực hành (60 phút/tiết); 30% giảng lý thuyết (45 phút/tiết) nhưng thang bảng lương, phụ cấp đứng lớp đều đánh đồng với giáo viên phổ thông. “Điều đó là làm khó các trường khi thu hút nhà giáo cho lĩnh vực nghề nghiệp. Tình trạng giáo viên dạy nghề chuyển sang làm việc cho các doanh nghiệp ngày càng nhiều. Như vậy, cũng làm ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tác động không nhỏ đến chất lượng nguồn nhân lực”.
|
Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội Nguyễn Xuân Khang chỉ ra 3 điều cơ bản xoay quanh vấn đề tiền lương, gồm: Công bằng, khuyến khích lao động và chất lượng cuộc sống. “Nếu coi trọng bằng cấp, chú ý thâm niên… có thể gây mâu thuẫn trong thực tế. Có những người 3 - 5 năm công tác mà hiệu quả hơn rất nhiều người có tới 20 - 30 năm làm nghề. Dựa vào năng lực, trả lương theo công việc được giao, ai dạy tốt hơn sẽ có nhiều giờ dạy hơn, mức thu nhập cao hơn”. Cơ chế này được Trường Marie Curie Hà Nội thực hiện trong nhiều năm qua, từ đó khuyến khích lao động rất tốt. Song ông Khang cũng cho biết, kinh nghiệm tại các trường công lập cho thấy, trước những quy định ràng buộc như hiện nay, không phải cơ sở nào cũng có thể vận dụng. Và băn khoăn chính sách tiền lương cho giáo viên vẫn cứ thường trực ở nhiều cơ sở.
Nhiều chồng chéo
Vấn đề tiền lương, phụ cấp chỉ là một mặt liên quan đến chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo. Các khía cạnh khác như đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng và quản lý, chính sách tại các cơ sở giáo dục công lập, ngoài công lập… cũng còn nhiều vấn đề chưa rõ ràng. Nhiều chuyên gia cho rằng, báo cáo giám sát lần này về cơ bản khó hơn giai đoạn trước. Trước đó có căn cứ vào Chỉ thị 40 (2004) và Quyết định 09 (2005) nhưng từ 2010 đến nay không được nhắc tới nữa. Thay vào đó, là một hệ thống gồm 169 văn bản tuy có nội dung điều chỉnh tương đối toàn diện, nhưng về cơ bản mang tính tình thế, không tạo ra được định hướng cùng các chỉ tiêu cụ thể làm cơ sở cho việc giám sát và đánh giá thực hiện.
Theo TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, rõ ràng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa quan tâm xây dựng và ban hành một chương trình/kế hoạch tổng thể cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhằm hướng tới mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2010 - 2020. “Tức là không có đích để thấy đã tiến được bao nhiêu, liệu các chính sách đã đạt mục tiêu đề ra chưa, tồn đọng những gì. Dường như, những vấn đề về tuyển dụng và sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng, tiền lương và phụ cấp đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn nguyên”.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình nhận định, thực trạng giáo dục đang đặt ra nhiều vấn đề và còn khá “lộn xộn”: Nhiều bộ, ngành đang xây dựng các đề án cụ thể nhưng triết lý chung chưa rõ ràng, gây ra sự chồng chéo. Ngân sách chi 20% cho giáo dục, phân ra cho 15 bộ, ngành và 3 cấp, chưa xác định rõ cụ thể. Hệ thống văn bản quản lý nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có tới 169 văn bản (khoảng 100 văn bản trực tiếp quy định các nội dung liên quan đến nhà giáo), nhưng cùng xem hiệu quả tới đâu? “Cần xác định rõ vấn đề chứ không phải cứ vướng thì ra văn bản điều chỉnh theo kiểu đi lấp chỗ rò. Nhiều vấn đề phức tạp phải được làm cho mạch lạc, không nên nói cảm tính mà nhìn bằng minh chứng, dữ liệu, “ra tấm ra món”. Nhìn nhận đúng thực trạng, tìm ra nguyên nhân gốc rễ vấn đề nằm ở đâu, từ góc độ tài chính, quản lý hay nhận thức đối với đội ngũ nhà giáo. Từ đó, đưa ra được kiến nghị, hướng giải quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình nói.