Một thoáng Tây Hồ

Tây Hồ ở Hàng Châu, Trung Quốc đi vào tâm trí người Việt Nam qua bao điển tích. “Đệ nhất thắng cảnh Giang Nam” có năm hồ nhỏ là Hậu Tây Hồ, Lý Tây Hồ, Ngoại Tây Hồ, Tiểu Nam Hồ và Nhạc Hồ. Có thuyết cho rằng Tây Hồ là lấy tên Tây Thi mà thành.

Là một hồ nước ngọt nổi tiếng nằm về phía tây thành phố Hàng Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, thuộc miền đông Trung Quốc, Tây Hồ theo hướng Bắc - Nam dài nhất 3,3km, còn theo hướng Đông - Tây rộng nhất 2,8km. Diện tích của khu vực hồ khoảng 6,3km2, trong đó phần diện tích chứa nước khoảng 5,66km2. Người dân ở đây nói rằng, Tây Hồ cứ 31 ngày thay nước một lần, nước sông Tiền Đường chảy vào Tây Hồ sau 31 ngày chảy ra để thay nước mới. Nhưng quả thực Tây Hồ là hồ nước ngọt có dòng nước chảy ngầm thông ra sông Tiền Đường - nơi nàng Kiều của Nguyễn Du trầm mình.

Như sống lại trong những trang thư tịch cổ

Đến Tây Hồ vào giữa mùa hè, cái nóng trên 40 độ C của Trung Quốc cộng với hơi ẩm bốc lên từ mặt nước Tây Hồ khiến áo khách thấm đẫm mồ hôi, anh bạn đi cùng đùa là được xông hơi tự nhiên miễn phí. Đi vào Tây Hồ trên con đường rợp bóng mát của hai hàng cây ngô đồng, có cây đến 1 - 2 người ôm. Đây là loại cây thân gỗ to, thân trắng, lá khá giống lá cây phong nhưng có 5 nhánh.

Tác giả trước đền thờ Nhạc Phi bên Tây Hồ
Tác giả trước đền thờ Nhạc Phi bên Tây Hồ

Người Hàng Châu thường kể rằng, ngày xưa nếu nhà sinh con trai sẽ trồng một cây ngô đồng trước nhà, dưới gốc cây ngô đồng chôn một vò rượu ngon. Khi đứa trẻ lớn lên sẽ hạ cây ngô đồng đóng thành chiếc rương và chiếc gùi để chàng trai lên kinh ứng thí. Thi đỗ, sẽ về đào chum rượu lên mang đi hỏi vợ. Nếu nhà sinh con gái, sẽ trồng trước nhà một cây long não, đến khi cô gái đi lấy chồng sẽ chặt cây long não, đóng thành tủ đựng quần áo và rương hòm đựng đồ hồi môn. Các bà mối cứ nhìn cây long não trước nhà mà đến đánh mối.

Qua cửa rừng là những vạt sen bao la quanh Tây Hồ. Tây Hồ trồng rất nhiều sen. Vào mùa hạ sen nở đẹp vô cùng. Sen trắng, sen hồng đua nở khoe sắc tỏa hương. Đầm sen Khúc Viện có đến 40 loại hoa sen khác nhau, Bạch Ngọc trắng ngà, Bạch Tuyết trắng muốt, e ấp, sen điểm huyết (sen đỏ rực), sen phớt hồng, sen xanh lam... Mùi hương sen thoang thoảng bao phủ cả một vùng không gian.

Ngồi trên thuyền du ngoạn cảnh sắc nước trời mênh mông của Tây Hồ mà lòng như sống lại trong những trang thư tịch cổ. Đâu đây, tiếng nước giặt lụa của Tây Thi dưới trăng vàng, thấp thoáng bóng Phạm Lãi ngồi trên cầu đá thổi tiêu vi vu trong gió. Bạch Đê xanh mướt màu lá liễu. Đây là con đê do thi bá Bạch Cư Dị đời Đường khi làm thứ sử nơi đây đắp nhằm điều hòa nước lũ sông Tiền Đường. Chợt như thấy thấp thoáng bóng chàng Tư mã áo xanh Bạch Cư Dị dùng dằng chia tay người thân xuống thuyền trên bến Tầm Dương, từ Trường Giang về sông Tiền Đường đến Hàng Châu nhậm chức. Người xuống ngựa, khách dừng chèo/ Chén quỳnh mong cạn nhớ chiều trúc ti... Khắp tiệc hoa sướt mướt lệ rơi/ Lệ ai chan chứa hơn người?/ Giang Châu tư mã đượm mùi áo xanh.

