Tại huyện Chương Mỹ, mực nước sông Bùi đang trên báo động III, mực nước lũ đã tràn đê Bùi 2 và đê hữu Bùi tại vị trí có cao trình thấp khoảng từ 10-40 cm các khu dân cư trong vùng đê bao bảo vệ bị ngập úng khi nước tràn qua đê và dâng cao như xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ; Các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi bị ngập khi nước đang dâng cao.
Lượng mưa đo được đến 6h30 ngày 10.9, tại quận Hoàn Kiếm là 110mm, quận Hoàng Mai là 330mm, quận Ba Đình 99mm, quận Cầu Giấy 120mm, quận Hai Bà Trưng 178mm, Tây Hồ 125mm, quận Đống Đa 98mm, quận Nam Từ Liêm137 mm, quận Thanh Xuân180 mm, quận Hà Đông 146mm.
Khu vực huyện Thanh Trì lượng mưa đo được là 237mm, Sóc Sơn 52mm, Đông Anh 90mm, Đan Phượng 67mm.
Mực nước trên sông Kim Ngưu (TL Cống Quay) là 3.97m, sông Tô Lịch (TL đập Thanh Liệt) 4.52m, sông Tô Lịch (HL đập Thanh Liệt) 5.65m, sông Lừ (tại cầu Định Công) 4.76m, sông Nhuệ (Cống Hà Đông) 5.54m.
Khu vực ngoại thành: theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tính đến thời điểm 7h ngày 10.9.2024 tình hình úng ngập như sau: lúa bị đổ 24.842ha; lúa bị ngập 2.476ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 3.924ha, thủy sản bị ảnh hưởng 453ha; nhà màng, nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550 m2; gia súc bị chết 29 con; gia cầm chết, thất lạc 37.508 con; cây xanh gẫy đổ 110.133 cây (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã bao gồm cây đô thị và các loại cây khác)...
Hiện nay, mực nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống đang lên nhanh và ở mức cao (theo dự báo sẽ đạt báo động I vào đêm 10.9) Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đề nghị các quận huyện, thị xã dọc các sông trên tổ chức kiểm tra để có biện pháp ứng phó kịp thời khi lũ dâng cao Mực nước sông Tích, sông Bùi đang ở mức cao (trên báo động I II), ảnh hưởng đến địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ.
Quận Ba Đình đã di dời 30 hộ (40 người) tại khu nhà trọ vùng trũng gần cầu Long Biên về nhà văn hóa phường Phúc Xá. Hiện nay quận đang tiếp tục vận động các hộ còn lại sơ tán đến nơi an toàn.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội đề nghị Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh, các đơn vị duy trì cây xanh và UBND các quận, huyện, thị xã huy động các lực lượng khẩn trương giải tỏa cây,cành cây gãy đổ không để xảy ra ùn tắc giao thông; tổ chức trồng lại cây xanh nghiêng đổ, bật gốc trong thời gian quy định đảm bảo cảnh quan đô thị.
Theo báo số 161/BC-BCH của Ban Chỉ hủy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội hiện mực nước ở các hồ chứa nước chính trên địa bàn thành phố đều đang vượt ngưỡng tràn.
Đêm 9.9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông. Trong Công điện, TP yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin về việc xả lũ các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, lũ lớn trên các tuyến sông; kịp thời thông báo cho người dân ở những vùng thấp, trũng có khả năng bị ngập hoặc có nguy cơ bị sạt lở biết để chủ động phòng tránh; không để người dân đến những khu vực bị ngập, có nguy cơ sạt lở.
Chủ động rà soát, sẵn sàng các phương án sơ tán người dân, di chuyển tài sản đến nơi an toàn khi cần thiết; xác định các khu vực nguy hiểm, khu vực có địa hình trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, cô lập, khu vực sát bờ sông, nguy cơ sạt lở nguy hiểm, khu vực bãi giữa sông Hồng, lên danh sách các hộ dân cần sơ tán; chuẩn bị các điểm sơ tán an toàn, đảm bảo đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men cho người dân; hướng dẫn người dân nắm rõ quy trình, thao tác khi có lệnh sơ tán; kiên quyết triển khai phương án sơ tán, đảm bảo an toàn đối với người dân; phân công cán bộ phụ trách từng khu vực, hộ gia đình cần sơ tán, đảm bảo không bỏ sót người dân,…