Hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh
Trong văn bản số 3089 về triển khai STEM, Bộ GD-ĐT định nghĩa: "Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với những ứng dụng của chúng trong thực tiễn.
Nội dung bài học theo chủ đề STEM gắn với việc giải quyết tương đối trọn vẹn một vấn đề, trong đó học sinh được tổ chức tham gia học tập một cách tích cực, chủ động và biết vận dụng kiến thức vừa học để giải quyết vấn đề đặt ra; thông qua đó góp phần hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh".
Thực hiện định hướng trên, Cô giáo Đỗ Thị Phương Thảo đã khéo léo lồng ghép giáo dục kĩ năng sống bảo vệ môi trường, STEM vào bài dạy “Chậu và giá thể trồng hoa, cây cảnh” (Tiết 1 – Bài 4 – Bộ sách Cánh Diều).
Tại tiết học này, học sinh được tìm hiểu về các loại chậu, được tranh luận về ưu điểm, nhược điểm của ba loại chậu thông qua hình thức sân khấu hoá. Từ các hoạt động này, các em sẽ thấy tuỳ vào từng đặc điểm của chậu để có thể lựa chọn phù hợp với các loại hoa, cây cảnh và vị trí đặt chậu. Phần cuối tiết học, các em được làm chậu trồng hoa, cây cảnh thủ công bằng vật liệu sưu tầm, tái sử dụng. Đây là hoạt động được lồng ghép STEM.
Các nhóm sẽ lựa chọn vật liệu và dụng cụ phù hợp để tạo ra các chậu trồng hoa, cây cảnh và trang trí cho chúng. Sau đó, các nhóm trưng bày, giới thiệu thông điệp của sản phẩm. Các em dùng những sản phẩm vừa tạo ra để thiết kế những dự án XANH cho không gian lớp học hay ngôi nhà của mình.
Cô trò cùng sáng tạo
Môn Khoa học cùng với Lịch sử và Địa lý lớp 4, 5 là những môn học được xây dựng trên cơ sở kế thừa, phát triển và hoàn thiện các chủ đề của môn Tự nhiên Xã hội ở các lớp 1, 2, 3.
Mục tiêu của môn Khoa học trong các nhà trường Tiểu học, ngoài việc cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản, ban đầu, thiết thực về các sự vật, hiện tượng diễn ra xung quanh các em trong cuộc sống hàng ngày, còn giúp các em hình thành và phát triển các kĩ năng như: ứng xử, quan sát và làm thí nghiệm, nêu thắc mắc, phân tích và so sánh ...
Bên cạnh đó, còn hình thành, phát triển những thái độ, thói quen tốt như tự giác, ham hiểu biết, yêu con người, thiên nhiên, đất nước, có ý thức và hành động bảo vệ môi trường xung quanh,...
Đáp ứng Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, cô giáo Trịnh Thị Hải Yến - Trường Tiểu học Vạn Phúc có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên, được tương tác trực tiếp với bạn và cô, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình.
Hoạt động khởi động diễn ra trong không khí sôi nổi khi học sinh được tham gia trò chơi đố vui “Tôi là ai?” gắn với nội dung đã học về đặc điểm, tính chất, sự chuyển động của không khí.
Trong hoạt động khám phá, hình thành kiến thức mới, giáo viên đã vân dụng phương pháp bàn tay nặn bột làm thí nghiệm để xem không khí có vai trò như thế nào đối với sự cháy. Ở hoạt động này, học sinh được trực tiếp làm thí nghiệm trong nhóm, mạnh dạn tự đưa ra ý kiến của mình, chủ động ghi lại những suy nghĩ, phán đoán, các giải thích, đề xuất… đã góp phần giúp học sinh rèn luyện khả năng hợp tác, kỹ năng diễn đạt, ngôn ngữ nói, viết, kỹ năng thuyết trình trước đám đông, khả năng lập luận để bảo vệ quan điểm khoa học của mình.
