
Tác giả
Bước vào thời kỳ đổi mới, hội nhập, các thế hệ họa sỹ đã thực sự đổi mới tư duy, tự thân vận động và tự tìm đối tác cho sáng tác - công bố - tiêu thụ tác phẩm của mình. Hàng năm có tới vài chục họa sỹ trẻ thông qua con đường ngoại giao nhân dân đem tranh triển lãm và trao đổi nghệ thuật ở nhiều nước. Kinh phí chính là các tác phẩm. Không ít người sống được bằng tranh, thậm chí có người giàu lên.
Nhìn chung, giới mỹ thuật, nhất là họa sỹ trẻ đã từng bước thích nghi với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; Hội đủ tư cách đối thoại với mỹ thuật khu vực, thế giới, khẳng định vị thế của thế hệ mình trong đời sống mỹ thuật đương đại. Tuy nhiên, không ít họa sỹ trẻ, do chưa hội đủ nội lực, không đủ thời gian nghiên cứu nên chưa nhìn được toàn cảnh nghệ thuật nước bạn. Chỉ thấy phần mình thích và chưa hiểu được thấu đáo, để rồi vội khẳng định thế giới bây giờ người ta có làm như ta đâu? Buồn thay.
Tác phẩm
Các tác phẩm được công bố trong thời kỳ hội nhập quốc tế cho thấy đường biên nghệ thuật mở rộng, cực rộng: Từ cực nọ – hiện thực, đến cực kia – phi hiện thực, được coi như cuộc cách mạng về tư duy tạo hình. Nội dung, đề tài được mở rộng, tự do sáng tác được tôn trọng. Họa sỹ được vẽ cái mình thích, không bị gò bó. Các thể loại tranh phong cảnh, tĩnh vật, chân dung, thậm chí cả tranh nude, tranh trừu tượng đều hiện diện trong các triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm cá nhân, nhóm tác giả.
Về hình thức, thực sự đã có bước đột phá trong đổi mới và cách tân nghệ thuật. Rõ nét nhất, năng động nhất là tranh sơn dầu, rồi mới đến tranh sơn mài, điêu khắc và đồ họa. Nhìn chung các tác giả đã biết tiếp thu truyền thống dân tộc và tinh hoa thế giới, nhất là biết khai thác các yếu tố tạo hình của phương Tây hiện đại làm phong phú hình thức, phong cách nghệ thuật của mình, định hình, định vị phong cách nghệ thuật của thế hệ mình.
Các tác phẩm trong thời kỳ hội nhập cũng cho thấy không ít tác giả trẻ chỉ lo đối ngoại, mà quên mất đối nội. Đối nội luôn là cái gốc của nghệ thuật, là sứ mệnh cao cả của nghệ sỹ. Cái mới, cái đẹp trong sáng tạo nghệ thuật chỉ ra đời trên cơ sở truyền thống và tinh hoa nghệ thuật. Nó luôn là một giá trị tiếp tục, không chỉ là cái còn lại mà quan trọng hơn là tiếp nối như thế nào. Cho dù có khéo trích ngang nó vẫn lồ lộ ra, không phải là của mình, không khéo trở thành “áo gấm vá mụn nâu” hay “áo nâu vá mụn gấm”.
Phê bình và nhà báo
Trước hết, phải khẳng định phê bình mỹ thuật là một phần của đời sống mỹ thuật hôm nay. Phê bình mỹ thuật có nhiều góc độ: nhà phê bình, họa sỹ, nhà báo, nhà văn... Cũng xin nói ngay, hơn 90% tin bài trên các phương tiện thông tin đại chúng của các nhà báo, ai tin ai đây? Rồi các nhà tuyên huấn, các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật mỗi khi xét duyệt triển lãm, xuất bản phẩm phải thẩm định, không phải là phê bình đó sao? Quả thật phê bình mỹ thuật thời hội nhập quốc tế nhiều kênh, đa chiều và quá nhiễu nhương, thật giả, đẹp xấu khôn lường cho sáng tác, thẩm định, hưởng thụ mỹ thuật.
