Theo Thứ trưởng sự tham gia của các đại biểu Quốc hội sẽ tạo ra sự đồng thuận cao, nhất là khi đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến, đồng thời trao đổi ngược lại để cử tri và nhân dân thấy chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước khi miễn học phí cho học sinh THCS...
- Xin bà cho biết quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đề xuất Chính phủ miễn học phí cho toàn bộ học sinh THCS ngay từ năm học này 2022-2023?
Về miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng căn cứ theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, mà trong đó nhấn mạnh rất rõ một ý: sau năm 2020 sẽ thực hiện phổ cập trung học cơ sở bắt buộc. Mà đã thực hiện phổ cập trung học cơ sở bắt buộc thì việc đấy phải tiến tới việc miễn học phí. Khi xây dựng Luật Giáo dục 2019, chúng ta cũng đã giao việc thực hiện phổ cập bắt buộc trung học cơ sở để thực hiện miễn học phí này là có lộ trình là do Chính phủ quy định.
Xâu chuỗi hai thông tin trên để thấy năm nay 2022, việc chúng ta thực hiện miễn học phí cho việc phổ cập bắt buộc trung học cơ sở là rất cần thiết. Theo tính toán, số kinh phí dành cho nhiệm vụ này không lớn. Trong 5,8 triệu học sinh trung học cơ sở, các em là đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt và éo le khác vốn đã được miễn học phí, tính ra thì học phí miễn giảm ở mức 1 triệu đồng/em/năm chỉ cần khoảng trên dưới 4 nghìn tỷ đồng. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xem xét, tính toán rất thấu đáo và đã tham mưu lộ trình này với Chính phủ để có thể thực hiện được miễn học phí cho các em học sinh trung học cơ sở theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và theo đúng quy định trong Điều 90 của Luật Giáo dục 2019.
Theo các văn bản pháp luật hiện hành, lộ trình thực hiện miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở đã có, là sau năm 2020. Thứ hai, Luật Giáo dục 2019 cũng giao thẩm quyền, lộ trình này cho Chính phủ quyết định. Việc ngân sách nhà nước phải cân đối nguồn trước và sau dịch Covid - 19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung. Tôi thấy rằng, so với các nước trong khu vực thì chúng ta thực hiện phổ cập giáo dục cũng lâu rồi, nhưng nếu coi cụm từ “bắt buộc” để miễn học phí thì chúng ta đang chậm hơn một chút so với khu vực. Tuy nhiên việc nhanh chậm này chưa thể nói hết được về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, bởi chúng ta phải đảm bảo chất lượng đầu ra và cũng đang phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo sao cho thực sự phù hợp.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được chỉ đạo xây dựng khá bài bản, khá căn cơ thì làm gì cũng phải có tiếng nói đồng thuận của xã hội; và xã hội cũng phải hiểu được đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đi theo từng lộ trình, bước đi chặt chẽ thì mới chắc chắn, hiệu quả và bài bản.
- Để đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ báo cáo và tham mưu Chính phủ theo hướng như thế nào trong thời gian tới, thưa bà?
Chúng tôi đã báo cáo với Chính phủ, Chính phủ cũng nhất trí về chủ trương này. Dự thảo đang xin ý kiến của các địa phương và các bộ, ngành liên quan, sau đó sẽ gửi Bộ Tài chính để cân đối xem xét nguồn nhất định và báo cáo Chính phủ đầy đủ. Nội dung và lộ trình được nêu trong cái Điều 90 của Luật Giáo dục 2019.
Theo tôi, để chủ trương miễn học phí sớm được triển khai thực hiện thì bên cạnh các đơn vị đang thực hiện, vai trò đồng hành của các đại biểu Quốc hội là rất quan trọng và cần thiết. Bởi sự tham gia của các đại biểu dân cử sẽ tạo ra sự đồng thuận cho toàn xã hội, nhất là khi tiếp xúc cử tri, lắng nghe ý kiến của cử tri, đồng thời trao đổi ngược lại để cho cử tri và nhân dân thấy được chủ trương nhân văn của Đảng, Nhà nước khi miễn học phí cho học sinh. Vì khi chúng ta thực hiện phổ cập giáo dục bắt buộc thì đây cũng là trách nhiệm của nhà nước, trách nhiệm của toàn xã hội cần chung tay nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiện việc miễn học phí cho những đối tượng đang quan tâm cũng đã có, nhưng với tổng thể toàn bộ học sinh trung học cơ sở thì chưa thực hiện được đầy đủ. Nếu được các đại biểu Quốc hội đồng hành thì tôi nghĩ rằng cái việc này nó sẽ được đồng thuận xã hội nhanh hơn và cái việc tiến hành các cái giải pháp mà tham mưu cho Chính phủ để Chính phủ có cái quyết sách, cái lộ trình cho nó phù hợp thì cũng rất quan trọng và cần tính toán tác động đa chiều.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!