Doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh
- Trong nhiệm kỳ IV (2011 - 2015) ngành bia - rượu - nước giải khát đứng trước nhiều khó khăn, song vẫn tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế. Thưa ông, kết quả này có nguyên nhân từ đâu?
Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành bia, rượu, nước giải khát phấn đấu trở thành ngành công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Ngành cũng sẽ hình thành nhiều thương hiệu mạnh trên thị trường, đa dạng hóa về chủng loại, có nhiều sản phẩm chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập sâu sắp tới. Phấn đấu đến năm 2020 đạt sản lượng bia từ 4 - 4,25 tỷ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 - 9,2 tỷ lít/năm, rượu công nghiệp từ 100 - 150 triệu lít/năm (chiếm 50% sản lượng rượu toàn quốc). Báo cáo của Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam |
Giai đoạn 2011 - 2015 là khoảng thời gian tình hình kinh tế - xã hội, cũng như cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi tác động trực tiếp đến ngành bia, rượu, nước giải khát. Trong đó một số chính sách, pháp luật trong giai đoạn này được ban hành theo hướng thắt chặt điều kiện sản xuất, kinh doanh, để giảm sử dụng rượu, bia. Tuy nhiên trong 5 năm qua, ngành vẫn đạt mức tăng trưởng sản xuất bình quân 8%, đáp ứng nhu cầu sản phẩm trong nước và từng bước xuất khẩu sang thị trường khu vực ASEAN, cũng như nhiều thị trường lớn khác. Toàn ngành đã đóng góp cho ngân sách mỗi năm một tăng cao, trong đó, năm 2015 dự kiến trên 26.000 tỷ đồng. Lĩnh vực sản xuất bia đã tạo việc làm cho khoảng 270.000 lao động có thu nhập ở mức khá, có cuộc sống ổn định.
Cách đây 10 năm khi Việt Nam gia nhập WTO, tâm trạng chung đều lo lắng là bia nội có đủ sức cạnh tranh với bia ngoại không? Nhưng sau 10 năm nhìn lại thì nỗi lo đó đã được giải tỏa, khi 90% thị trường bia rượu nước giải khát nội địa vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp Việt. Nhiều thương hiệu bia nội địa (Habeco, Sabeco, Đại Việt, Halida) đã giành lại vị trí “thượng phong” so với bia nhập khẩu, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, đủ sức cạnh tranh khi nước ta hội nhập sâu. Những kết quả nêu trên đạt được là nhờ có sự quan tâm của các cơ quan quản lý nhà nước, sự ủng hộ của người tiêu dùng, sự nỗ lực của các doanh nghiệp thành viên đã chủ động đầu tư thiết bị và áp dụng công nghệ hiện đại của thế giới.
- Trong các thành tích của toàn ngành, Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát có những đóng góp nào?
Trong nhiệm kỳ 5 năm qua, với số lượng bình quân 100 hội viên, Hiệp hội đã làm tốt vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp thành viên với các cơ quan quản lý nhà nước. Hiệp hội đã tích cực tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, các văn bản quy hoạch phát triển ngành của Bộ Công thương... Qua đó, Hiệp hội đã kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giãn tiến độ tăng thuế Tiêu thụ đặc biệt và việc thực hiện Dự thảo “Nghị định nâng cao năng lực quản lý sản xuất, kinh doanh ngành bia”. Hiệp hội cũng phổ biến, kêu gọi động viên các doanh nghiệp hội viên thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiến hành các hoạt động xúc tiến thương mại, tổ chức hội thảo, hội nghị, đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp. Các hoạt động này của Hiệp hội đã giúp doanh nghiệp thành viên yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo dựng nhiều thành tựu nổi bật trong 5 năm qua.
Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng khuyến khích các doanh nghiệp hội viên không ngừng thay đổi, cải tiến trang thiết bị, nhất là các hệ thống xử lý nước, nước thải để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, cải thiện môi trường. Đặc biệt, Hiệp hội đã xây dựng và ban hành Quy chế marketing ngành bia, rượu nhằm thực hiện cam kết của các doanh nghiệp với người tiêu dùng, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng.
![]() |
Không có chỗ cho doanh nghiệp năng lực yếu
- Quá trình hội nhập sâu vào kinh tế thế giới của nước ta sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn hơn cho doanh nghiệp. Trong điều kiện này, doanh nghiệp ngành đồ uống có mong muốn nào với những chính sách, pháp luật của Nhà nước?
Trong hai năm gần đây, nước ta đã liên tục kết thúc đàm phán và ký kết hiệp định thương mại tự do với những đối tác quan trọng trên thế giới. Theo các hiệp định này, thuế nhập khẩu với các sản phẩm đồ uống sẽ giảm xuống mức 0%, trong đó, sản phẩm bia sẽ giảm từ 35% xuống 0%. Rào cản về thuế không còn sẽ thúc đẩy đồ uống nước ngoài đổ bộ vào thị trường nước ta. Sự cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa là vô cùng khốc liệt. Thị trường sẽ không khoan nhượng với doanh nghiệp hạn chế về năng lực, lạc hậu về công nghệ, thua kém về chất lượng sản phẩm. Doanh nghiệp ngoại sẽ chiếm lĩnh thị trường, nếu doanh nghiệp trong nước không chủ động thì dễ thua ngay trên sân nhà. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành để nâng cao sức mạnh cạnh tranh. Tận dụng cơ hội để xuất khẩu dòng bia cao cấp là giải pháp tối ưu tận dụng năng lực sản xuất bia đã có của Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đồ uống phát triển sản xuất kinh doanh và có chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình thích hợp đủ dài 2 đến 3 năm để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bia và người tiêu dùng kịp thích nghi. Mức thuế với bia phải phù hợp cho đối tượng cần hạn chế (rượu mạnh) và cần khuyến khích tiêu dùng cho bia có chất lượng cao, độ cồn thấp, dùng cho giải khát, thay cho uống rượu mạnh và chất có cồn khác.
Cùng với các chính sách phù hợp của Nhà nước, tôi tin rằng, từ kinh nghiệm có được sau 10 năm gia nhập WTO và tinh thần cộng đồng, gắn kết và cùng phát triển, ngành công nghiệp đồ uống Việt chắc chắn sẽ hội nhập thành công.
- Xin cảm ơn ông và chúc Hiệp hội đạt nhiều thành công trong thời gian tới!