Trò chuyện đầu tuần

Năng lượng tích cực từ truyền thống

Truyền thống là những giá trị được tiếp nối, hiện diện trong đời sống, tỏa lan nguồn năng lượng tích cực đến ai biết trân quý, giữ gìn. Chủ nhiệm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương NGUYỄN HOÀNG HIỆP chia sẻ, chính nguồn năng lượng tích cực ấy đã giúp nhóm đưa nghệ thuật truyền thống đến gần người trẻ, gần cộng đồng.

Tìm về vốn cổ

- Sau mấy tuần vẫn còn dư âm các tiết mục biểu diễn và tái hiện không gian quan họ truyền thống tại Hà Nội. Điều gì khiến Chèo 48h tổ chức một chương trình mang đậm dấu ấn cổ truyền như vậy?

Chủ nhiệm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: NVCC
Chủ nhiệm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: NVCC

- Buổi biểu diễn là kết quả khóa học quan họ đầu tiên kéo dài 15 buổi, do Chèo 48h tổ chức từ tháng 4.2023; ở đây, nhóm cố gắng phục dựng lối cổ, tái hiện canh hát với làn điệu mộc mạc không sử dụng nhạc đệm, hệ thống loa mic, tin rằng lối cổ ấy là một di sản quan trọng cần phải gìn giữ. Ngay trong các buổi học trên lớp, học viên của Chèo 48h đã được sống trong không khí đậm đặc truyền thống.

- Không khí lớp học đậm đặc truyền thống mà bạn nói như thế nào?

- Trong lớp học của Chèo 48h, thầy và trò cùng thực hành nghệ thuật theo lối truyền miệng thuở xưa. Nói cách khác, chúng tôi chỉ xê dịch bối cảnh, tách nghệ thuật truyền thống khỏi cái nôi khởi sinh ra nó, mang đến một không gian khác, còn mọi thứ không thay đổi. Thông thường một lớp học như vậy sẽ chỉ khoảng hơn chục học viên học trực tiếp cùng với nghệ nhân hay nghệ sĩ ngành nghệ thuật truyền thống, vừa đủ cho quá trình truyền dạy hiệu quả.

- Thực tế nhiều người tìm đến nghệ thuật truyền thống không hẳn có nhu cầu đi theo con đường thực hành chuyên nghiệp. Điều gì khiến Chèo 48h kiên định cách tiếp cận theo lối trao truyền bài bản như vậy?

- Nhìn lại gần 10 năm trước, đây thực sự là một ý tưởng táo bạo. Thời điểm đó ở Việt Nam đang bùng nổ loại hình giải trí như Kpop, nhạc thần tượng… Chèo 48h là đội nhóm trẻ chọn lối tìm về một ngách mà ít người đi là kết nối với các nghệ nhân, đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống với người trẻ, tạo ra một sân chơi cho cộng đồng không chuyên. Thực ra cho đến bây giờ, nhiều người vẫn còn hoang mang về việc tiếp cận di sản theo cách của Chèo 48h có lan tỏa được đến đông đảo người trẻ hay không? Chúng tôi không định kiến với bất cứ cách tiếp cận nào, bởi lẽ trong thời đại bão thông tin như hiện nay, chỉ cần di sản được tiếp nhận đã là tốt rồi.

Cách làm của Chèo 48h đưa mọi người đi thẳng về vốn cổ, chạm tới đúng cái lõi của di sản. Ngày càng nhiều bạn trẻ đón nhận và tham gia lớp học nghệ thuật truyền thống, để được “chèo” về lối xưa. Điều đó chính là sự khẳng định nghệ thuật truyền thống chưa bao giờ là bị lãng quên. Hơn nữa, ở đây chúng tôi cũng hy vọng tìm được những hạt nhân sẽ tiếp tục đồng hành với di sản.

Truyền cảm hứng cho thế hệ hạt nhân tiếp theo

- Điều gì giúp Hiệp và các thành viên Chèo 48h tự tin tiếp tục con đường giữ lửa cho nghệ thuật truyền thống, khơi gợi cảm hứng cho mọi người cùng yêu và gắn bó?

- Trong bối cảnh phát triển công nghiệp văn hóa, chất liệu di sản, trong đó có nghệ thuật biểu diễn truyền thống, trở thành tài sản chung của cộng đồng. Tuy nhiên, chúng ta còn bỏ ngỏ rất nhiều cơ hội và khả năng phát triển; từ đó, nếu biết cách tiếp cận, nắm bắt các chất liệu này thì chắc chắn công nghiệp văn hóa sẽ phát triển bền vững.

