Âm nhạc cổ điển có phải dòng nhạc “kén” người nghe?
Trao đổi tại tọa đàm chiều 13.9, Phó Giám đốc Sở VHTT TP, NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ, rất đáng tự hào về những thành tựu mà Giai điệu mùa thu đã làm được, vì thế UBND TP đã chọn Giai điệu mùa thu là một trong 19 sự kiện tiêu biểu của TP. Nhưng bà Thúy cũng cho rằng cần nhìn nhận lại một số quan niệm khi có một số người mặc định cho đây là dòng nhạc “kén người nghe”, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập.

“Qua quá trình tổ chức Giai điệu mùa thu các kỳ đã diễn ra, hoặc dẫn chứng tiêu biểu là ngay cả đêm hòa nhạc thanh xướng kịch Carmina Burana tối 11.9, nhìn xuống hàng ghế khán giả kín hết không còn một chỗ trống, thực sự vô cùng xúc động. Với khát vọng xây dựng thương hiệu văn hóa nghệ thuật cho TP, trách nhiệm đặt lên vai ban lãnh đạo Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch sẽ nặng nề hơn rất nhiều và chúng ta cũng cần những giải pháp căn cơ hơn, triệt để hơn”, NSƯT Thanh Thúy nhấn mạnh. Bà Thanh Thúy mong muốn qua trao đổi với các chuyên gia tại tọa đàm, sẽ tìm kiếm được các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho nghệ thuật.
Vai trò của âm nhạc hàn lâm trong xây dựng văn hóa nghệ thuật của đất nước được đặt ra tại tọa đàm, như ý kiến của Trưởng phòng Tổ chức Biểu diễn Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, nhạc sỹ Nguyễn Mạnh Duy Linh thì không nên nói mãi rằng đây là một dòng nhạc khó thưởng thức, xa cách với đời sống. Theo ông Duy Linh, đúng là âm nhạc cổ điển xuất phát từ phương Tây nhưng bây giờ đó đã không còn là loại hình riêng của phương Tây nữa, bằng chứng là nhiều năm gần đây các nghệ sĩ dẫn đầu tại các cuộc thi âm nhạc toàn cầu như Tchaikovsky đều thuộc về Nhật Bản, Hàn Quốc… và một số quốc gia châu Á khác. “Hãy nghĩ rằng âm nhạc là ngôn ngữ chung để trao đổi văn hóa giữa các quốc gia”, nhạc sĩ Nguyễn Mạnh Duy Linh nói.
Trả lời câu hỏi khán giả có cần phải hiểu âm nhạc cổ điển khi đến thưởng thức loại hình này, NSƯT Hoàng Điệp, nhạc trưởng và nhà giáo dục âm nhạc khẳng định: “Không cần hiểu, mà là cần cảm thụ âm nhạc, yếu tố này quan trọng hơn nhiều”. Giám đốc Nhạc viện TP, NSƯT Hoàng Ngọc Long cho rằng: “Để đi sâu vào chuyên ngành thì phải học, học mới hát hay, đàn giỏi được, thể hiện đạt mọi ý đồ của tác giả. Còn khán giả thì không cần phải học mới hiểu được âm nhạc cổ điển. Cứ nói thế sẽ làm khán giả sợ âm nhạc cổ điển, xa lánh, không dám đến gần với âm nhạc, thì sẽ càng ít cơ hội trải nghiệm. Khán giả cứ đến nhà hát, trực tiếp thưởng thức tác phẩm, nếu có điều kiện thì tham dự thêm các tọa đàm để nghe được nhiều hơn về âm nhạc”.
Giám đốc Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch, nhạc trưởng Lê Ha My khẳng định: “Đứng trước cái đẹp, trước nghệ thuật, ai cũng có sự rung cảm, và không nhất thiết phải hiểu hoàn toàn thì mới rung cảm được nhưng tôi vẫn chắc chắn rằng nếu có sự hiểu cặn kẽ thì sẽ càng yêu hơn. Tôi khẳng định âm nhạc cổ điển có vai trò đặc biệt trong dòng chảy nghệ thuật. Không đơn giản để một người nghệ sĩ có thể biểu diễn trên sân khấu của loại hình này, nên nếu có được một lớp khán giả được giáo dục đào tạo sâu sắc hơn về loại hình nghệ thuật này thì chắc chắn là âm nhạc nghệ thuật sẽ có nền tảng để phát triển mạnh mẽ hơn. Về phía trách nhiệm của nghệ sĩ, chúng tôi cần tạo ra những chương trình nghệ thuật hay, tác phẩm hấp dẫn để thu hút công chúng”.
Các khán giả rất cần một nhà hát tầm cỡ
Tại tọa đàm, các khách mời đã trăn trở với câu hỏi về tương lai dự án xây nhà hát giao hưởng, nhạc vũ kịch ở Thủ Thiêm. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy giải đáp thẳng thắn: "Giai đoạn sau đại dịch, do cần ưu tiên các hoạt động an sinh và phục hồi kinh tế nên chúng ta phải tạm dừng dự án này, nhưng trong tương lai gần, mọi thứ sẽ được xúc tiến trở lại. Đó là nhiệm vụ đã được HĐND TP đặt ra qua nhiều nhiệm kỳ, và chúng tôi vẫn đang theo đuổi".
Bà Thúy cũng nhấn mạnh: "TP rất cần nhà hát, và cần nhiều hơn những thiết chế văn hóa xứng tầm với một đô thị được xem là đại đô thị của cả nước. Một nhà hát đạt chuẩn để các nghệ sĩ giới thiệu những tác phẩm chất lượng đến khán giả, để mời các đoàn nghệ thuật của thế giới đến giao lưu và từ đó phát triển".
Liên quan đến đề tài này, nghệ sĩ violin Tăng Thành Nam chia sẻ: "Mọi người cứ hay nhầm xây nhà hát là để cho nghệ sĩ. Không phải! Chưa có nhà hát thì nghệ sĩ vẫn biểu diễn, vẫn theo nghề. Xây nhà hát là để cho công chúng được thưởng thức nghệ thuật ở mức tốt nhất có thể". Còn nhạc trưởng Trần Vương Thạch, nguyên giám đốc Nhà hát cũng góp ý: "Khi đã đúng thời điểm và đủ điều kiện thì sẽ hình thành được dàn nhạc và nhà hát. Chúng ta đã xây được lực lượng nghệ sĩ tốt và đầy đủ. Hiện nay, chúng ta gặp khó trong việc xây dựng nhà hát mới. Nhà hát hiện tại đã 120 năm tuổi và vẫn còn giá trị mỹ thuật, kiến trúc, lịch sử, tôi hiến kế thành phố giao nhà hát này cho Dàn nhạc HBSO".
Các đêm diễn trong Liên hoan giai điệu mùa thu 2022 đều kín khán phòng, nhiều khán giả yêu nghệ thuật tiếc nuối không có cơ hội được thưởng thức và bày tỏ mong muốn TP. Hồ Chí Minh sớm tái khởi động dự án xây mới một “thánh đường nghệ thuật” cho các bộ môn nghệ thuật hàn lâm.