Điều kiện để mua nhà là rào cản lớn nhất
Theo kết quả khảo sát 8.343 người lao động trên cả nước vừa được công bố, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết, có 57% người muốn mua nhà, trong đó tỷ lệ muốn mua nhà ở xã hội và mua nhà không thuộc diện nhà ở xã hội tương đương nhau, tương ứng là 28% so với 29%.
Nhu cầu về “nhà ở xã hội” theo đó cao gấp hơn 1,5 lần so với tỷ lệ người lao động hiện đang ở nhà ở xã hội (18%). Điều này cho thấy chủ trương phát triển 1 triệu nhà ở xã hội mà Chính phủ đang chỉ đạo trọng tâm được xã hội và người lao động hết sức đón nhận.
Tuy nhiên, còn nhiều khó khăn khi mua nhà ở xã hội. Theo đó, “điều kiện để được mua nhà ở xã hội” hiện là rào cản lớn nhất với 39% người lao động tham gia khảo sát có cùng nhận định này.
Phân tích rõ hơn về khó khăn này, Ban IV dẫn chứng, theo khoản 5 Điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định “khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.
Quy định như trên tạo ra một trong các điều kiện vay mua nhà ở xã hội tại các Ngân hàng Chính sách xã hội là đối tượng vay phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại ngân hàng này với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký Hợp đồng tín dụng với ngân hàng, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ gốc bình quân tháng của người vay vốn. Trong khi đó, phần lớn người lao động thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (thông thường là 20% - 30% giá trị hợp đồng mua nhà) thì việc đặt ra yêu cầu như trên càng làm giảm mạnh cơ hội mua nhà của họ.
Bên cạnh đó, các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ chứng minh “thuộc diện đối tượng cho vay” hay chứng minh về thực trạng nhà ở, điều kiện thu nhập, điều kiện cư trú… cũng rất phức tạp với phần lớn người lao động.
Khó khăn nữa được Ban IV chỉ ra trên cơ sở kết quả khảo sát là người lao động thiếu tài chính sẵn có cho khoản đóng góp ban đầu (33%); khó cạnh tranh suất mua (32%); hồ sơ giấy tờ chứng minh phức tạp (27%).
Đáng chú ý là, theo quy định hiện nay chỉ có người thuộc diện “đối tượng chính sách xã hội” mới được tiếp cận vay với lãi suất thấp tại các ngân hàng chính sách xã hội, còn đối tượng công nhân khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội hầu hết phải vay với lãi suất thông thường của ngân hàng thương mại. “Đây là bài toán rất thách thức với số đông người lao động vì số tiền trả lãi, trả gốc hàng tháng thậm chí vượt quá 50% thu nhập của công nhân”, Ban IV lưu ý.
Ưu tiên phát triển nhà ở xã hội ở địa phương đông công nhân
Thực tế cho thấy, chủ trương xây dựng nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội là đúng đắn và cấp thiết. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả trong thực tế triển khai, giúp phần đông người lao động tiếp cận được với nhà ở xã hội, Ban IV đề xuất Chính phủ cần nghiên cứu điều chỉnh tên chương trình/đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" thành “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở cho người lao động thuộc diện thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.
Cùng với đó, phải giảm mạnh lãi suất cho vay và áp dụng cho tất cả đối tượng người lao động mua nhà ở trong chương trình.
Đồng thời, cần xem xét cải thiện quy trình, hồ sơ, điều kiện cho vay mua nhà ở xã hội (nhà ở cho người lao động) vì đây là những rào cản rất lớn đang được phản ánh thông qua cuộc khảo sát.
Giải pháp quan trọng nữa là cần phát huy vai trò của doanh nghiệp nhiều hơn trong câu chuyện mua nhà ở xã hội của người lao động. Theo đó, doanh nghiệp không chỉ xác nhận thu nhập mà còn có thể thay mặt người lao động trả khoản tiền gốc và lãi hàng tháng tương tự cách doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động hiện nay. Một số doanh nghiệp có thể bổ sung cơ chế “hỗ trợ một phần tiền” để thực hành chính sách chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, giữ chân người lao động, cộng hợp với nỗ lực của Chính phủ trong đề án quan trọng này.
Song song với các giải pháp trên, Ban IV đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu, đánh giá nhu cầu nhà ở cho người lao động theo từng địa phương và ưu tiên các địa phương tập trung đông công nhân, người lao động để phân bổ chỉ tiêu phát triển dự án hợp lý, đi kèm với các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nếu cần.
Với bảng giá đất và chi phí xây dựng như hiện nay, các dự án xây dựng nhà ở xã hội tại các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… sẽ gặp nhiều thách thức vì tổng chi phí đầu vào rất cao. Tuy nhiên, đây đều là các tỉnh, thành phố tập trung đông công nhân, người lao động nên để chính sách phát huy được trong thực tiễn và tiệm cận được đúng đối tượng mục tiêu của chính sách thì cần phải có các quyết sách cụ thể để hỗ trợ cho quá trình phát triển nhà ở xã hội trên các địa bàn này.
Trong quá trình phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người lao động trên từng địa phương, cần rà soát và quan tâm đặc biệt tới việc bố trí các hạ tầng nền tảng như điện, nước, trường học công lập... Lý do là với mức thu nhập thấp, lại phải trả lãi/gốc tiền vay mua nhà ở xã hội hàng tháng, số tiền còn lại của người lao động rất khó để trang trải các nhu cầu thiết yếu của cuộc sống, chưa nói tới việc trang trải các chi phí cho con đi học tư thục hay các vấn đề phát sinh khác.