Chương trình được thực hiện nhằm tạo động lực, khí thế, nỗ lực, quyết tâm mới trong đội ngũ đoàn viên, người lao động. Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước. Tiếp tục phát huy, đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và những năm tiếp theo.
Thông qua “Ngày hội lao động sáng tạo năm 2025” phát hiện, bồi dưỡng và tôn vinh những đóng góp to lớn của đội ngũ công nhân, lao động có các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp chất lượng, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, có giá trị làm lợi lớn cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cho đất nước. Tuyển chọn, vinh danh những sáng kiến, cải tiến, giải pháp kỹ thuật tiêu biểu, những sản phẩm sáng tạo xuất sắc, đại diện cho bản lĩnh, trí tuệ lao động Việt Nam.
Các cấp công đoàn căn cứ theo điều kiện cụ thể tổ chức phát động, hướng dẫn công đoàn cơ sở triển khai “Ngày hội lao động sáng tạo năm 2025”; động viên, khuyến khích đoàn viên công đoàn, người lao động tích cực tham gia hưởng ứng.
Cùng với đó, trong “Ngày hội lao động sáng tạo năm 2025”, công đoàn các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện thực tế của mình cần tổ chức nhiều trong các hoạt động như: Triển lãm “Hành trình sáng tạo – Khát vọng vươn mình”; Cuộc thi thuyết trình “Ý tưởng sáng tạo phát triển đất nước” và hội thi tay nghề; Chương trình gặp gỡ, giao lưu, đối thoại giữa lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, doanh nghiệp với đoàn viên, người lao động; Tổ chức tôn vinh đoàn viên, người lao động có thành tích nổi bật trong lao động sáng tạo, tạo sức lan tỏa đối với toàn xã hội; Thành lập các câu lạc bộ sáng tạo hoặc các hình thức khác để kết nối các thành viên trong địa phương, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có nhiều ý tưởng, sáng kiến sáng tạo, có môi trường và điều kiện gặp gỡ, trao đổi và hoạt động thường xuyên.
Đối tượng tham gia “Ngày hội lao động sáng tạo năm 2025” gồm tác giả hoặc nhóm tác giả là công nhân, kỹ sư, công chức, viên chức, người lao động khác đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp – nơi có tổ chức Công đoàn.
Sản phẩm tham gia phải là các sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đã được ứng dụng, đem lại hiệu quả thiết thực về tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác, quản lý thuộc cơ quan, doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực.
Trong đó, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý giải quyết một nhiệm vụ (một vấn đề) xác định, bao gồm: Sản phẩm, dưới các dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện); hoặc vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm… và quy trình (quy trình công nghệ; chẩn đoán, dự báo, kiểm tra, xử lý, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt…)
Giải pháp quản lý là cách thức tổ chức, điều hành công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có: phương pháp tổ chức công việc (ví dụ: bố trí nhân lực, máy móc, thiết bị, phần mềm, công nghệ, dụng cụ, nguyên liệu, vật liệu…); phương pháp điều hành, kiểm tra, giám sát công việc.
Giải pháp tác nghiệp gồm các phương pháp thực hiện các thao tác kỹ thuật, nghiệp vụ trong công việc thuộc bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào, trong đó có: phương pháp thực hiện các thủ tục hành chính (ví dụ: tiếp nhận, xử lý hồ sơ, đơn thư, tài liệu); phương pháp thẩm định, giám định, tư vấn, đánh giá; phương pháp tuyên truyền, đào tạo, giảng dạy, huấn luyện.
Giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là phương pháp, cách thức, biện pháp áp dụng một giải pháp kỹ thuật mới vào thực tiễn hoặc cải tiến, khắc phục những nhược điểm của giải pháp đang thực hiện.
Đặc biệt, các sáng kiến, giải pháp, đề tài tham gia xét chọn trong “Ngày hội lao động sáng tạo” phải là sản phẩm được cấp có thẩm quyền công nhận và được ứng dụng vào thực tiễn trong giai đoạn 2023-2025. Trên cơ sở các sản phẩm đã được xem xét, đánh giá, công nhận của cấp có thẩm quyền, các cấp công đoàn lựa chọn, các sản phẩm tiêu biểu nhất tham gia Ngày hội lao động sáng tạo năm 2025 cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.