Chí khí anh hùng hòa vào mây nước

Dọc Bạch Đê chen vào giữa những cây liễu thướt tha là những cây hoàng hoa đang mùa trổ hoa vàng rực rỡ lẩn quất tiếng khắc khoải của chim đỗ quyên gọi bạn. Bước chân ngắm cảnh Tây Hồ, khách còn được người dân nơi đây kể chuyện Võ Tòng tay không đánh hổ trên đồi Cảnh Dương. Khi chết Võ hành giả đã chọn bên Tây Hồ Hàng Châu. Mộ người anh hùng lãng tử đã bị Hồng vệ binh Trung Quốc phá trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, nay được người dân phục dựng. Ngôi mộ hướng ra hồ, như vẫn muốn gửi chí khí anh hùng vào mây nước.

Tây Hồ nổi tiếng với những cây cầu đá. Bước lãng du đưa khách đến Trường Kiều để thấy bước chân dùng dằng của Lương Sơn Bá tiễn Chúc Anh Đài xưa. Người khách dường như cảm nhận được cái tâm trạng chia ly bước đi một bước dây dây lại dừng của đôi lứa yêu nhau đang tiễn biệt. Cây cầu đá chưa đầy 200m mà chàng với nàng đưa tiễn nhau cả ngày trời không hết, vì thế người ta gọi cây cầu này là Trường Kiều chăng?

Theo con đường, thả bước lên cây cầu dài nhất Tây Hồ nhưng lại có tên là Đoạn Kiều Tình. Đây là nơi gặp gỡ của chàng thư sinh Hứa Tiên với Bạch Nương Tử (con rắn trắng tu luyện thành tiên) trong “Bạch Xà truyện” - tiểu thuyết khá nổi tiếng thời Minh - Thanh. Cho dù có trải qua cái chết, có muôn vàn khổ đau nhưng mối tình giữa Hứa Tiên và Bạch Nương Tử không thể chia lìa. Phải chăng vì thế mà hàng trăm năm, những đôi lứa yêu nhau vẫn đưa nhau lên đây để thề nguyền cùng trăng trong nước biếc. Đứng trên Đoạn Kiều tình ngắm tháp Lôi Phong phía xa xa, ngắm Chùa Kim Sơn ẩn khuất, chợt văng vẳng bên tai tiếng nước đổ réo cuộn ầm ầm khi Bạch Xà Nương dân nước ngập chùa Kim Sơn cứu chồng; tiếng kêu tuyệt vọng của Bạch Nương Tử khi nàng bị giam dưới chân tháp Lôi Phong gọi con thơ khát sữa.

Chân núi Cô Sơn nhìn ra hồ là nơi đặt Hành cung của nhà Thanh, được Càn Long và Từ Hy Thái hậu sửa chữa và nâng cấp. Ở gần hành cung vua Thanh là nơi đặt Dịch trạm chuyển vận sứ (Quán dịch cho sứ thần các nước đi qua nghỉ lại của nhà Thanh). Dịch trạm xưa nay đâu còn, chỉ có tiếng oanh vàng thỏ thẻ bên hàng liễu, chỉ còn rừng tùng xanh ngăn ngắt như chia cách cả trăm năm. Bỗng nhớ đến thi hào Nguyễn Du khi đi sứ qua đây, hẳn người đã dừng chân ở đệ nhất thắng cảnh Trung Hoa này để du ngoạn, thưởng lãm. Thuở ấy, trên gò Cô Sơn hẳn vẫn còn dấu tích của nàng Tiểu Thanh nên Nguyễn Tiên Điền không thể nào cầm lòng thương cảm mà viết nên những câu thơ trác việt đồng cảm với nỗi lòng Tiểu Thanh, hay chính nỗi lòng Nguyễn Tiên Điền: Son phấn có thần chôn vẫn hận/ Văn chương không mệnh đốt còn vương/ Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/ Cái án phong lưu khách tự mang.

