Sáng 10.7, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị.
Thị trường bất động sản có phản ứng tích cực
Trình bày báo cáo sơ kết tài hội nghị, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Đậu Minh Thanh cho biết, 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của ngành đạt 7,34%. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2020 - 2024.
Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỷ lệ đô thị hóa cả nước ước đạt trên 43,1%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung ước đạt 92,9%.
Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch đạt 16,2%. Tỷ lệ tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý là 17%. Diện tích nhà ở bình quân: 26,3m2 sàn/người.
Sản xuất xi măng đạt 42 triệu tấn, tăng 9% so với cùng kỳ và tiêu thụ dự kiến đạt 43,4 triệu tấn giảm 2% so với cùng kỳ. Gạch ốp lát: sản xuất đạt khoảng 186 triệu m2, tăng khoảng 3%, tiêu thụ khoảng 168 triệum2, tương đương so với cùng kỳ.

Sứ vệ sinh: sản xuất đạt gần 6 triệu sản phẩm, tiêu thụ khoảng 6,5 triệu sản phẩm, tương đương so với cùng kỳ. Kính xây dựng: sản xuất đạt khoảng 106 triệum2, giảm khoảng 12%, tiêu thụ khoảng 115 triệum2, tăng khoảng 6% so với cùng kỳ.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng, thời gian qua, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản, Chính phủ và Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương nhằm cụ thể hóa các biện pháp giải quyết, tháo gỡ khó khăn chung cho doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu, thể hiện ở mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao. Lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng (quý sau cao hơn quý trước và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023).
Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản sau một thời gian còn hạn chế đang có dấu hiệu chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Thị trường ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán.
Theo Bộ Xây dựng, việc lãi suất ngân hàng được điều chỉnh giảm, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách có lợi cho người mua nhà đã gia tăng niềm tin khách hàng, thanh khoản trên thị trường.
Gói 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội đã giải ngân 1.234 tỷ đồng
Cũng trong 6 tháng đầu năm, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24.5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Hiện Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng dự thảo Quyết định về Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị.
Về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Bộ đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức các hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội do Thủ tướng, Phó Thủ tướng chủ trì; giao chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024 đối với từng địa phương và đề nghị các địa phương khẩn trương lập kế hoạch và triển khai cụ thể.
Bộ đã chủ trì họp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; trong đó đề nghị Bộ Công an, Bộ Quốc phòng mỗi Bộ thực hiện 5.000 căn hộ nhà ở xã hội cho lực lượng vũ trang.
Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó hoàn thành: 75 dự án với quy mô 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 115.379 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn.
Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank), có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và VPBank đã đăng ký tham gia chương trình với số tiền của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng.
Qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 73 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.234 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng cho biết, Bộ đã trình Chính phủ, Thủ tướng 5 Nghị định và 1 Quyết định quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023.
Các dự thảo Nghị định đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ. Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ đối với các dự thảo Nghị định để hoàn thiện, báo cáo Chính phủ xem xét, ban hành.
Tới đây, Bộ tiếp tục hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở, dự thảo Thông tư hướng dẫn về chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản.