Nghĩ về chữ lễ

Đặt vấn đề tìm hiểu và thực hành chữ lễ lúc này liệu có phải là lạc điệu không khi tất cả những quan hệ giữa người với người ngày càng xa cách và khi mà sự thực dụng đã len lỏi vào sâu trong từng ngóc ngách tâm tư và từng góc căn hộ? Nhưng mặt khác, Lễ với tất cả những biểu hiện đa dạng của nó cũng đã hiện diện mặc nhiên hay minh nhiên trong mọi sinh hoạt cá nhân và xã hội.

Trên đỉnh Yên Tử Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Trên đỉnh Yên Tử Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Tìm hiểu một lần nữa về Lễ để cho thấy sau cái danh từ có vẻ như rất cổ điển kia có những nội hàm vừa vĩnh cửu vừa thời sự.

Trước tiên, Lễ là luật lệ, là phép tắc. Khổng Tử gọi luật của tạo hóa là Lễ (và luật nhân tạo là Pháp). Nói rộng ra, Lễ là 1/ tập hợp các định luật tự nhiên chi phối cuộc tồn tại của vạn vật (ensemble des lois naturelles), và 2/ Lễ là nghi lễ, là tất cả bổn phận con người đối với trời đất, tổ tiên xét như những hữu thể đã trở nên linh thiêng và có những quyền lực siêu nhiên sau khi họ qua đời. Triết gia Đức Hegel cũng phát biểu một điều tương tự về hai lề luật đó: “Quyền uy của mọi luật lệ chính đáng – xác định cái gì là công chính – kỳ cùng dựa trên ý chí của Thượng đế, thể hiện trong “Mười điều răn” cũng như trong quyền lực của nhà cầm quyền.”(1)

Đây có thể là những hàm nghĩa rộng nhất, tiên khởi nhất của khái niệm Lễ. 

Tuân theo luật tự nhiên là tuân theo Lễ. Chẳng hạn, khi mệt thì nghỉ ngơi; khi đau ốm thì chữa trị; nước chảy xuống chỗ thấp; khói bốc lên cao v.v… “Thuận thiên giả tồn”, nôm na là tuân theo quy luật tự nhiên thì tồn tại. Nếu làm trái tự nhiên, “nghịch thiên giả vong”, thì chết. Tuân theo luật tự nhiên, làm theo lễ trước hết là để tồn tại. Ngay cả Thượng đế cũng không thể vi phạm tính quy luật bất biến của tự nhiên.

Nói đến Lễ là nói đến những quy luật và sự phục tùng của con người.

Trong cái nghĩa nguyên thủy này, lễ được thể hiện trong các nghi lễ tôn thờ, cầu xin thần thánh để được mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, những tín ngưỡng tôn giáo.

Trước sức mạnh ghê gớm không thể cưỡng lại của luật tự nhiên, con người cảm thấy nhỏ bé, buộc phải cầu xin sự thương xót che chở của thần linh. Về mặt này, dân tộc Việt Nam chúng ta, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Huy Lai, Việt Nam, là “một bảo tàng tôn giáo của thế giới (…) gồm những tôn giáo truyền thống, những tôn giáo nhập nội (Nho, Đạo, Phật và Kitô giáo), những tôn giáo tích hợp được sáng tạo và thực hành ở Việt Nam trước  hết là Cao Đài và Hòa Hảo; tôn giáo truyền thống: thờ trời, thờ ông bà, thờ cúng trong gia đình, thờ các tổ nghề, thờ thành hoàng, thờ cúng quốc gia (Tế Đàn Nam giao)”.(2)

Từ trong sâu xa có tâm thức tôn trọng Lễ theo nghĩa này, thể hiện qua rất nhiều lễ hội diễn ra quanh năm khắp mọi miền đất nước, dân tộc Việt Nam đã bảo lưu cho mình tính khoan dung tôn giáo qua bao thăng trầm lịch sử, và đó đã là một giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. (Dĩ nhiên sự chia rẽ và xung đột cũng đã từng xảy ra do những mưu đồ chính trị của giới cầm quyền, nhưng chúng ta đã sớm rút ra bài học cay đắng và không ít xương máu đó).