Ở phần vận dụng kiến thức về sự cháy trong thực tế cuộc sống, cập nhật vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, giáo viên đã khéo léo tích hợp dạy lồng ghép kiến thức và kĩ năng phòng cháy chữa cháy, học sinh được đề xuất nhiều phương án giải quyết linh hoạt về cách dập lửa.
Ở phần tìm hiểu vai trò của không khí đối với sự sống, học sinh được thảo luận nhóm và trình bày hoạt động hô hấp và quang hợp với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn, sáng tạo như: mô hình rạp chiếu bóng mi ni, vẽ sơ đồ tư duy, kể chuyện….
Qua hoạt động sưu tầm tranh ảnh, vốn sống thực tế, học sinh đã nêu nhiều ứng dụng và giải thích việc vận dụng vai trò của không khí trong đời sống, sản xuất rất gần gũi như: Sục khí trong bể cá để làm gì? Vì sao dùng quạt thông gió cho nhà kính để trồng cây? Vì sao phải sử dụng bình có chứa khí ô xi khi lặn? Cách tránh ngạt khói và thoát khỏi đám cháy.
Trò chơi “Chinh phục Sao Mộc” cuối tiết học đã giúp các con xâu chuỗi kiến thức một cách tự nhiên, phát huy năng lực ra quyết định và phản ứng nhanh của học sinh.
Với cách truyền tải, dẫn dắt nhẹ nhàng của cô giáo, tiết học diễn ra vui vẻ, học sinh học tập sôi nổi, chủ động, tích cực, phát huy được năng lực: tự chủ, tự học, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh.
Cảm xúc tích cực thông qua tiết chuyên đề
Sau khi dự tiết chuyên đề, các cán bộ, giáo viên đã tích cực tham gia phần trao đổi, đánh giá cao hiệu quả của tiết dạy.
Cô giáo Đỗ Thị Phương Thảo (Trường Tiểu học Thành Công B) cho biết: “Đáp ứng Chương trình GDPT 2018 theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh cần có nhiều sáng tạo trong việc lựa chọn nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để học sinh thực sự được tham gia tích cực vào quá trình dạy học của giáo viên, được tương tác trực tiếp với bạn và cô, có cơ hội tự tin thể hiện hiểu biết của mình”.
Cô giáo Hải Yến (Trường Tiểu học Vạn Phúc): Môn Khoa học là một môn học mới với học sinh lớp 4, nội dung được tách ra từ môn Tự nhiên xã hội lớp 3 nên đòi hỏi học sinh phải tư duy, tìm hiểu nhiều hơn, chuẩn bị trước bài kĩ hơn. 2.
Trong một tiết dạy có 2 hoạt động chính nhưng nhiều nội dung, hoạt động nhỏ, đòi hỏi GV cần có nhiều ý tưởng để thiết kế các hình thức tổ chức khác nhau phát huy năng lực học sinh nhiều nhất.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Hoa – giáo viên trường Tiểu học Việt Nam – Cu ba nhận xét: Nội dung STEM được lồng ghép trong tiết học của trường Tiểu học Thành Công B rất hợp lí, vừa sức và hấp dẫn.
Các em được lựa chọn vật liệu và dụng cụ, tự mình trang trí và trưng bày sản phẩm. Trong quá trình thao tác, các thành viên trong nhóm đã biết phân chia nhiệm vụ và thao tác rất nhịp nhàng.
Qua 02 tiết chuyên đề, các cán bộ quản lý, giáo viên của các trường Tiểu học đã hiểu rõ và đưa ra các giải pháp về việc tổ chức hoạt động dạy học, việc tích hợp các nội dung giảng dạy, sự chủ động của giáo viên trong việc chọn lựa hoạt động, hình thức tổ chức phù hợp với đối tượng học sinh, chú trọng việc rèn luyện năng lực, phẩm chất gắn với những tình huống của cuộc sống.