Tuyến y tế gần dân nhất
Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm: Hệ thống y tế tuyến huyện và tuyến xã. Đây là tuyến trực tiếp gần dân nhất, có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, tạo điều kiện cho nhân dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế với chi phí thấp, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Xác định rõ vai trò của tuyến y tế cơ sở đối với chăm sóc sức khỏe Nhân dân, Tỉnh ủy, HĐND – UBND tỉnh Thái Nguyên luôn quan tâm, giành mọi nguồn lực phát triển y tế cơ sở, trong đó trạm y tế (TYT) xã, phường là tuyến y tế cơ bản, đầu tiên gần dân nhất, trực tiếp nhất với người dân và cũng là cánh tay nối dài nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh và trung ương.

Được quan tâm đầu tư, hiện nay cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tuyến huyện cơ bản được đầu tư xây dựng bảo đảm thực hiện các dịch vụ y tế đúng tuyến trong hoạt động khám, chữa bệnh. Nhiều bệnh viện tuyến huyện thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến như mổ nội soi, chạy thận nhân tạo (Bệnh viện: Định Hóa, Đại Từ, Trung tâm Y tế Võ Nhai, Trung tâm Y tế Đồng Hỷ), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia khám, chữa bệnh.
Đối với y tế tuyến xã, hiện Thái Nguyên đã có 178/178 TYT xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, đạt 100% (Bộ tiêu chí bao gồm các nội dung: Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và khả năng cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh). Hầu hết các TYT đã thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, sơ cấp cứu, làm công tác dự phòng, truyền thông, dân số - kế hoạch hóa gia đình. So với gói dịch vụ y tế cơ bản bao gồm 76 danh mục kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành tại Thông tư 39/2017/TT-BYT, đến nay 100% các TYT đã thực hiện được trên 70% các dịch vụ y tế cơ bản giành cho tuyến xã, có khá nhiều trạm y tế đã thực hiện được trên 90%.
Hiện nay, dịch Covid-19 đã tạm lắng, nhưng không vì thế mà nhiệm vụ của các trạm y tế xã, phường, thị trấn được vơi bớt. Các TYT vừa thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, vừa thực hiện công tác dự phòng, đẩy mạnh truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức về phòng bệnh. Hiện, mỗi trạm y tế được giao thực hiện hơn 20 chương trình y tế quốc gia, trong đó có nhiều chương trình quan trọng bắt buộc phải thực hiện đầy đủ, như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống dịch bệnh, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em.
Với khối lượng công việc nhiều như vậy, các trạm y tế luôn cần có đội ngũ nhân viên y tế tích cực, yêu nghề và gắn bó với địa bàn. Số thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhân viên YTTB hoạt động là 2.866/2.955 (đạt 95,7 %). Đây là lực lượng trực tiếp và gần dân nhất làm nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến người dân kiến thức về bảo vệ sức khoẻ, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm; hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc sức khoẻ ban đầu, phòng, chống dịch bệnh tại cộng đồng...
Phát triển y tế xã thông minh
Với 178 TYT cấp xã hiện có, ngành Y tế Thái Nguyên đang duy trì được mạng lưới khám, chữa bệnh (KCB) tuyến dưới khá hiệu quả. Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, những năm qua, các trạm y tế cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác chuyên môn, tạo nền tảng trong chuyển đổi số.
Khoảng 5 năm trở lại đây, y tế tuyến xã trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ cho công tác chuyên môn. Đặc biệt là trong KCB và thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT), quản lý điều hành, quản lý các chương trình y tế. Thành quả rõ nét nhất là đến nay, 100% trạm y tế đã sử dụng phần mềm y tế cơ sở đảm bảo các tiêu chí theo Quyết định số 3532/QĐ-BYT; thực hiện kết nối liên thông dữ liệu KCB và thanh toán BHYT với cơ quan Bảo hiểm xã hội qua hệ thống giám định điện tử.