Tuy nhiên, dần dà khi bước vào thời hiện đại, giá trị đó ngày càng mai một, tinh thần lễ hội đã bị biến tướng quái dị, sặc mùi mê tín dị đoan. Trước, chúng ta tôn thờ, sùng mộ thần thánh một cách thuần thành, kính cẩn; nay chúng ta xem thần thánh là cái gì “gần gũi” có thể xin xỏ phước lộc, thậm chí có thể mua chuộc được bằng vật chất, tiền bạc.

Nếu phạm trù lễ nói trên cực kỳ trừu tượng và siêu hình và chỉ có thể nhận ra nơi những cá nhân siêu hạng (chẳng hạn, các bậc quân vương tiến hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an; các chức sắc tôn giáo, tín ngưỡng thường xuyên chủ trì các buổi lễ hiệp thông với Thượng đế, với thần linh) hoặc trong những hành động tập thể (những cuộc hành hương đông đảo người tín mộ) thì có một phạm trù Lễ cụ thể hơn nơi mỗi con người. Đó là khi, từ bình diện tự nhiên, Lễ đi vào bình diện cá nhân cụ thể để chi phối mọi sinh hoạt của con người, chủ yếu là sinh hoạt đạo đức. Ở đây Lễ chính là lễ nghĩa.

Trong nghĩa này, dù khác nhau về không gian, thời gian, hễ đã là con người thì phải tôn trọng những luật đạo đức tự nhiên. Và để thực hiện việc đó, trời đã phú cho mỗi người một lương tâm để đánh giá và đi đến tôn trọng/đấu tranh cho những giá trị phổ quát của nhân loại. Phẩm giá con người, hạnh phúc gia đình, tình bạn, tình thương giữa những người thân yêu ruột thịt, tình yêu tổ quốc, hòa bình, khoan dung, sự công bằng, chính trực là vài trong số những giá trị phổ quát đó. Có được một lương tâm khoáng đạt như vậy ta có thể tự tin nói rằng ta là công dân của thế giới loài người, vượt ra khỏi những biên thùy quốc gia, chủng tộc, lịch sử. Có thể đôi khi xảy ra xung đột trong lương tâm chúng ta trước một chọn lựa, một quyết định hành xử nào đó nhưng sự kiện “lương tâm cắn rứt” chỉ cho thấy rõ thêm “tính toàn cầu” trong những con người biết tuân theo Lễ. Không sợ xung đột trong lương tâm, chỉ sợ ta không đủ “lễ” để vui buồn theo những biến cố diễn ra hàng ngày trong cộng đồng người của chúng ta thôi.

Phần đông chúng ta không sở hữu được tinh thần Lễ này. Và một lần nữa, tựa như cái Lễ của những tâm thức đặc biệt, ta chỉ tìm thấy Lễ theo nghĩa này nơi những trí tuệ và tâm hồn vĩ đại. Họ tôn thờ và không ngừng đấu tranh cho những giá trị trần thế không thua kém gì các bậc chân tu tôn thờ những giá trị siêu nhiên. Thế giới này có thể đã trở thành một nơi tồi tệ hơn và khó sống hơn nếu không có công cuộc “hành lễ” của những cá nhân như Aristotle (384 - 322 trước CN), triết gia Hy Lạp cổ đại, được UNESCO vinh danh là vĩ nhân năm 1978; Pope John Paul II (1920 -  2005), đức Giáo hoàng, người Ba Lan (UNESCO, năm 1980); Jawaharlal Nehru (1889 - 1964), nhà vận động hòa bình, cố Thủ tướng Ấn Độ (UNESCO, 1989); Khổng Phu Tử (551 – 479 trước CN), triết gia Trung Quốc cổ đại (UNESCO, 1995); Mẹ Teresa (Albania, 1910 – 1997, giải Nobel Hòa Bình 1979), vua Trần Nhân Tông (1258 - 1308), là vị vua thứ ba của nhà Trần trong lịch sử Việt Nam. Ông ở ngôi 15 năm  (1278 - 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3.

***

Đã rời bỏ cõi siêu hình (métaphysique) để đặt chân vào cõi người ta (terre des hommes) nhưng phạm trù lễ ở đây vẫn còn quá rộng và trừu tượng. Do đó mà ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những tấm gương sáng chói của sự thực hành tuyệt vời cái Lễ ở tầm mức nhân loại. Đó là những đỉnh cao lý tưởng của phẩm giá con người. Ta chỉ còn biết ngước nhìn ngưỡng mộ. Nhưng may mắn và hạnh phúc cho ai biết ngước nhìn, và dấy lên trong lòng niềm ngưỡng mộ như thế.

