Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 nhà máy điện gió và điện mặt trời tại các tỉnh, thành phố trên cả nước nhằm phục vụ công tác điều tra.
Diễn biến mới này nằm trong quá trình điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố. Đây là một vụ án nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.
Đáng chú ý, trong số 32 nhà máy điện nêu trên có Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư. Theo tìm hiểu, pháp nhân trực tiếp của dự án là Công ty Cổ phần Xuân thiện Thuận Bắc. Công ty này đi vào hoạt động năm 2018 với 3 cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Văn Thiện, Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình và Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái. Vốn điều lệ của doanh nghiệp này đang là 550 tỷ đồng.
Công ty này cũng có các cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài gồm: Sunseap Delta Holdings PTE.LTD; Công ty TNHH Sunseap commercial & Industrial Assets (Việt Nam) và Phuan Ling Fong.
Việc xuất hiện các cổ đông người nước ngoài cũng là điều dễ hiểu khi vào giữa năm 2022, EDP Renováveis, S.A. (EDPR) – công ty năng lượng tái tạo hàng đầu có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) – đạt được thỏa thuận với Tập đoàn Xuân Thiện để mua lại hai dự án điện mặt trời có tổng công suất 200MWac.
Theo đó, thương vụ có tổng giá trị 284 triệu USD, kèm theo một khoản thu nhập bổ sung có điều kiện dựa vào hiệu quả hoạt động. Hai dự án này nằm ở huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, bắt đầu hoạt động từ năm 2020 và có hợp đồng mua bán điện 20 năm với EVN với giá 93,5 USD/MWh.
Thông cáo không cho biết 2 nhà máy điện mặt trời ở Ninh Thuận mà EDPR thâu tóm từ Xuân Thiện Group cụ thể là dự án nào.
Tuy nhiên theo những thông tin thực tế từ hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Xuân Thiện này là nhà phát triển cụm nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Ninh Thuận, với tổng công suất 305,9MWp, bao gồm: Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc và Nhà máy điện năng lượng mặt trời Thuận Nam 12. Các nhà máy này đều được khánh thành trong năm 2020.
Trong đó, Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc có sử dụng công nghệ, thiết bị chính và hệ thống điều khiển được nhập khẩu từ Tây Ban Nha.
Về dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc, vào ngày 26.4.2022, Sở kế hoạch và đầu tư Bình Thuận đã quyết định thanh tra đối với dự án Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc giai đoạn 2.
Đến cuối năm 2023, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về hàng loạt dự án điện mặt trời chồng lấn quy hoạch thuỷ lợi tại tỉnh Ninh Thuận. Trong đó, đã chỉ rõ 3 dự án Điện mặt trời đang chồng lấn quy hoạch thủy lợi. Đáng chú ý, trong đó có nhắc tên nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện Thuận Bắc có diện tích 169 ha, đã có 100 ha nằm trong vùng tưới của kênh TM-24, trong khi kênh này chỉ có diện tích tưới khoảng 248 ha.
Tập đoàn Xuân Thiện là một tập đoàn kinh tế đa ngành nghề, với thế mạnh đầu tư sản xuất năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời), sản xuất xi măng, gia công chế tạo cơ khí, bảo hiểm ngân hàng, dịch vụ lữ hành, nông nghiệp công nghệ cao.
Các doanh nghiệp thuộc tập đoàn Xuân Thiện gồm Công ty Ea Súp 1, Ea Súp 2, Ea Súp 3, Ea Súp 5, Xuân Thiện Đắk Lắk, Xuân Thiện Ninh Thuận, Xuân Thiện Thuận Bắc và Công ty TNHH Năng lượng Sơn La.
Trong đó, nhóm Ea Súp được giao đầu tư, vận hành Dự án Nhà máy Điện mặt trời Xuân Thiện - Ea Súp, Đắk Lắk với tổng mức đầu tư hơn 50.000 tỷ đồng. Đây là một trong những dự án điện mặt trời có công suất lớn nhất khu vực Đông Nam Á và lớn thứ hai thế giới.
Tại phía bắc, Công ty TNHH Xuân Thiện Yên Bái đi vào hoạt động kể từ cuối năm 2011, với ngành nghề chính là sản xuất, truyền tải và phân phối điện. Công ty có một số dự án thuỷ điện tại Yên Bái bao gồm Khao Mang, Khao Mang Thượng nằm trên suối Nậm Kim, huyện Mù Cang Chải; Thác Cá I, Thác Cá II, Đồng Sung nằm trên Ngòi Thia thuộc huyện Văn Chấn và huyện Văn Yên; Ngòi Hút 8, Ngòi Hút 9 nằm trên dòng Ngòi Hút. Trong đó có hai nhà máy thủy điện Khao Mang và Khao Mang Thượng đã phát điện.