-Những dấu ấn mà Vinafor đã đạt được trong “Hành trình phát triển Xanh” là gì, thưa ông ?
Ông PHÍ MẠNH CƯỜNG: Với đặc thù hoạt động sản xuất kinh doanh chính của Tổng công ty là sản xuất lâm nghiệp, ngành nghề cốt lõi là trồng rừng và sản xuất, chế biến gỗ truyền thống, Vinafor đã quản lý hơn 43 nghìn ha rừng và đất rừng trồng sản xuất thuộc 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm chính là gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC; dịch vụ lâm nghiệp; dịch vụ môi trường rừng, dịch vụ du lịch sinh thái. Hàng năm, VINAFOR cung ứng cho thị trường bình quân 250 nghìn m3 gỗ, trong đó 150 nghìn m3 có chứng chỉ rừng FSC.
Trong quá trình xây dựng và phát triển của mình, Vinafor luôn xác định mục tiêu xuyên suốt là sản xuất – kinh doanh phải gắn với “Phát triển lâm nghiệp bền vững là cốt lõi”, “Từ trồng rừng đến sản phẩm” và “Tăng cường hợp tác quốc tế” nhằm đảm bảo duy trì ổn định sự phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Từ đó, Vinafor đã lấy phát triển lâm nghiệp làm nòng cốt, đổi mới công tác quản trị, sản xuất lâm nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong các khâu giống, lâm sinh và chế biến gỗ. Vinafor xác định rõ, doanh nghiệp muốn thành công thì không chỉ mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp mà còn phải đem lại lợi ích cho cộng đồng, bảo đảm việc làm và ổn định đời sống cho người dân bản địa trên địa bàn, nơi doanh nghiệp hoạt động.
- Cụ thể, để hài hòa lợi ích kinh tế rừng với ổn định an sinh xã hội địa phương thì Vinafor đã triển khai những phương án, giải pháp nào, thưa ông ?
-Ông PHÍ MẠNH CƯỜNG: Với đặc thù hoạt động sản xuất lâm nghiệp diễn ra chủ yếu tại miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn; dân cư địa phương phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số. Trung bình hàng năm, các đơn vị lâm nghiệp trực thuộc Vinafor đã trồng mới khoảng 3000 - 4000ha rừng/năm. Theo đó, các đơn vị đã mạnh dạn đổi mới và áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng; phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng; từng bước nâng cao đời sống người trồng rừng. Qua đó, góp phần thực hiện tích cực đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Chính phủ, các chương trình quốc gia như xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi trọc, chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Các hoạt động lâm nghiệp của Tổng công ty đang phát triển theo định hướng bền vững xanh của Thủ tướng và từng bước triển khai mục tiêu giảm phát thải và hấp thụ lưu giữ cacbon rừng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Vinafor hiện có hơn 50 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lâm nghiệp, chế biến lâm sản... Bên cạnh việc tạo công ăn việc làm ổn định cho gần 9.600 lao động của toàn Tổng công ty và hàng nghìn hộ nhận khoán trồng, chăm sóc và quản lý bảo vệ rừng trên cả nước thì Vinafor luôn quan tâm đến đời sống, thu nhập và thực hiện tốt các chế độ cho người lao động theo quy định, góp phần ổn định an sinh xã hội.
Trong những năm qua, Vinafor cũng đã tích cực, hưởng ứng tham gia các hoạt động từ thiện và an sinh xã hội do Chính phủ, Ủy ban phát động như Quỹ vì người nghèo, ủng hộ đồng bào Miền Trung bị lũ lụt, Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, Quỹ Phòng chống tội phạm Trung ương... với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng; Tham gia chương trình xây dựng Ngôi nhà tình nghĩa, trường học, xây dựng các công trình an sinh xã hội khác do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát động tại các tỉnh Điện Biên, Cao Bằng, Lạng Sơn..., tổ chức các chương trình thăm hỏi tặng quà các thương bệnh binh, người có công và các gia đình chính sách với tổng số tiền gần 6 tỷ đồng.
