Medical News Today có một cuộc trao đổi với ba chuyên gia y tế để cung cấp những hiểu biết về cách phát hiện các triệu chứng của bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa và kiểm soát chứng trầm cảm này tốt hơn vào mùa thu đông năm nay.
Rối loạn cảm xúc theo mùa hay còn gọi là trầm cảm theo mùa, có tên tiếng Anh là seasonal affective disorder (SAD). Trong những tháng mùa thu đông ảm đạm, khi số giờ nắng trong ngày trở nên ngắn hơn, nhiều người xảy ra tình trạng rối loạn cảm xúc, đặc biệt là đối với những bệnh nhân sống ở các quốc gia xa đường xích đạo.
Loại bệnh trầm cảm này khiến tâm trạng, năng lượng của một người sụt giảm dựa theo các mùa định kỳ trong năm, ảnh hưởng đến cảm xúc và hành vi của người đó.
Các chuyên gia nhận định, trong năm 2022, chứng rối loạn cảm xúc theo mùa có thể đặc biệt khó khăn đối với những người vẫn đang trải qua ảnh hưởng tâm lý kéo dài của đại dịch Covid-19.
Medical News Today đã có cuộc phỏng vấn 3 chuyên gia y tế nhằm cung cấp thông tin chi tiết về tình trạng suy nhược này.
Các chuyên gia bao gồm:
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tâm thần học Paul Desan của Phòng khám Nghiên cứu Trầm cảm Mùa đông tại Yale Medicine, Connecticut (Mỹ)
- Tiến sĩ Sandra J. Rosenthal, giáo sư hóa học, dược học và kỹ thuật hóa học và phân tử sinh học tại Viện Khoa học và Kỹ thuật Nano Vanderbilt ở Nashville, Tennessee (Mỹ)
- Tiến sĩ tâm lý trị liệu Mayra Mendez, tại Viện Sau đại học California ở Los Angeles, California (Mỹ)
Các triệu chứng của rối loạn cảm xúc theo mùa
Tiến sĩ Desan cho biết: “Rối loạn cảm xúc mùa đông bắt đầu vào mùa thu, diễn biến nghiêm trọng hơn vào mùa đông và có chuyển biến tích cực vào mùa xuân. Và nếu tình trạng này xảy ra trong hầu hết các năm, lặp đi lặp lại, thì được gọi là chứng rối loạn cảm xúc theo mùa”.
Theo Tiến sĩ Rosenthal, ban đầu, SAD sẽ có biểu hiện giống như trầm cảm, có thể bao gồm mất hứng thú với các hoạt động, giảm năng lượng, liên tục suy nghĩ và cảm giác tuyệt vọng.
Còn Tiến sĩ Mendez nêu ra một số triệu chứng phổ biến của SAD, bao gồm:
- Cảm thấy mệt mỏi và buồn bã phần lớn thời gian trong ngày, tình trạng kéo dài từ hai tuần trở lên.
- Có mức năng lượng thấp và trì hoãn hoặc bỏ dở các nhiệm vụ, trách nhiệm cần thiết.
- Tăng cảm giác thèm ăn và có thể tăng cân.
- Có xu hướng cô lập và tránh tiếp xúc xã hội.
- Thường xuyên ngủ quên.
Tiến sĩ Desan chia sẻ thêm: “Để chẩn đoán chứng rối loạn cảm xúc theo mùa, bạn phải có các biểu hiện tương đồng với chứng trầm cảm nặng theo định nghĩa của các bác sĩ tâm thần ở Hoa Kỳ”.
Có rất nhiều người cảm thấy tâm trạng, năng lượng, giấc ngủ hoặc cảm giác thèm ăn của mình bị thay đổi vào mùa đông và nghĩ rằng họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ. Nhưng những người này có thể không xuất hiện các triệu chứng rõ ràng của bệnh trầm cảm nặng.
Các chuyên gia gọi đó là 'hội chứng đi kèm rối loạn cảm xúc theo mùa' (subsyndromal seasonal affective disorder). Đồng thời, các bác sĩ cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp đến khám chỉ đơn giản vì họ không có năng lượng tích cực vào mùa đông.
Nguyên nhân gây ra chứng trầm cảm theo mùa
Tiến sĩ Mendez nhận định, tâm trạng kém, rối loạn theo mùa có thể là phản ứng của một số người do hiện tượng giảm số giờ nắng ban ngày. Mặc dù không phải là không có, nhưng các trường hợp trầm cảm theo mùa thường rất ít xảy ra vào mùa hè.
Tiến sĩ Rosenthal cho rằng lượng ánh sáng mặt trời mà một người cảm nhận được sẽ khác nhau tại các vị trí cũng như vào các mùa khác nhau. Sự thay đổi của bức xạ mặt trời cũng gây ra những thay đổi của chứng SAD.
Mối liên hệ này phức tạp hơn nhiều người vẫn nghĩ. Các thành phố ở cùng vĩ độ có thể có lượng bức xạ mặt trời rất khác nhau do khí hậu thay đổi. Vì vậy, việc khởi phát và giảm bớt các triệu chứng rối loạn cảm xúc theo mùa phụ thuộc rất nhiều vào nơi bệnh nhân sinh sống.
Tiến sĩ Desan giải thích: “Ở rất nhiều loài động vật có vú, khi tiếp xúc với các loại ánh sáng vào mùa đông, sinh lý học và kiểu hành vi bản năng mùa đông của loài sẽ bắt đầu diễn ra. Bộ não của con người gần như có thể nhận thức hoàn toàn được độ dài của chu kỳ sáng-tối. Và chất hóa học trong não bộ của con người thay đổi tuỳ theo nhiều loại nghiên cứu khác nhau trong năm”.