Công tác báo cáo thống kê theo Thông tư số 37/2019/TT-BYT cũng được các cơ sở y tế tuyến xã cập nhật hằng tháng trên hệ thống phần mềm của Bộ Y tế…Thực tế cho thấy, những “hiệu ứng” tốt đẹp từ việc ứng dụng CNTT đã được lan tỏa rộng khắp ở trạm y tế các xã, phường, thị trấn. Dù phải mất thời gian làm quen với việc sử dụng phần mềm nhưng các cán bộ y tế tuyến xã đều rất phấn khởi.
Trước đây, toàn bộ hồ sơ giấy tờ, sổ sách của Trạm đều phải xử lý thủ công nên rất mất thời gian. Sau khi ứng dụng phần mềm y tế cơ sở, toàn bộ tài liệu, báo cáo đều được lưu trữ trên hệ thống nên cán bô y tế không còn vất vả như trước. Đặc biệt, không còn mất nhiều thời gian để sắp xếp, xử lý tài liệu nên các y bác sĩ có nhiều thời gian hơn cho công tác chuyên môn.
Một dấu ấn đậm nét nhất trong quá trình “chuyển động” của ngành y tế hướng tới mục tiêu phát triển y tế xã thông minh là bắt đầu tiến hành xử lý các ca bệnh khó thông qua hệ thống KCB từ xa. Các bác sĩ Trạm Y tế xã Văn Lăng (Đồng Hỷ) kết nối với tuyến trên thực hiện thành công ca chẩn đoán, xử trí ban đầu cho bệnh nhân tăng huyết áp. Thành công từ việc kết nối hệ thống KCB từ xa của tuyến xã với tuyến trên đang mở ra nhiều cơ hội để người dân được tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Chủ trương đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển y tế xã thông minh đã tạo được dấu ấn trong chuyển đổi số. Tuy nhiên, để có thể đạt được mục tiêu phát triển y tế thông minh, tuyến xã vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, còn nhiều phần mềm, module riêng lẻ, chưa liên thông được lên tuyến trên. Thêm vào đó, việc quản lý hồ sơ sức khỏe người dân chưa được thực hiện đồng bộ trong toàn tỉnh. Đặc biệt, ngoài đơn vị làm thí điểm (Trạm Y tế xã Văn Lăng) thì hoạt động triển khai tư vấn và KCB từ xa của các trạm y tế trong tỉnh cần được thực hiện rộng khắp để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến xã.
Khắc phục khó khăn đó, ngành y tế Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% trạm y tế tuyến xã sử dụng một phần mềm duy nhất có đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế, đảm bảo tích hợp, kết nối liên thông dữ liệu với các hệ thống, phần mềm liên quan. Mục tiêu tư vấn KCB từ xa cũng được đặt ra. Để đạt được mục tiêu này, ngành Y tế dự kiến sẽ bổ sung, nâng cấp hạ tầng CNTT, trang bị đủ máy tính để bàn cho các cán bộ sử dụng phục vụ các hoạt động chuyên môn và quản lý điều hành tại 178 trạm y tế. Bảo đảm đường truyền Internet để triển khai các ứng dụng trên môi trường mạng.
Cùng với đó, Ngành sẽ xây dựng và triển khai phần mềm quản lý hoạt động trạm y tế theo quy định tại Quyết định số 3532/QĐ-BYT ngày 12.8.2020 của Bộ Y tế quy định về xây dựng và triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đây là phần mềm có khả năng kết xuất dữ liệu ra các tập tin XML theo định dạng, cấu trúc do Bộ Y tế quy định nhằm bảo đảm kết nối, liên thông dữ liệu với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến tỉnh liên thông với Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở của Bộ Y tế (V20).
Có thể thấy, dù còn nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế Thái Nguyên đang rất quyết tâm phát triển mạng lưới y tế xã theo hướng thông minh và đã có những kế hoạch cụ thể để hỗ trợ tuyến cơ sở. Bên cạnh sự quan tâm của cấp trên, mỗi cán bộ y tế tuyến xã cũng không ngừng trau dồi kiến thức, tích cực học hỏi, cập nhất kiến thức về CNTT để chung tay cùng toàn ngành y tế thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra, quyết tâm đưa y tế cơ sở thành cánh tay nối dài của ngành y tế trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân.