Theo Cục Thống kê tỉnh Nam Định, có rất nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của tỉnh tiếp tục xu hướng phục hồi, thậm chí sẽ bứt phá. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tính chung 3 tháng đầu năm đạt 364 triệu USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2023; cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 266 triệu USD. Mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu phục vụ sản xuất, gia công như nguyên phụ liệu may, da và các mặt hàng liên quan, bông, xơ, sợi dệt đều là những nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của tỉnh.
Kết quả nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu trong quý I hứa hẹn sản xuất, xuất khẩu trong những tháng tiếp theo của tỉnh tiếp tục gia tăng, đạt giá trị cao hơn. Tính riêng nhóm doanh nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh cho thấy có 68,57% số doanh nghiệp dự báo khối lượng sản xuất quý II.2024 tăng; 25,72% số doanh nghiệp của tỉnh dự báo khối lượng sản xuất giữ nguyên so với quý I.2024.
Đặc biệt, đối với nhóm dự án FDI mới đầu tư vào tỉnh sẽ từng bước có thêm các doanh nghiệp lớn thuộc các nhóm hàng có giá trị cao như điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng. Đây là nguồn sản phẩm góp phần gia tăng hiệu quả xuất khẩu hàng hóa của tỉnh.
Nhằm khai thác hiệu quả sự phục hồi tiêu dùng của thị trường thế giới hiện nay, các ngành chức năng, các địa phương của tỉnh tiếp tục áp dụng giải pháp tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng sản xuất tốt hơn, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Trong đó, sẽ đẩy mạnh phổ biến để các doanh nghiệp khai thác tối đa các ưu đãi từ các FTA đã ký kết, thực thi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu.
Nhằm tận dụng tối đa các cơ hội trong xuất khẩu hàng hóa, hiện nay, doanh nghiệp các ngành hàng trên địa bàn tỉnh cùng chung quan điểm: Tiếp tục nỗ lực đổi mới hoạt động sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm kế hoạch, chương trình sản xuất bám sát nhu cầu tiêu dùng; chú trọng nghiên cứu, cập nhật công nghệ mới, đẩy mạnh tự động hóa để giảm giá thành sản phẩm.
Theo đại diện Công ty Cổ phần Bảo Linh, với kinh nghiệm 15 năm phát triển, đến nay công ty đã mở rộng quy mô sản xuất với 6 nhà máy sản xuất hàng may mặc, đồng phục bảo hộ lao động tại địa bàn. Bên cạnh thị trường trong nước, sản phẩm của công ty được xuất khẩu chủ yếu sang các nước Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngay trong giai đoạn nhiều doanh nghiệp cùng ngành nghề gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nước ngoài thì sản lượng hàng xuất khẩu của công ty vẫn tương đối ổn định, hiện tiếp tục tăng thêm do nhu cầu tiêu dùng đang tăng dần.
Những tín hiệu khởi sắc của thị trường xuất khẩu giúp công ty gia tăng niềm tin, kiên định hơn với việc tiếp tục khai thác, phát huy các yếu tố cốt lõi như tận dụng hiệu quả hoạt động cùng thời điểm của nhiều nhà máy, thậm chí các hợp đồng có thời hạn giao hàng ngắn, các đơn hàng số lượng lớn, phát sinh đột xuất theo nhu cầu của đối tác, chấp nhận giảm lợi nhuận để nhận thực hiện cả những đơn hàng nhỏ. Đặc biệt, công ty chú trọng cải thiện, nâng cấp nhà xưởng sản xuất với hệ thống tiên tiến, hiện đại; áp dụng và bảo đảm duy trì đạt các quy chuẩn cao trong sản xuất như các chứng nhận WRAP, AMAZON, SMETA, 2P, OCS/RCS.
Bằng việc gia tăng các giải pháp, chú trọng khai thác hiệu quả sự phục hồi của thị trường, các ngành chức năng và các doanh nghiệp của tỉnh Nam Định đang nỗ lực hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt 3,3 tỷ USD.