
Trời già đúng là độc địa coi người như rơm rác, chẳng biết xót thương ai thật! Không thế thì sao đang tự dưng tự lành, bỗng trở mặt, đùng đùng đổ mưa. Mà mưa thì như dốc chĩnh nghiêng vò. Mưa thối đất thối cát. Mưa tối tăm mặt mũi. Mưa cả đêm cả ngày. Mưa gây cảm giác hoang dị, bất thường. “Mưa như từ Kinh Thánh mưa ra! Mưa như cơn mưa 40 ngày 40 đêm Đức Giêhôva giáng xuống trần gian thuở Sáng thế trong kinh Cựu ước”. Đó là câu nói của anh Huấn, trưởng đoàn, người yêu của Duyên. Và cuối cùng khi cỗ máy thiên tào đã cạn sức, mưa đã ngưng rơi, anh nói thêm: “Thế là theo tích chuyện trong Kinh Thánh thì Đức Chúa Trời sau rốt cũng cho Noê hậu duệ của Ađam chiếc tàu đóng bằng gỗ Gôphe để chạy lụt rồi đấy, em à!”
Nói vậy là anh Huấn có ý muốn an ủi Duyên. Tháng sau, mùa cưới, họ thành vợ thành chồng rồi. Và con tàu Noê đóng như anh Huấn nói chính là chiếc xe ca sáng nay vượt qua hàng trăm cây số đường lầy đã đến để đón hai chục anh chị em trong đoàn. Mọi người lên xe, vui không kém các sinh vật trên con tàu huyền thoại chạy lụt nọ. Chỉ có Duyên là vẫn còn buồn bực, giận hờn. Giận, buồn vì hoàn cảnh trớ trêu quá. Làn sóng âm nhạc u Mỹ tràn vào xứ sở, đánh bạt ca kịch dân tộc ra khỏi sân khấu thủ đô. Để giữ nghề và kiếm sống, Duyên đã phải cùng đoàn lang bạt đi lưu diễn ở các vùng tít xa. Đận này là vào tận chân núi Tam Đảo. Vậy mà cuối cùng cũng không thoát khỏi vòng cai quản khắc nhiệt của ông Trời. Và dự định thế là tan tành hết. Mà dự định đâu có phải là cho riêng Duyên.
“Duyên à, em nói để Hường thông cảm”. Lần này thì mặt trầm dịu, anh Huấn muốn chia sẻ với Duyên thật. Lỗi nào tại anh? Nhưng như thế thì lỗi thuộc về ai, cả cái sự lỗi hẹn, dở dang ở cuộc đời này? “Mải mê đuổi nắng giữa đồng. Ngày về, cải đã lên ngồng gió đưa. Em về phơi kỷ niệm xưa. Muối thời con gái làm dưa ăn dần”. Ai tặng nữ thanh niên xung phong chống Mỹ mấy câu thơ chua chát quái ác nọ thế? Đào bom, san lấp đường, địch phá ta sửa ta đi, hy sinh hết thẩy để đảm bảo thông tuyến thông xe, chứ nào ai mải nhởn nhơ với nắng với hoa. Lỡ dở cả rồi! Lỡ dở cả đám! Ngoài ba mươi tuổi mới từ chiến trường trở về. Dáng đi đã cưng cứng. Mu bàn tay da đã khô khô. Nhoẻn cười, bên má đã mờ mờ nếp nhăn. Quẩn quanh ổn định công việc, vèo cái, tuổi bốn mươi đã xịch tới. Kẻ có tí nhan sắc, chút tài mọn như Duyên còn là may. Còn như Hường thì kể sao cho xiết nỗi khổ. Ba lần yêu, ba lần gặp ba thằng ma cô. Nuôi nó ăn nó béo nứt như chó thiến trâu thui rồi nó giở mặt. Quá tam ba bận rồi. Còn lần này? Thân kiếp đàn bà khổ thế, không thương nhau thì còn thương ai?
*
Nhưng mà thôi, ông trời ông ấy tạnh mưa cho là may mắn lắm rồi! May mắn nữa là chiếc ô tô như có phép lạ vượt qua được quãng đường lầy thụt. Và xuống xe, Duyên tuy vẫn chưa hết bồn chồn, không còn kịp quay lại chia tay anh Huấn, cũng chẳng kịp lấy bọc quà đồng bào địa phương cho, vẫn có cảm giác được đền bù khi tót lên chiếc xe ôm, bảo gã lái trẻ phóng qua nhà, vứt túi quần áo tư trang cho thằng Luyện em trai, rồi thúc gã nổ máy đi ngay.
- Chị đi đâu nữa ạ?
- Cho tao lên 450 Bis phố ĐC.
Vừa nói thế, Duyên đã the thé bảo gã dừng và dở sổ tay xem lại địa chỉ. Ngày cưới của Hường qua năm ngày rồi. 450 Bis phố ĐC là nhà chồng Hường. Còn nhà Hường ở 598 đường NCT kia.
- Thôi được, cho xe chạy đi. Nhanh lên một tí, mày.
- Em cứ nghĩ chị thích đi thong thả. Với lại...
- Nhưng bây giờ tao cần nhanh. Với lại khỉ khô gì! Nhanh lên, mày.
Thế mà vừa vào số, tăng tốc, gã lái xe ôm đã lại đột ngột phanh gấp. Rồi quay lại gãi gáy nhăn nhó thanh minh. Ôi trời! Rõ con tàu Chúa Trời cho Nôê chạy lụt lại hóa ra đám bèo lộc bình chưa? Hóa ra hắn là thằng xe ôm rởm. Hắn là công an điều tra đang đóng giả xe ôm để theo dõi một đối tượng trộm cắp. “Tại chị ấy! Em không nhận chở chị thì sẽ bị lộ”. Càu nhàu xong, hắn lại còn trách Duyên nữa mới hay chứ. Thôi thì giời không chịu đất thì đất phải chịu giời vậy. Mày chở tao đến đường Hùng Vương, rồi tao chạy bộ một chút cũng được, em ạ.