Vì từ trên những đỉnh cao đó, Lễ sẽ rọi xuống nguồn ánh sáng - giống như nguồn sáng sự Thiện tuyệt đối (le Bien absolu) trong học thuyết lý tưởng của Plato - cho việc thực hành Lễ của mỗi cá nhân.

Đón nhận thứ ánh sáng đặc biệt đó trước hết là những người có tài có đức, biết hy sinh vì lợi ích của cộng đồng, của tập thể. Ta tìm thấy những nhân cách xuất sắc đó trong mọi tổ chức xã hội, từ một ngôi làng nhỏ bé đến một đô thị, một quốc gia với hàng trăm triệu người. Họ là những chính trị gia sáng suốt, hết lòng vì nước, vì dân; những nhà giáo dục với những viễn kiến vừa sâu xa vừa thực tế; những nhà hoạt động không mệt mỏi cho những tiến bộ và công bằng xã hội, dù họ không được ủy nhiệm từ dân chúng như các chính khách thông qua các cuộc bầu cử; những nhà chuyên môn đem tài năng và kiến thức của mình cống hiến cho đời. Tất cả sự thực hành Lễ của họ khiến cho Lễ từ rất lâu đã đồng nghĩa với những thiết chế xã hội mang những tên gọi khác nhau tùy theo lĩnh vực mà họ dấn thân vào. Và những thiết chế đúng thật đó chỉ có mục đích là đem lại hạnh phúc, lợi ích, hòa thuận nhiều hơn cho nhiều người, nói theo ngôn ngữ của triết gia Anh Jeremy Bentham. Lẽ dĩ nhiên ai cũng có thể chỉ ra những phản chứng. Trong thực tế đã, đang và chắc chắn sẽ còn rất nhiều tổ chức mạo danh được lập ra chỉ để đè bẹp, tha hóa hay thậm chí tiêu diệt con người.

Một lần nữa, từ những nhân cách lớn lao và những trật tự tốt đẹp này, Lễ lại trở thành một nguồn sáng “rạng ngời mà không chói lóa”, nghĩa là gần gũi và dễ dàng cho những người bình thường như chúng ta tiếp đón. Không đủ tài ba và đức hạnh để làm những việc lớn lao cho nhiều người, nhưng nhờ tắm trong ánh sáng này, ta thấy mình trở nên tao nhã hơn (có thể gọi đây là ánh sáng tẩy trần được không?) trong đối nhân xử thế hàng ngày. Ta trở nên một người có Lễ, một người đàng hoàng tử tế, với chỉ vài người chung quanh, trong gia đình, thân hữu, trong sở làm, trong những lần tình cờ gặp gỡ, tiếp xúc.

Vấn đề là nguồn ánh sáng Lễ trần thế này có đủ bất tận để gây hứng khởi thực hành cho nhiều người chưa hay chỉ là nguồn sáng yếu ớt, chóng tàn vì anh hùng hào kiệt ngày càng hiếm hoi như lá mùa thu? Ngược lại, những người bình thường  trong chúng ta có nhu cầu tẩy trần để trở nên sạch đẹp hơn trong các mối quan hệ cá nhân hàng ngày không?

Những câu hỏi có vẻ quá tu từ. Thực tế là ở mọi không gian và thời gian, sự thực hành Lễ kiểu này đã đủ nhiều và phong phú để Lễ đồng nghĩa với phong tục, tập quán hay nói đúng hơn là tất cả những gì gọi là thuần phong mỹ tục.

Lễ là chiều kích tâm thức “đối ngoại” của con người trước mọi điều lệnh hay quy tắc phổ biến của trời đất và nhân sinh. Trong khi tuân phục, ta cảm thấy mình được nâng cao lên.

_______________

1. G. W. F. Hegel: Các nguyên lý của triết học pháp quyền, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB Tri Thức, 2010, tr. 26.

2. Nguyễn Thị Minh Thái: Mặt người mặt hoa, NXB Văn Hóa - Văn Nghệ, 2012, tr. 294.

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.