
Hầu như cả Petersburg đổ đến ngắm người đàn bà bí ẩn đó. Mái đầu hơi nghiêng không giấu vẻ kiêu hãnh, mắt nhìn công chúng bằng nửa trìu mến nửa thờ ơ nên lại càng trong sáng và quyến rũ, nơi cằm nơi má vừa tròn trịa vừa mịn màng, và nhất là những chiếc lông cài trên mũ... Như thế, nàng đi dưới bầu trời Petersburg ngà ngọc trong tấm toan khổng lồ của họa sỹ, như đi giữa thanh thiên bạch nhật của thế giới này.
Bí mật của họa sỹ
Đã hơn một trăm năm qua, Người đàn bà xa lạ của Ivan Kramskoi vẫn cứ hút hồn người xem, bất kể là trong bảo tàng Tretyakov, trên lịch treo tường hay hộp đựng mỹ phẩm... Xuất hành từ đại lộ Nievsky, nàng đã đi khắp các ngả đường của nước Nga và - vẫn cứ ung dung tự tại như thế - nàng đến ngự giữa tòa văn phòng công sở, giữa căn hộ của vị viện sỹ hàn lâm, trong cả những căn nhà gỗ bình dân và lặng lẽ. Đó một điều kỳ lạ: Tuy đã trở thành thân quen, thương mến, thành người trong nhà rồi, nhưng nàng vẫn không bao giờ để mất đi vẻ bí ẩn của mình.
Nghiên cứu thế giới của Ivan Kramskoi, nhìn vào những bức chân dung ông vẽ, phải mất một thời gian rất lâu sau, người ta vẫn không hiểu nổi: Điều gì đã lôi cuốn Kramskoi - một cái đầu thông minh và kiêu hãnh, một cặp mắt tinh tường, một họa sỹ chuyên gia về tâm lý và hình thể, một chủ gia đình tuyệt vời rất mực quý vợ thương con – dám gạt bỏ những bản hợp đồng quan trọng để lao vào việc vẽ chân dung một người đàn bà vừa chung chung vừa thánh thiện đến thế? Và khi kết thúc bức chân dung lạ lùng đó, ông lại đặt cho nó một cái tên vừa gay gắt, vừa thách thức – Người đàn bà xa lạ! Toàn bộ bí mật về bức tranh này được vùi kín trong cuộc sống gia đình Kramskoi, bởi vì, đã bao nhiêu lần người ta dò hỏi về tung tích nguyên mẫu của tác phẩm, Kramskoi cũng chẳng chịu hé nửa lời, và cũng không để lại một dòng liên quan nào trong nhật ký hoặc trong thư từ trao đổi.

Chẳng lẽ Kramskoi không còn vẽ được gì nữa đẹp hơn sao? Xin nhớ đến một Nàng tiên cá vừa sáng trong lại vừa mộng mị, nhớ đến nhân vật nữ kiều diễm đang chìm đắm nhớ nhung trong Đêm trăng hoặc Cô gái buông tóc... Tất cả ở đây đều ẩn chứa một giải đáp: Hình tượng nào cũng đều rất kiều diễm, đều rất quyến rũ về nghệ thuật vẽ, song ai là ai thì... ai nào biết được.
Tuy nhiên cũng có một người hiểu Kramskoi hơn ai hết... Ông yêu quý Kramskoi và sưu tập tất cả những gì họa sỹ đã vẽ vào một phòng tranh, nhưng chính ông khi đứng giữa đám đông đang trầm trồ lại chẳng nói năng gì, chỉ lặng lẽ rút lui mà không chấm bức Người đàn bà xa lạ.
Ông là Pavel Mikhailovich Tretyakov.
Đức Chúa giữa sa mạc
“Tôi ra đời tháng 5.1837 tại huyện lỵ stogozhsk, thị trấn Novaya Sotnia, trong một gia đình thuộc dòng tiểu chủ. 12 tuổi, tôi học xong trường huyện với tấm giấy khen vì đạt điểm giỏi ở tất cả các môn. Ngay năm đó, tôi mất cha, nguyên Thư ký Hội đồng Thành phố. 16 tuổi, tôi rời nhà, theo một ông thợ ảnh người Kharkov khi ông đến chụp tại trường võ bị thành phố. Ba năm theo người thợ ảnh đó, tôi đã có dịp đi hết nửa nước Nga, học được nghề ký họa chì và vẽ tranh thuốc nước...”. âËy là những dòng tự thuật do Ivan Kramskoi viết khi đã trở thành viện sỹ hàn lâm và được suy tôn là cây bút vẽ chân dung số một của thời đại. 20 tuổi, ông đến Petersburg thi vào Học viện Mỹ thuật, đến năm 1863 ra trường, ông không buồn tham gia cuộc thi giành Đại Huy chương Vàng. Thậm chí ông còn lôi kéo theo 14 sinh viên nữa tuyên bố phản đối những quy phạm trường ốc cổ hủ, đòi quyền được vẽ bài thi tốt nghiệp theo phương pháp thí sinh tự chọn, rồi cùng họ thành lập đoàn hội đầu tiên của giới họa sỹ Nga với mong muốn “xiết chặt tay nhau để khỏi gục ngã”. Đó chính là tiền thân của tổ chức họa sỹ Hội Đồng chí Tiên phong mà Kramskoi trở thành lãnh tụ.
Trong những năm đó, họa sỹ vẽ bức chân dung tự họa đầu tiên, nhờ đó ông được giới thiệu vào dạy trong trường của Hội Khuyến họa. Một người học trò được thầy mời về nhà và thấy thầy đang hoàn thành bức Đức Chúa giữa sa mạc, trong đó cặp mắt Chúa không khác gì cặp mắt trong bức chân dung thầy tự họa. Người thầy tâm sự: “Tôi muốn sao cho Đức Chúa của tôi trở thành một tấm gương soi mình, sao cho con người biết gióng lên hồi chuông báo động”. Năm 1873, tại triển lãm lần thứ hai của nhóm Tiên phong, bức Đức Chúa giữa sa mạc đã gây nên một cuộc tranh luận sôi nổi. Người ta đòi Kramskoi phải giải thích tác phẩm. Câu trả lời của tác giả đã gây ngạc nhiên cho cả những ai hằng quan niệm rằng sau bức Chúa hiện trước bàn dân của Alexandre Ivanov sẽ không còn họa sỹ nào dám đụng đến đề tài đó nữa. Sự thực hiển hiện trước mắt: Chúa của Ivanov là thánh, còn Chúa của Kramskoi vừa là thánh lại vừa là người! Pavel Tretyakov mua ngay bức tranh đó và đề nghị Kramskoi cứ theo cách ấy, vẽ một loạt chân dung những con người ưu tú của nước Nga. Loạt chân dung những nhà văn, họa sỹ, nghệ sỹ Nga đã ra đời, mang lại cho nhà bảo tàng Tretyakov biết bao ánh sáng của tài năng và tư tưởng. Đáp lại, Kramskoi coi vợ chồng Tretyakov như bố mẹ nuôi và treo trong nhà ảnh hai người cùng với những đứa con của mình.

