Công nghệ kỹ thuật Đường sắt và Metro ngành sản xuất vật chất đặc biệt, đó là xây dựng các các tuyến đường sắt thông thường, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị phục vụ sự đi lại của con người, đặc biệt là các thành phố lớn đông đúc cũng như phục vụ vận chuyển hàng hóa để phát triển kinh tế xã hội.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2050 sẽ có 10 tuyến đường sắt đô thị, đảm nhận 35 - 40% thị phần vận tải hành khách công cộng, góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.
Triển vọng nghề nghiệp Ngành Công nghệ kỹ thuật Đường sắt và Metro
Sinh viên tốt nghiệp chương trình đào tạo về Công nghệ kỹ thuật Đường sắt và Metro được trang bị các kỹ năng như: Khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu công trình xây dựng: cầu, đường sắt, hạ tầng kỹ thuật...; Quản lý dự án, quản lý khai thác, kiểm định chất lượng công trình; Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xây dựng, quản lý công trình.
Đối với vị trí công việc, sinh viên có thể đảm nhiệm các công việc cụ thể như sau:
Nhóm Kỹ sư: Kỹ sư khảo sát lập dự án; Kỹ sư thiết kế, lựa chọn các phương án công trình; Kỹ sư hiện trường, thực hiện chỉ đạo, giám sát kỹ thuật thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.
Nhóm quản lý, xây dựng, vận hành công trình: Lập dự toán, tính toán tổng mức đầu tư, thuyết trình, báo cáo phương án thiết kế; Tư vấn chủ đầu tư, nhà thầu thi công về các giải pháp kỹ thuật và thi công; Tư vấn xử lý các sự cố thi công; Lập các phương án thi công phù hợp; Bóc tách khối lượng chi tiết từng hạng mục; Lập tiến độ thi công và thực hiện theo đúng tiến độ; Thiết kế hoàn công sau khi xây dựng xong công trình; Kiểm tra đánh giá chất lượng công trình; Lập kế hoạch bảo trì, sửa chữa công trình nhằm đảm bảo an toàn đường sắt; Tổ chức thực hiện công tác duy tu, sửa chữa công trình; Nghiệm thu công tác duy tu, sửa chữa.
Ngành Đường sắt, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao, Metro đòi hỏi cao về công nghệ và có yếu tố nước ngoài nên mức lương thường dao động trong khoảng 8-20 triệu tùy thuộc vào vị trí công việc.
Ngành Đường sắt Metro có thể học ở đâu?
Ngành Đường sắt nói chung và Metro hay đường sắt tốc độ cao nói riêng có tính đặc thù rất cao nên không có nhiều trường đào tạo.
Tại Hà Nội có chỉ có duy nhất 2 trường đại học đào tạo về ngành này là:
Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải
Khoa Công trình, Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Tại khu vực phía Nam, Trường Đại học Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh đang đào tạo một số ngành liên quan tới metro. Trong đó, 2 chuyên ngành xây dựng Đường sắt - Metro và xây dựng công trình giao thông đô thị thuộc ngành kỹ thuật xây dựng công trình giao thông của trường đã bắt đầu đào tạo từ năm 2008 (30 SV tốt nghiệp mỗi năm).
Tại Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, sinh viên sẽ theo học Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng Đường sắt và Metro: 4.5 năm (toàn thời gian).Sinh viên ra trường nhận bằng tốt nghiệp Kỹ sư Công nghệ kỹ thuật Giao thông.
Chương trình được xây dựng theo các quy định hiện hành của Bộ GD-ĐT theo định hướng ứng dụng, có sự tham khảo chương trình đào tạo của các Trường đại học có uy tín trong nước có cùng lĩnh vực đào tạo với Nhà trường. Đồng thời tham khảo Chương trình đào tạo của một số trường đại học có uy tín của một số nước tiên tiến trên thế giới, như trường đại học Gunma, Hiroshima - Nhật Bản, Đại học tổng hợp Kỹ thuật Giao thông đường bộ Matxcova (MADI), Đại học Valenciennes, Đại học Cergy-Pontoise, Viện khoa học ứng dụng quốc gia Pháp, Viện nghiên cứu KRRI - Hàn Quốc, Trường Đại học Giao thông Vận tải Tây Nam Thành Đô - Trung Quốc.
Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải sử dụng 3 phương thức xét tuyển: Xét tuyển thẳng kết hợp; Xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển học bạ.
Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng Đường sắt và Metro trường xét tuyển các tổ hợp:
Toán, Lý, Hóa
Toán, Lý, Anh
Toán, Hóa, Anh
Toán, Văn, Anh