Cải thiện tỷ lệ phân luồng
Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) Vũ Thị Phương cho biết, qua 2 năm triển khai thí điểm Chương trình, đã có trên 80% doanh nghiệp thành viên tăng mức tuân thủ hoặc giữ nguyên mức tuân thủ.
Cụ thể, có 118 doanh nghiệp, chiếm 40% trên tổng số doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ Mức 3, 4, 5 lên Mức 2, 3, 4 (Mức 2: Tuân thủ cao; Mức 3: Tuân thủ trung bình; Mức 4: Tuân thủ thấp; Mức 5: Không tuân thủ). Bên cạnh đó, có 135 doanh nghiệp, chiếm 45% trên tổng số doanh nghiệp giữ mức độ tuân thủ, trong đó, doanh nghiệp tuân thủ Mức 2, Mức 3 có 116 doanh nghiệp, chiếm 39,3%; có 42 doanh nghiệp, chiếm 15% trên tổng số doanh nghiệp thành viên giảm mức độ tuân thủ do phát sinh vi phạm trong thời gian tham gia Chương trình hoặc giảm số lượng tờ khai theo yêu cầu của Mức 2, Mức 3.
Qua thống kê tình hình phân luồng tờ khai của các doanh nghiệp thành viên trong giai đoạn trước và sau khi tham gia Chương trình có sự cải thiện; số tờ khai luồng Xanh tăng, ngược lại luồng Vàng, luồng Đỏ giảm. Đối với tờ khai nhập khẩu, tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng 6,84%; tỷ lệ tờ khai luồng Vàng giảm 6,36% và tờ khai luồng Đỏ giảm 0,48%. Đối với tờ khai xuất khẩu, tỷ lệ tờ khai luồng Xanh tăng 13,56%; tờ khai luồng Vàng giảm 12,88%; tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ giảm 0,68%.
Chia sẻ về kết quả thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Kiên Giang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng cho biết, qua 2 năm triển khai thí điểm, tại Cục Hải quan Hải Phòng hiện có 21 doanh nghiệp thành viên tham gia Chương trình; trong đó, có 81% doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ và giữ nguyên mức độ tuân thủ (52% doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ). Qua rà soát, có nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia Chương trình, tuy nhiên trong quá trình triển khai thí điểm tiêu chí, đối tượng tham gia chưa được mở rộng.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang, trong 2 năm qua, Cục đã ký biên bản ghi nhớ đối với 26 doanh nghiệp. Trong đó có 23/26 doanh nghiệp tăng mức độ tuân thủ và giữ nguyên mức độ tuân thủ, hài lòng với các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan.
Nỗ lực đồng hành với doanh nghiệp
Trong 2 năm triển khai thí điểm Chương trình khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, cơ quan hải quan đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thành viên.
Đó là, thực hiện tư vấn, hỗ trợ hướng dẫn theo các cam kết tại Biên bản ghi nhớ ký kết đối với doanh nghiệp thành viên Chương trình khi có yêu cầu. Tổng cục Hải quan luôn xác định đồng hành với doanh nghiệp là nhu cầu, là trách nhiệm của ngành hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng như gia tăng động lực cho doanh nghiệp phát triển.
Toàn ngành đã ghi nhận 555 đề nghị hỗ trợ vướng mắc của các doanh nghiệp thành viên Chương trình, với 100% đề nghị đã được các cục hải quan tỉnh, thành phố xử lý, hỗ trợ, giải đáp và doanh nghiệp không phát sinh vướng mắc.
Bên cạnh đó, các cục hải quan tỉnh, thành phố đã thực hiện ghi nhận tư cách thành viên doanh nghiệp tham gia Chương trình trên hệ thống của ngành để bảo đảm việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng. Đơn cử như trên Hệ thống VCIS để công chức thực hiện thủ tục hải quan dễ dàng nhận biết được tờ khai của các doanh nghiệp thành viên, qua đó thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời theo khuôn khổ của Chương trình.
Tại các cục hải quan tỉnh, thành phố đều thực hiện đầy đủ các chỉ đạo, hướng dẫn triển khai Chương trình. Một số đơn vị đã chủ động bố trí khu vực riêng có biển chỉ dẫn để kiểm tra hồ sơ, bố trí nguồn lực và thời gian, đồng thời phân công công chức có kinh nghiệm, trình độ để kiểm tra hàng hóa (công chức kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa bảo đảm theo đúng quy định hiện hành).
Ngoài ra, cơ quan hải quan còn tạo điều kiện thuận lợi đối với doanh nghiệp thành viên trong việc áp dụng biện pháp kiểm tra bằng máy soi đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp đề nghị thay đổi địa điểm soi chiếu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để giảm chi phí, nguồn lực vận chuyển; doanh nghiệp đề nghị được cơ quan hải quan áp dụng biện pháp soi chiếu hàng hóa thay vì kiểm tra thủ công theo chỉ dẫn hệ thống hoặc doanh nghiệp đề nghị kiểm tra thủ công thay vì áp dụng biện pháp soi chiếu hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp...
Cùng với đó, cơ quan hải quan đã thực hiện cung cấp các thông tin cảnh báo, khuyến nghị cho doanh nghiệp thành viên về các yếu tố làm ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ của doanh nghiệp để doanh nghiệp chủ động phòng, tránh các lỗi vi phạm pháp luật hải quan, bảo đảm duy trì hoặc cải thiện mức độ tuân thủ pháp luật.
Ông Đỗ Thanh Quang, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm Chương trình, tại các Chi cục Hải quan trực thuộc Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đều phân công công chức hỗ trợ, bố trí khu vực ưu tiên làm việc riêng giải quyết thủ tục, hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thành viên. Với phương châm "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", Cục luôn sát cánh cùng 20 doanh nghiệp thành viên tham gia cải thiện mức độ tuân thủ, giảm mức độ rủi ro, giảm tỷ lệ kiểm tra thực tế hàng hóa, giảm thời gian thông quan so với thời điểm trước khi tham gia Chương trình.
Theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang, đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thành viên như xây dựng mối liên hệ 3 bên giữa Hải quan - Doanh nghiệp - Dịch vụ trong quá trình làm thủ tục tham vấn, tiếp nhận, giải quyết vướng mắc. Đồng thời, thiết lập kênh trao đổi thường xuyên giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp thành viên thông qua việc chỉ định các đầu mối, các nhóm làm việc, số điện thoại đường dây nóng… Tại các chi cục hải quan trực thuộc đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nắm bắt và giải quyết các vướng mắc phát sinh, đồng thời hạn chế tiếp xúc giữa công chức hải quan và doanh nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng đề nghị, trên cơ sở dự thảo và ý kiến của các đơn vị và cộng đồng doanh nghiệp, Cục Quản lý rủi ro phân tích, đánh giá, báo cáo Tổng cục Hải quan, dự kiến 15.10.2024, ban hành quyết định triển khai chính thức Chương trình.