Trong văn bản nêu rõ: Trong thời gian vừa qua, qua công tác kiểm tra hậu mãi một số tổ chức sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược, Sở Y tế đã phát hiện một số tổ chức có các vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm như: sản xuất mỹ phẩm tại cơ sở chưa được Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm, kinh doanh mỹ phẩm có thành phần công thức không đúng với hồ sơ công bố; thay đổi nội dung đã công bố trên phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được cấp số tiếp nhận (thay đổi tên doanh nghiệp, địa điểm/địa chỉ kinh doanh, người đại diện theo pháp luật trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thay đổi số điện thoại đã kê khai…) nhưng chưa được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường không thực hiện việc lưu giữ đầy đủ Hồ sơ thông tin sản phẩm và không xuất trình cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi được yêu cầu.
Mặt khác, qua phản ánh của các cơ quan truyền thông, trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Zalo, YouTube...) có tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm, có dấu hiệu tiêu thụ sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu và trốn thuế; quảng cáo mỹ phẩm không phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng trong hồ sơ công bố đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc; nội dung quảng cáo mỹ phẩm sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế khác…

Để bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược thông báo:
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
- Tiếp tục tăng cường triển khai thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn. Tập trung kiểm tra, thanh tra việc thực hiện thông báo thu hồi mỹ phẩm theo quy định, sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm không đúng tại địa chỉ đã công bố, doanh nghiệp thay đổi địa chỉ kinh doanh mà không báo cáo với cơ quan quản lý.
- Thường xuyên và chủ động phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo 389 địa phương, Chi cục Quản lý thị trường và các ngành chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm lưu thông trên thị trường.
Trong đó, tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và nền tảng mạng xã hội TikTok, Zalo, Facebook, YouTube... nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trái phép, mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm lưu thông chưa được cấp số tiếp nhận phiếu công bố, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc; quảng cáo mỹ phẩm có tính năng, công dụng vượt quá tính năng và bản chất vốn có của sản phẩm, không phù hợp với tính năng, công dụng sản phẩm đã công bố hoặc gây hiểu lầm sản phẩm đó là thuốc.
- Xử lý, xử phạt nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm theo quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 124/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021), Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021), Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29.3.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 129/2021/NĐ-CP ngày 30.12.2021 và Nghị định số 128/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022).
Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng. Chuyển hồ sơ tới cơ quan điều tra để xử lý hình sự theo quy định trong trường hợp có dấu hiệu tội phạm (giá trị hàng hóa lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, sai phạm có tổ chức, tái phạm…).
Các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường, cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất mỹ phẩm
- Nghiêm túc nghiên cứu quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT ngày 25.1.2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm để kê khai và cập nhật thay đổi đối với các thông tin công bố theo quy định trên phiếu công bố bảo đảm tính chính xác và trung thực, lưu giữ đầy đủ Hồ sơ thông tin sản phẩm tại địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường và xuất trình cho cơ quan kiểm tra, thanh tra khi được yêu cầu.
- Không được sản xuất, gia công mỹ phẩm tại các cơ sở sản xuất mỹ phẩm trong nước chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm; sản xuất mỹ phẩm công thức có thành phần theo đúng hồ sơ công bố và theo đúng quy định.
- Chỉ được phép đưa mỹ phẩm ra lưu thông khi đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm và phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính an toàn, chất lượng và hiệu quả sản phẩm.
Chi tiết văn bản xem tại đây.