Di chúc của họa sỹ
Họa sĩ Ivan Shishkin giữa rừng, mũ lật ra sau gáy, mắt ngước nhìn đâu đâu, Lev Tolstoy đúng như trong đời thực, bác nông dân Mina Moisiev với nụ cười ranh mãnh giấu sau bộ râu rậm... Những bức chân dung của Ivan Kramskoi có giá không vừa, bởi vì tất cả người mẫu của họa sỹ đều là những con người có danh có giá, họ hoàn toàn có đủ điều kiện và nguyện vọng để làm chủ sở hữu “bản mặt” của mình. Nhưng giữa Tretyakov với Kramskoi đã có thỏa thuận ngầm và dẫu sao, tác phẩm được đưa vào bộ sưu tập danh tiếng được coi như đã thành bất tử! Nếu có ai đó “ngoan cố”, Tretyakov không dại gì mà không nâng giá đến tận trần, và chỉ mỗi Vasily Samoilov – nghệ sỹ lừng danh đất cố đô – mới có cơ hội giữ lại được cho mình bức chân dung do Kramskoi vẽ, nhưng đến năm 1887, sau khi nghệ sỹ từ trần, tác phẩm đó lại ngược trở về để an tọa tại Bảo tàng Tretyakov. Cũng chính năm đó, Ivan Kramskoi qua đời, chỉ thọ được đúng 50 tuổi, tính ra, kể từ khi rời cổng Học viện Mỹ thuật, ông chỉ có 25 năm cầm cọ, gần gũi với bao nhiêu nhân vật và để lại hàng trăm chân dung những con người vĩ đại của nước Nga. Ông đã từng túc trực suốt hai tuần bên giường bệnh của Nekrasov để mong có được mươi mười lăm phút nắm bắt được ánh nhìn của nhà thơ đang hấp hối và làm nên Những bài ca cuối cùng – đó cũng chính là bức chân dung cuối cùng của Ivan Kramskoi! Còn bức chân dung dang dở là vẽ vị bác sỹ tư của gia đình họa sỹ. Nén những cơn quặn thắt nơi tim, họa sỹ dành sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày để vẽ chân dung ông, sang giờ thứ bảy, họa sỹ gục xuống bảng màu, ông bác sỹ đang ngồi làm mẫu vội lao đến, nhưng chỉ còn kịp ôm thi thể một con người...

Nhưng, đề tài những cuộc tranh luận không ngớt từ khi ra đời và suốt cho đến nay vẫn là bức Người đàn bà xa lạ. Nhân thân người mẫu của kiệt tác đó là ai? Có người giải thích đó nguyên là một hầu gái trong nhà một bà điền chủ thuộc dòng dõi quý tộc, sau được người cháu họ của nhà này mang về Petersburg rồi cưới làm vợ. Họ sống với nhau tâm đầu ý hợp, cởi mở với mọi người... Ivan Kramskoi rất cảm mến cô vợ và thường kiếm cớ đến chơi với cặp vợ chồng trẻ này. Có lần, họa sỹ được cô vợ kể cho nghe những nỗi niềm sau một chuyến tình cờ giáp mặt bà chủ cũ và tâm trạng của cô khi làm bộ bình thản đi ngang qua...
Sống bên “sắc nước hương trời” của người vợ, người chồng không tránh khỏi sự ganh ghét, đố kị của các đức ông – không ít lần, anh chồng bị cánh đàn ông thách đấu. Do người chồng gặp quá nhiều rắc rối, cô buộc phải đồng ý hủy hôn và trở về sinh sống tại quê nhà. Giữa đường, cô lâm bệnh rồi mất trong một nhà thương làm phúc...
Có lẽ, Người đàn bà xa lạ có cảm hứng từ người phụ nữ chân chất và quý phái nọ, lại nhận được những tâm sự tự đáy lòng, nên khi chuyển nàng lên toan, Kramskoi diễn tả rất đạt nội tâm của nhân vật. Số phận bức tranh cũng giống như thân phận nhân vật sau lần đầu tiên bị Tretyakov quay lưng lại: Tác phẩm được chuyền tay qua rất nhiều nhà sưu tập cá nhân, có giai đoạn còn ra tận nước ngoài, nhưng rốt cuộc, năm 1925 cũng đã trở về Bảo tàng Tretyakov...
Đăng Bẩy