Kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn
Được mệnh danh là con đường nông thôn đẹp nhất miền Tây, tuyến đường Ông Đồ Nghị nối thị trấn Tân Trụ với xã Đức Tân, huyện Tân Trụ , Long An dài 2km được chính quyền và người dân địa phương tôn tạo mặt đường bê tông vào năm 2008. Đến năm 2013, người dân tiếp tục hiến đất, mở rộng mặt đường và trồng hơn 300 gốc cau vua. Những năm qua, đường Ông Đồ Nghị trở thành điểm đến tham quan, du lịch của nhiều khách trong và ngoài tỉnh.

Tuyến đường về biên giới Giồng Két kết nối từ trung tâm huyện Đức Huệ ra biên giới Campuchia, qua địa phận thị trấn Đông Thành và các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình được huyện Đức Huệ đầu tư bê tông hóa toàn tuyến với chiều dài 13,2km, với tổng kinh phí 22,6 tỷ đồng. Trên tuyến đường, các mạnh thường quân đã tài trợ xây dựng 10 cây cầu giao thông nông thôn, 10 cống ngang đường và 2.000 tấn xi măng làm đường bê tông.
Theo người dân ở đây, từ khi tuyến đường được đầu tư xây dựng, làng xóm hai bên bờ kênh gần nhau hơn, việc vận chuyển hàng hóa, nông sản, học sinh đi học cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Nói cách khác, cầu, đường giao thông được đầu tư, phương tiện qua lại đông đúc, nối nhịp đôi bờ, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao đời sống người dân.
Không chỉ thị trấn Tân Trụ, xã Đức Tân hay xã Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, mà trên địa bàn tỉnh Long An, mạng lưới giao thông nông thôn được quan tâm đầu tư, ngày càng trải rộng giúp kết nối vùng sâu, vùng xa, nông thôn, rút ngắn khoảng cách đi lại giữa các vùng. Bên cạnh đó, từ chương trình xây dựng cầu nông thôn do nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang vận động, hàng trăm cây cầu, cống bê tông cốt thép được xây dựng khắp các địa bàn vùng sâu, khó khăn, biên giới của tỉnh, thay thế những cây cầu khỉ, gỗ tạm bợ, xiêu vẹo, thiếu an toàn.
Hệ thống giao thông nông thôn ngày càng đồng bộ
Với sự đầu tư mạnh mẽ, đồng bộ, có tập trung, hệ thống giao thông nông thôn ở Long An ngày càng đồng bộ, mở ra nhiều cơ hội, động lực phát triển mới. Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An, để thực hiện các kế hoạch, mục tiêu đầu tư, phát triển giao thông nông thôn, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở tập trung quán triệt và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông tin sâu, rộng đến cán bộ, Nhân dân về tầm quan trọng, mục đích của việc đầu tư, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đã ban hành Nghị quyết về giao thông nông thôn để tập trung thực hiện, tạo sự đột phá.
Đơn cử, tại huyện Tân Trụ, đến nay đã thực hiện gần 350 công trình giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 200km, kinh phí gần 100 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp gần 50 tỷ đồng và hàng chục nghìn mét vuông đất cũng như nhiều ngày công lao động. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện được bảo đảm theo chuẩn nông thôn mới với 59,8/59,8km đường trục xã được cứng hóa, đạt 100%; 166,6/166,6km đường trục ấp, liên ấp được bê tông hóa, đạt 100%; 73,1/73,1km đường ngõ xóm được bê tông hóa, đạt 100%; 31,9/31,9km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 100%.
Ngoài ra, huyện cũng ban hành Nghị quyết số 22 về tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, huyện phấn đấu năm 2023, mỗi xã, thị trấn có 20% tuyến đường được mở rộng, nâng cấp với mặt đường bê tông rộng từ 5m trở lên và năm 2025 nâng lên 40%.
Năm 2015, huyện Thủ Thừa cũng đã ban hành Nghị quyết về huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn. Từ năm 2015 - 2020, huyện thực hiện được gần 84km đường bê tông; hơn 134km đường cấp phối đá; 83 cầu bê tông. Trong thực hiện đường giao thông nông thôn, người dân tại địa phương cùng các đơn vị tài trợ tích cực góp tiền, hiến đất, ngày công lao động, trị giá hơn 41 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến hết tháng 8.2022, huyện Thủ Thừa tiếp tục làm chủ đầu tư, thực hiện 8 công trình đường giao thông, 6 công trình cầu, 2 công trình cống với tổng vốn gần 252 tỷ đồng. Các xã làm chủ đầu tư 31 công trình đường bê tông, 6 công trình đường nhựa, 22 công trình đường cấp phối đá, 9 công trình cầu bê tông cốt thép và 1 công trình cầu khung thép với nguồn vốn thực hiện gần 50 tỷ đồng.