Hiện nay, những loại chất gì, sự tiếp xúc, tương tác của môi trường, nơi ở thực sự có liên quan đến cảm xúc của con người vẫn còn là một câu hỏi.
Rất có thể, nguyên nhân không chỉ đơn giản dừng ở mức độ “chất hóa học”. Bởi nhiều nghiên cứu không đồng tình với ý kiến cho rằng cảm xúc của con người chỉ đơn thuần là do lượng serotonin hoặc bất cứ chất nào khác tương tự chi phối. Tiến sĩ Desan cũng tán thành với quan điểm này.
SAD và COVID-19
Theo Tiến sĩ Rosenthal, nước Mỹ đã chứng kiến sự gia tăng đáng lo ngại của tình trạng lo lắng và trầm cảm do Covid. Nếu một người đang chịu ảnh hưởng của hậu Covid mắc thêm trầm cảm theo mùa, tình hình sẽ tệ hơn gấp đôi.
Tiến sĩ Mendez cho biết: “Những người được chẩn đoán mắc các tình trạng sức khỏe tâm thần, đặc biệt là rối loạn lưỡng cực hoặc trầm cảm, có nhiều nguy cơ bị rối loạn cảm xúc theo mùa cao hơn”.
Còn Tiến sĩ Desan tiết lộ: “Tình trạng lo lắng và số lượng bệnh nhân đang ngày càng tăng ở tất cả các phòng khám sức khỏe tâm thần”.
Tiến sĩ cho biết thêm, thay đổi lối sống do đại dịch Covid-19 mang lại cũng có thể là một yếu tố gây ra chứng trầm cảm theo mùa.
Hơn nữa, các chuyên gia cũng nhận thấy khi mọi người ở nhà trong thời gian dài, họ không thức dậy vào buổi sáng và tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời. Do đó, yếu tố do mùa thay đổi sẽ có tác động mạnh hơn.
Làm thế nào để ngăn ngừa SAD hoặc kiểm soát các triệu chứng của bệnh?
Tiến sĩ Desan cho biết: “Nhiều nghiên cứu đã chứng thực tác động của việc tiếp xúc với ánh nắng rực rỡ vào buổi sáng. Bởi thời gian mặt trời ló rạng là tín hiệu sinh học quan trọng nhất ở nhiều loài”.
Nếu bạn đánh lừa bộ não rằng hôm nay là một ngày tươi sáng thay vì nghĩ rằng đó là mùa đông, thì bộ não sẽ có những cảm xúc và cảm nhận như mùa hè.
Nhóm các chuyên gia cũng đã biên soạn một danh sách đầy đủ các thiết bị ánh sáng cụ thể giúp chống lại chứng trầm cảm theo mùa. Và danh sách còn được cập nhật thường xuyên.
Tiến sĩ Rosenthal tuyên bố: “Bắt đầu từ ngày 15.8 và kết thúc ngày 15.1 trong năm, hãy sử dụng thiết bị đèn chiếu sáng 30 phút mỗi ngày. Một khuyến nghị phổ biến là sử dụng thiết bị vào buổi trưa”. Bà cũng lưu ý rằng nhiều người bị rối loạn cảm xúc theo mùa có sử dụng thuốc chống trầm cảm.
Tiến sĩ Rosenthal cũng đưa ra một số lời khuyên mang tính cá nhân hơn:
- Khi cảm thấy chán nản, hãy cân nhắc thực hiện một vài việc nhẹ nhàng, đơn giản, có thể giúp cải thiện tâm trạng của bạn.
- Dành thời gian chơi hoặc nói chuyện với những “người bạn” lông xù. Nếu không nuôi thú cưng, bạn có thể đi thăm hoặc làm tình nguyện viên tại trại tạm trú động vật địa phương. Hay đơn giản chỉ là ôm thú bông hoặc chăn lông trong chốc lát.
- Tạo ra những kỷ niệm, thói quen hay “nghi thức” đặc biệt nào đó. Theo tiến sĩ Rosenthal, điều này giúp bạn bước ra khỏi tình trạng mờ mịt và tạo cơ hội tương tác, tránh để bản thân lơ là và xuất hiện tâm lý né tránh.
- Bắt tay thực hiện những thay đổi đơn giản và dễ quản lý trong cuộc sống. Ví dụ, thay đổi đồ đạc trong nhà. Chiến lược này vừa kích hoạt sự sáng tạo vừa tăng giá trị trong cuộc sống thông qua những thay đổi nhỏ.
- Tập thiền và đừng bỏ bê các hoạt động thường ngày mang lại niềm vui cho bạn, chẳng hạn như làm vườn, tập thể dục, đi xe đạp, đi bộ đường dài hay bất kỳ công việc, diễn đàn và chương trình nào mà bạn quan tâm.
- Thời gian hoạt động tình nguyện cũng giúp giảm sự cô lập, tăng cường sự tham gia vào các hoạt động có mục đích và ý nghĩa, đồng thời mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của những người xung quanh.
- Mặc trang phục bản thân yêu thích. Tiến sĩ Rosenthal cho biết hành động đơn giản này có thể nâng cao tinh thần và cải thiện tâm trạng của bạn.
Nguồn: https://www.medicalnewstoday.com