Ngồi dưới gốc hòe cổ thụ trên nền Dịch trạm xưa mà cảm như mình là Trang Chu đang mơ màng bâng khuâng không biết là bướm hóa mình hay mình hóa bướm. Làn sương nhẹ đã lan trên mặt Tây Hồ gợi cho lòng người lữ thứ niềm nhớ quê da diết. Lòng bỗng ngân lên tiếng thơ Nguyễn Trung Ngạn đời xưa đi sứ qua đây: Kiến thuyết tại gia bần diệc hảo/ Giang Nam tuy lạc bất như quy, nghĩa là: Nghe nói ở nhà nghèo vẫn tốt/ Giang Nam tuy sướng chẳng bằng về.

Về thôi, về với quê nhà thân yêu!

Văn hóa - Thể thao

Bà Rịa - Vũng Tàu kích hoạt “mùa vàng” du lịch dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam
Văn hóa - Thể thao

Bà Rịa - Vũng Tàu kích hoạt “mùa vàng” du lịch dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam

Hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức chuỗi lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch sôi động, trải dài từ thành phố biển đến các địa phương. Những sự kiện đặc sắc như đại nhạc hội, lễ hội khinh khí cầu, liên hoan diều nghệ thuật không chỉ tri ân lịch sử mà còn mở ra “mùa vàng” du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh địa phương và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ba tuyển thủ Việt Nam góp mặt trong đội hình các ngôi sao Đông Nam Á
Du lịch - Thể thao

Ba tuyển thủ Việt Nam góp mặt trong đội hình các ngôi sao Đông Nam Á

Nguyễn Hoàng Đức, Nguyễn Quang Hải và Đỗ Duy Mạnh đã chính thức được Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) lựa chọn vào đội hình Đội tuyển các ngôi sao Đông Nam Á (ASEAN All-Stars). Đội hình này sẽ tham dự trận giao hữu đặc biệt với CLB Manchester United, diễn ra ngày 28.5 tại SVĐ Bukit Jalil, Kuala Lumpur, Malaysia.

Chiếc mũ cối đặc biệt của nữ quân nhân tại đấu trường nhan sắc Hoa hậu Việt Nam 2024
Văn hóa - Thể thao

Chiếc mũ cối đặc biệt của nữ quân nhân tại đấu trường nhan sắc Hoa hậu Việt Nam 2024

Là một trong những thí sinh lọt chung khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024, Thiếu úy Trần Ngọc Châu Anh không chỉ sở hữu vẻ đẹp hình thể ấn tượng mà còn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về tình yêu đất nước, trách nhiệm và phẩm chất kiên cường của thế hệ trẻ.

Tái bản hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình
Văn hóa

Tái bản hồi ký của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình

Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, NXB Chính trị quốc gia Sự thật và Omega Việt Nam hợp tác xuất bản lần thứ 2 cuốn sách “Gia đình, bạn bè và đất nước” của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước, nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.

"Mối giao cảm" của Tina Merandon
Văn hóa - Thể thao

"Mối giao cảm" của Tina Merandon

Nhằm khám phá mối quan hệ đặc biệt giữa con người và động vật trong cuộc sống hàng ngày, Viện Pháp tại Việt Nam tổ chức triển lãm ảnh "Mối giao cảm giữa con người và động vật" của nghệ sĩ người Pháp Tina Merandon, trong khuôn khổ chương trình Nghệ sĩ lưu trú Villa Saigon 2025.

Khơi gợi tự hào dân tộc qua trang sách
Văn hóa - Thể thao

Khơi gợi tự hào dân tộc qua trang sách

Ngày Sách và Văn hóa đọc năm 2025 được tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam có chủ đề "Mỗi trang sách - Một niềm tự hào" nhằm khẳng định vai trò to lớn của sách trong bồi đắp tri thức, nuôi dưỡng tâm hồn, khơi gợi niềm tự hào về lịch sử dân tộc.

Du ngoạn Việt Nam qua sắc màu
Văn hóa - Thể thao

Du ngoạn Việt Nam qua sắc màu

Vẻ đẹp danh lam thắng cảnh, di sản kiến trúc trầm mặc, nét đặc sắc của phong tục tập quán và sự bình dị của đời sống trên khắp mọi miền đất nước đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận, dẫn người xem vào chuyến du ngoạn qua ba miền đất nước thông qua những nét vẽ, mảng màu sinh động.

Chuỗi chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Văn hóa

Chuỗi chương trình nghệ thuật chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam

Nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị nghệ thuật trực thuộc tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trên cả nước, mang đậm dấu ấn lịch sử, nghệ thuật và lòng tự hào dân tộc.