Cách làm của Chèo 48h đưa mọi người đi thẳng về vốn cổ, chạm tới lõi của di sản. Ảnh: NVCC
Cách làm của Chèo 48h đưa mọi người đi thẳng về vốn cổ, chạm tới lõi của di sản. Ảnh: NVCC

Một niềm tin sâu xa nữa để nhóm tiếp tục hành trình đó là nhìn vào lớp nghệ nhân đã một đời cống hiến cho di sản. Có một thời, người ta coi nghệ thuật truyền thống là thứ dân gian xưa cũ, cho rằng thời gian qua đi nó sẽ không còn nữa. Nhưng giống như dòng sông chảy qua nhiều địa hình thác ghềnh, thu lượm lượng phù sa để đến một vùng đất nào đó tạo ra các bãi bồi, bãi bồi đó chính là truyền thống, trong đó có văn hóa nghệ thuật dân gian. Điều mà Chèo 48h đang làm, chúng tôi tin rằng có cơ sở, rằng những người trẻ chúng tôi đang đi vào những bãi bồi chứ không đơn thuần chạy theo trào lưu nào đấy…

- Và như bạn nói trên hành trình truyền lửa truyền thống, Chèo 48h cũng hy vọng tìm được hạt nhân là những người sẽ tiếp tục đồng hành với di sản…?

- Mục tiêu của các lớp học không chuyên mà Chèo 48h tổ chức không phải đào tạo nghệ sĩ biểu diễn nhưng cách truyền thụ của lớp học đã giúp kết nối lớp nghệ nhân với các học trò một cách tự nhiên. Một số bạn trẻ có tiềm năng đã quyết định nối gót các thầy - thế hệ nghệ nhân đi trước. Từ lớp học được xê dịch bối cảnh, họ theo chân nghệ nhân, tìm về cái nôi di sản để được rèn giũa, kế thừa những giá trị đích thực của nghệ thuật cổ truyền.

- Truyền thống là những giá trị được tiếp nối, hiện diện trong đời sống, tỏa lan nguồn năng lượng đến ai biết trân quý, giữ gìn. Thứ năng lượng mà Chèo 48h nhận thấy là gì?

- Trước tiên phải khẳng định, đó là năng lượng tích cực đến từ di sản. Điều thú vị khi chúng tôi thực hành với nghệ thuật truyền thống là cảm nhận rất rõ chất xúc tác về cảm xúc, tâm trạng vui vẻ, lạc quan, yêu đời. Như xẩm, kể cả khi nói về nỗi đau buồn, bi ai, sầu khổ nhưng không bao giờ truyền cảm xúc tiêu cực đến người nghe. Hay chèo, dù đề cập đến sự giằng xé đau đớn thì vẫn luôn pha nét duyên dáng, hóm hỉnh, tươi sáng… Nguồn năng lượng tích cực ấy khiến những ai càng thực hành, càng tìm hiểu, càng yêu thích, muốn gắn bó, lan tỏa nét đẹp của truyền thống.

Và một nguồn năng lượng tích cực nữa có lẽ từ con người yêu, tâm huyết với di sản cha ông. Thầy cô của lớp học là những nghệ nhân, nghệ sĩ của bộ môn nghệ thuật truyền thống, họ “thổ tận can tràng” cho lời ca, tiếng hát và sẵn sàng chia sẻ vốn cổ quý giá ấy đến với các bạn trẻ. Ngược lại, các bạn mặc dù xuất phát chưa hiểu biết nhiều về nghệ thuật nhưng luôn nhiệt huyết, không ngừng khao khát nâng cao năng lực. Họ - không ai khác, chính là cầu nối để phá vỡ lớp băng định kiến về nghệ thuật cổ truyền, để mầm di sản được gieo khắp, dòng chảy văn hóa dân gian được trân trọng, tiếp nối. Ấy là những năng lượng tiếp sức để Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương không có lý do dừng lại.

- Cảm ơn Hiệp!

Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước
Văn hóa - Thể thao

50 năm văn học, nghệ thuật đồng hành với đất nước

Có lẽ trong mọi điều sâu thẳm và bền bỉ nhất mà một quốc gia có thể gìn giữ suốt hành trình phát triển là văn học, nghệ thuật. Nhìn lại 50 năm đất nước thống nhất, văn học nghệ thuật đã không chỉ song hành, mà còn là lực đẩy tinh thần đặc biệt, nâng bước dân tộc qua những năm tháng đầy biến động.

Kết nối ký ức hào hùng
Văn hóa - Thể thao

Kết nối ký ức hào hùng

Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, những thước phim truyện khắc họa cuộc kháng chiến cứu nước của quân và dân ta vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử và nghệ thuật, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc. Làm tốt công tác bảo tồn, khơi dậy sức sống mạnh mẽ cho di sản này sẽ góp phần lan tỏa những câu chuyện hào hùng đến các thế hệ sau.

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch
Văn hóa

Nhà hát Tuổi trẻ hợp tác quốc tế phát triển nhạc kịch

Mới đây, tại Nhà hát Nghệ thuật thành phố Guri - Hàn Quốc đã diễn ra buổi diễn đọc kịch bản vở nhạc kịch "Giấc mơ của em" (My dream), kết quả giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác nghệ thuật giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Sangsangmaru kéo dài trong hai năm 2025 - 2026.