Lan tỏa văn hóa dân tộc
Sau hơn nửa thế kỷ, kể từ Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ nhất năm 1971, văn học đương đại đã phong phú và khởi sắc hơn bởi sự xuất hiện của những người viết trẻ thế hệ mới. Trước thềm Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, nhà thơ Lữ Mai (Hội Nhà văn Việt Nam) chia sẻ, tác phẩm của các cây viết trẻ thời gian qua khác xa với sự lo ngại rằng người trẻ lãng quên lịch sử và văn hóa dân tộc; thờ ơ, vô cảm; chỉ viết về cái tôi cá nhân vụn vặt. “Thực ra điều đó có, nhưng không đại diện cho người trẻ. Tôi chỉ lấy ví dụ, Nguyễn Bình thuộc thế hệ công dân toàn cầu, du học ở Mỹ ngành Thiên văn học, nhưng lại dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh một cách xuất sắc. Theo tôi, phải yêu đất nước, có trách nhiệm bảo tồn và lan tỏa văn hóa dân tộc mới làm được đến thế. Với họ, tài năng thì hiển nhiên, nhưng đây là trách nhiệm rất lớn mà trước đó chưa nhà văn nào thực hiện và thành công”.
Đồng quan điểm, nhà văn trẻ Võ Đăng Khoa (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang) cho biết, một trong những vai trò quan trọng của văn chương là tái hiện. Thông qua ngòi bút, tác giả truyền tải và dựng lại những màu sắc văn hóa, lịch sử. “Một người yêu văn hóa, yêu lịch sử đất nước chắc chắn là một người yêu nước, và chúng ta rất cần những người vun đầy và truyền tải tình yêu đó. Một người viết trẻ cần nhận thức được trách nhiệm của mình, đó là tìm tòi, làm dày hơn trải nghiệm của bản thân, mang văn hóa và lịch sử đẹp đẽ của dân tộc vào trang viết. Cách nhìn của người trẻ sẽ gần hơn với người trẻ, do đó người viết trẻ cần mang cái nhìn của mình, mới mẻ nhưng không xa vời, đưa văn hóa và lịch sử đất nước tiếp cận với người đọc qua những trang viết đầy trách nhiệm”.
Nhà văn trẻ Trần Thị Như Quỳnh (Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Giang) khẳng định: “Hướng về văn hóa, lịch sử để thấy văn học Việt Nam từ xưa đến nay đều nằm trong mạch nguồn văn hóa, lịch sử chung của dân tộc”.
Văn học chính là thể hiện văn hóa và lịch sử của bất kỳ một dân tộc nào. “Tính gắn chặt này đòi hỏi bộ phận văn học phải có khả năng lưu trữ và phô diễn một cách đa dạng, toàn diện chính giai đoạn mà nó đang đại diện. Người cầm bút trẻ rất hiểu điều này, để tiếp tục hành trình học và viết của mình, bằng cả con tim và khối óc”, nhà văn trẻ Nguyễn Anh Nhật (Bình Định) nói.
Văn học với sự phát triển của đất nước
Các sáng tác của một người trẻ cầm bút chân chính không thể đứng ngoài những vấn đề mà xã hội và cộng đồng quan tâm. Nhà thơ Lữ Mai khẳng định, trách nhiệm cũng chính là lương tri, tự trọng. Sẽ khó có cây bút nào trưởng thành khi chỉ quẩn quanh vấn đề cá nhân và cá nhân đó không bao hàm vấn đề cuộc sống, nhân loại. Trong giá trị nhân văn của một tác phẩm bao giờ cũng thể hiện trách nhiệm công dân. Người viết trẻ thời đại nào cũng là biểu tượng cho sức sống, khát vọng, sự dấn thân trong quá trình đi lên của đất nước.
Văn học Việt Nam đã có những giai đoạn vàng son được xây dựng bởi thế hệ các nhà văn trẻ đầy tài năng và trách nhiệm. Họ đã hy sinh cả máu xương và nước mắt, nhiều người vĩnh viễn không trở về, dòng tên họ tạc trong dáng hình Tổ quốc. “Một câu nói chúng ta thường nghe: Còn trẻ mà, chờ đợi chút đi... Chờ đợi, hy vọng, vun đắp là cần thiết, nhưng chúng tôi ý thức rằng, nhiều nhà văn thế hệ trước khi còn ít tuổi hơn chúng tôi bây giờ, đã vĩ đại ở tác phẩm và sự hiến dâng”, nhà thơ Lữ Mai chia sẻ.
Trong ba tập trường ca mới nhất, nhà thơ Lữ Mai đã đề cập đến các đề tài về chủ quyền biển đảo; tri ân, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ; đại dịch Covid-19. “Đây là những chủ đề tôi dành nhiều quan sát, ngẫm ngợi. Rất may mắn, tôi nhận được sự hỗ trợ của các nguyên mẫu là bộ đội ở biên giới, hải đảo, các cựu chiến binh, chiến binh trong đại dịch. Tất cả đều hy sinh cao cả và thầm lặng”. Với Lữ Mai, đó là sự khích lệ quan trọng khiến chị cảm thấy vừa biết ơn vừa mắc nợ bởi chưa làm được điều gì đáng kể so với những gì cuộc sống và mọi người đã ưu ái cho mình.
Từng đoạt giải Khuyến khích cuộc thi sáng tác truyện ngắn Yolobooks 2016, Nguyễn Anh Nhật thú nhận chưa nghĩ đến việc gắn tính trách nhiệm vào các trang viết. “Tuy nhiên, tôi có sự thôi thúc và động lực để viết trước các vấn đề xã hội. Đó là sự kích gợi một vẻ đẹp không được công nhận, sự nghi vấn một hào nhoáng được tung hô. Cách tiếp cận đa chiều và táo bạo của một người trẻ như tôi sẽ là lợi thế để nhìn nhận và xoay chiều những mặt cắt xã hội đang vận động xung quanh”.
Trong các sáng tác gần đây, Nguyễn Anh Nhật phản ánh chủ yếu đời sống tinh thần, sức khỏe tâm lý của người dân trong xã hội đương thời, đặc biệt là người trẻ. Anh hy vọng người đọc sẽ tìm ra những phản chiếu trong hành trình tiếp cận những nội dung có chủ đề tương tự, không chỉ riêng trong các sáng tác mới của anh.
Bằng cách nói ra và truyền tải những thông điệp về cuộc sống và con người xung quanh, thông qua các trang viết, các tác giả trẻ mong muốn đóng góp tiếng nói, cũng chính là trách nhiệm của người trẻ!
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X sẽ chính thức diễn ra ngày 18 - 19.6, tại Đà Nẵng. 138 đại biểu tham dự Hội nghị, trong đó có 119 đại biểu là các cây bút trẻ tiêu biểu đến từ các vùng miền trong cả nước, 19 đại biểu là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tuổi đời từ 35 trở xuống.
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ có tọa đàm chủ đề “Văn học với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, hội thảo thơ và văn xuôi, bàn về thái độ, trách nhiệm và lương tâm của người cầm bút với cuộc sống, với xã hội và trả lời câu hỏi “Vì sao chúng ta viết?”