*
May mà mưa tạnh. May nữa là cái phố bỗng như lộn ngược. Số nhà to lại ở phía đầu này. Và chỉ mấy trăm mét đi bộ, Duyên đã đứng trước số nhà cần tìm. Chỉ tiếc 450 Bis có đến hai số nhà. Số nhà Duyên cần đến ở trong ngõ, chứ không phải căn nhà bốn tầng nguy nga ở ngay mặt đường phố lớn này.
Cái ngõ hẹp sục lên bùn lầy trên lối đi ở nhiều đoạn. Nước mưa loang thẫm từng mảng tường vôi lớn hai bên đường. Và ở chân tường, nơi vôi vữa long lở, như một nỗi hoang truyền, lấm chấm những chiếc mũ nấm dại trăng trắng, bốc mùi tanh sặc. Cảm giác như nhìn thấy nỗi bất công, bỗng dưng xâm chiếm Duyên. Và nỗi khổ tâm thường ngày cùng trạng thái suy nhược mệt mỏi lập tức ức chế Duyên, khiến Duyên trở nên xa lạ vô cùng giữa khung cảnh cô quạnh và có phần dị thường này. Chưa một lần nào Duyên tới đây. Cũng chưa một lần nào Duyên gặp mặt người chồng tương lai của Hường. Tội nghiệp! Mà Hường thì tha thiết quá. “Duyên ơi, mày phải đến xem mặt lão hộ tao. Lão tên là Văn Trí. Là bác sĩ, về hưu rồi. Mặt mũi thì không đẹp đâu. Nhưng được cái lành, lành và bất hạnh như tao mà cũng tài tử văn hoa lắm, mày ạ”.
*
Giữa lối đi là những thanh tre đã chẻ dọc sóng dài. Trước mặt là mảnh vườn nhỏ rau cải mới cấy đang rào dở. Đang róc từng thanh tre là một người đàn ông, xù xù cái áo bông xanh cũ, và cái mũ bông đội đầu. Ngẩng lên, ông để lộ một khuôn mặt sàm sạm, già nua, khổ ải, cặp lông mày bạc phếch và cái miệng méo xệch, dị hình, để hở một bên răng như đang nhếch mép cười, khi Duyên vừa bước đến và cất tiếng hỏi thăm.
- Cô hỏi đúng nhà rồi đấy. Hường ơi, có chị bạn hỏi em đây này!
Phát ra một chuỗi tiếng ngọng nghịu, sản phẩm của căn bệnh méo miệng, người đàn ông xấu xí nọ buông con dao, chống tay đứng dậy, điệu bộ thật già cả. Chạy suốt qua sống lưng Duyên là cơn rùng mình sợ hãi, chen lẫn niềm thương cảm xót xa. May mà cảm giác nọ chợt khuây quên trong sự việc; vì ngay lúc ấy, khi người đàn ông già lão nọ vừa dứt lời, từ trong nhà, Hường, một bóng hình thân quen, xộc xệch trong bộ đồ hoa mặc nhà, đã xổ ra cùng búi tóc dài thõng thượt ở sau lưng.
Một dòng suối trong lành, cực kỳ tinh khiết vừa ào tới, tuôn chảy dạt dào. Hai người bạn gái ôm chầm lấy nhau và thốt nhiên cả hai cùng nức nở nghẹn ngào:
- Hường ơi! Vì mưa! Mưa to quá. Mưa bảy ngày liền. Mưa sốt ruột sốt gan lên được. Anh Huấn bảo: mưa như từ Kinh Thánh mưa ra. Tao ức đến phát khóc, mày ạ.
- Tao hiểu! Tao hiểu! Lẽ ra tao phải đến hỏi thằng Luyện tin tức về mày, nhưng anh ấy bị tái phát sốt rét, hiện giờ đang lên cơn, đang nằm trong buồng kia. Còn anh Văn Bào đây là anh trai anh ấy. Ơ kìa, thôi đừng khóc nữa, Duyên.
- Cứ để tao khóc. Tao mừng quá, Hường ạ. Tao chia vui với mày. Anh ấy ốm thế nào? Tổ chức đám cưới ra sao? Con Thân, con Hợi, con Mùi ở Thái Bình lên đầy đủ à? Thôi, mày hiểu cho tao nhé. Nào, để tao xem mày ăn ở ra sao? Hừ! Nhà cửa tạm được. Phía trước có vườn rau nhỏ như hồi còn ở thanh niên xung phong. Tốt. Tivi tủ lạnh rồi. Đi văng da rồi. Kìa, lại có cả đàn ghi ta. Anh ấy chơi được đàn nhỉ! Hay rồi!
Người đàn ông vót tre ở ngoài sân từ nãy đã vào bếp, giờ đang chầm chậm bước ra, trên đôi tay già run rẩy một khay trà; đặt khay trà xuống mặt bàn sau khi khàn khàn cất tiếng mời Duyên, ông đã lại lẫm chẫm quay ra cửa. Thốt nhiên, hai cánh mũi Duyên cay sè và Duyên vội quay mặt đi. Ôi! Chẳng lẽ là khi nãy Duyên đã tủi thân thay cho Hường vì nghĩ người đàn ông già yếu bệnh tật dị mọ này là chồng Hường!
(Số sau đăng hết)