Nếu như trước đó thường là các họa sỹ, nhà văn viết phê bình mỹ thuật, sau này đôi ba nhà phê bình thi thoảng viết đôi ba bài đăng tải thưa thớt trên các trang báo, thì nay hầu như không một số báo nào không có bài viết về mỹ thuật. Do người viết nghề nghiệp khác nhau nên thường có độ vênh về khen chê, mà khen là chủ yếu. Có điều khen chê chưa tới hoặc không đúng với tác giả, tác phẩm, không có sức thuyết phục.
Còn thông tin mỹ thuật? Sáng tác và phê bình mỹ thuật mà thiếu thông tin, không biết nạp thông tin kịp thời thì không thể tới đích. Sống giữa thời đại thông tin mà lại đói thông tin, chuyện tưởng như ngược đời nhưng lại đúng với hiện trạng của giới mỹ thuật Việt Nam thời hội nhập. Khác chăng chỉ ở mức độ người thiếu ít, kẻ đói nhiều mà thôi. Đã thiếu thông tin, lại bị nhiễu, thông tin một chiều, hậu quả thật khôn lường.
Nếu quan niệm phê bình mỹ thuật là công cụ điều chỉnh vĩ mô đời sống mỹ thuật, phải thực sự đổi mới quan niệm và nâng tầm phê bình mỹ thuật, đặt nó đúng vị trí vốn có trong lịch sử, đời sống mỹ thuật. Còn các nhà báo - nguồn cung cấp thông tin dư luận rộng rãi nhất, phải được đào tạo lại về chuyên ngành mỹ thuật mới mong làm tròn trách nhiệm của một nhà báo viết về mỹ thuật. Chứ không thể “cưỡi ngựa xem hoa” mãi được. Không đọc “được” được tác phẩm, không hiểu được tác giả, làm sao viết nổi?

Nhà sưu tập và gallery
Các nhà sưu tập, gallery đóng vai trò cầu nối tác giả – tác phẩm với công chúng mỹ thuật. Có điều các nhà sưu tập chưa đủ vốn sưu tập các tác phẩm lớn, tiêu biểu của các danh họa Việt Nam. Còn gallery thì nhiều nhưng tạp, bình dân, chưa có những gallery cung cấp các món ăn tinh thần đặc sản. Khó cho cả người mua lẫn người bán, làm hỏng thị hiếu mỹ thuật của công chúng yêu mỹ thuật, thậm chí làm hỏng cả thị hiếu của không ít các họa sỹ. Đó là hai mặt của kinh tế thị trường.
Công chúng yêu mỹ thuật
Đất nước đổi mới, hội nhập, đời sống người dân không ngừng được nâng cao cả về tinh thần lẫn vật chất. Người dân ở các khu đô thị lớn đã thật sự có nhu cầu treo tranh, đặt tượng, thậm chí cả trang trí nội ngoại thất. Trong một lần đi cùng đoàn làm phim truyền hình Cái thú chơi tranh, tôi càng vỡ ra rằng dân ta thời nay không chỉ chơi tranh vào mỗi dịp Tết mà chơi tranh quanh năm. Chúng tôi có đến một số biệt thự ở các khu đô thị theo hướng dẫn của các họa sỹ đã bán tranh cho họ. Nhà ít thì treo dăm bức, nhà nhiều có tới hàng chục bức. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng mua tranh treo ở phòng khách. Không còn cảnh treo tranh phiên bản, tranh Thái, tranh Tàu, thậm chí cắt cả những tấm ảnh đẹp ở họa báo trong và ngoài nước… Mặt bằng dân trí và văn hóa tạo hình đã từng bước nâng cao, nhưng mới dừng ở mức thưởng ngoạn tranh phong cảnh, tranh tĩnh vật, tranh chân dung. Giá trị nghệ thuật cũng vừa phải, phù hợp với túi tiền. Song đó cũng là một tín hiệu đáng mừng.
Tựu chung, mỹ thuật Việt Nam đã từng bước vượt khỏi biên giới quốc gia, song vẫn còn nằm trong “bóng râm” của mỹ thuật thế giới. Ngay tác phẩm của các danh họa Việt Nam cũng chưa vào được các bảo tàng mỹ thuật lớn của thế giới, mà mới dừng lại ở các sưu tập cá nhân. Mỹ thuật Việt Nam thời hội nhập quốc tế là một trang sử mới đa dạng đa chiều. Hy vọng trong một thời gian ngắn chúng ta sẽ có những tác phẩm đẹp để đời và có những tác giả đại diện cho mỹ thuật dân tộc và thời đại.