Tại nhiều địa phương, vai trò, uy tín của Vinafor với cộng đồng và chính quyền địa phương ngày một tăng, cũng như mối liên kết với đồng bào dân tộc thiểu số chặt chẽ hơn. Những hình ảnh về diện tích, năng suất, chất lượng rừng trồng của Tổng công ty là bằng chứng để người dân trên địa bàn yên tâm, hợp tác trồng rừng và phát triển kinh tế. Thông qua hoạt động sản xuất lâm nghiệp từ trồng rừng, chăm sóc rừng và quản lý bảo vệ rừng, Vinafor đã làm chuyển biến, thay đổi tập quán cho người dân từ du canh du cư, đốt nương làm rẫy trước đây, sang trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sau chu kỳ kinh doanh rừng, Vinafor bao tiêu toàn bộ sản phẩm gỗ của dân, việc gắn kết các đơn vị lâm nghiệp của Tổng công ty với người dân trên địa bàn. Việc mang lại lợi ích cho người dân cũng như đóng góp cho địa phương cũng chính là góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược, biên giới, vùng sâu, vùng xa, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới.
- Trong quá trình triển khai Vinafor đã có những thuận lợi và khó khăn như thế nào, thưa ông ?
Ông PHÍ MẠNH CƯỜNG:Được sự chỉ đạo giúp đỡ, có hiệu quả của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các Ban ngành Trung ương và chính quyền địa phương có liên quan nên công tác hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đã hoàn thành và đạt được một số kết quả khả quan. Đặc biệt, trong công tác quản lý đất đai Vinafor đã nhận được sự phối hợp, giúp đỡ, hỗ trợ rất chặt chẽ và tích cực của chính quyền địa phương, từng bước tuyên truyền, kêu gọi người dân địa phương không lấn chiếm đất đai, sử dụng đất đúng mục đích.
Tuy nhiên, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty là lâm nghiệp với đặc thù là trồng rừng gắn liền với việc quản lý sử dụng đất đai tại địa bàn kinh tế xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên gặp không ít vướng mắc trong việc triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý sử dụng đất như nguy cơ lấn chiếm đất rừng…
Bên cạnh đó, do chu kỳ trồng rừng thường dài nên hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… mang lại rủi ro cao. Việc lựa chọn dòng giống trồng rừng thích ứng với biến đổi khí hậu ở các vùng miền có đơn vị sản xuất của Tổng công ty là một bài toán dài hơi, thường xuyên. Việc đưa ứng dụng công nghệ số, thiết bị tự động hóa vào sản xuất lâm nghiệp tại địa hình trồng rừng còn nhiều vấn đề khó chưa giải quyết được.
- Theo ông, để Vinafor hướng tới nền “Công nghiệp Xanh - bền vững”, thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp nào?
- Ông PHÍ MẠNH CƯỜNG: Cùng với sự đổi mới, phát triển của đất nước, nền kinh tế Việt Nam được xác định là kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa. Do đó, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam đã xác định chiến lược phát triển bền vững phải dựa trên nền tảng cốt lõi là lâm nghiệp công nghệ cao, phấn đấu là doanh nghiệp đứng đầu trong sản xuất, kinh doanh cây giống chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại và cải tạo giống cây trồng.
Hiện nay, Tổng công ty có 11 đơn vị sản xuất giống trải dài từ Bắc vào Nam. Hàng năm, hệ thống này cung ứng hàng chục triệu cây giống chất lượng cao phục vụ trồng rừng và cung ứng ra thị trường. Vinafor cũng tiếp tục nâng cấp mức độ tự động hóa cho 2 đơn vị sản xuất cây mầm mô với tổng công suất trên 40 triệu cây/năm.
Việc quản lý chất lượng cây giống được thực hiện theo chuỗi hành trình, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; giống được cấp có thẩm quyền công nhận, đồng nhất về mặt di truyền và mức độ trẻ hóa cao. Nâng cấp hệ thống vườn ươm vệ tinh, công nghệ cao tại các vùng sinh thái, tạo chuỗi kinh doanh lâm nghiệp từ sản xuất cây giống đến trồng rừng và chế biến gỗ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Giai đoạn 2018 - 2023 Tổng công ty sản xuất và tiêu thụ khoảng 201 triệu cây giống các loại; tạo mới 17,9 nghìn ha rừng và khai thác 16,5 nghìn ha rừng.
Để phát huy hiệu quả tiềm năng thế mạnh trong việc xây dựng hướng tới nền “Công nghiệp Xanh - bền vững”, Vinafor đẩy mạnh triển khai thực hiện chỉ đạo và định hướng của Chính phủ về việc tham gia thị trường carbon.
Đặc biệt, với sự chỉ đạo, hỗ trợ của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty đã chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội - mã chứng khoán VIF. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển của Vinafor, thể hiện nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên và người lao động của Tổng công ty và khẳng định vị thể, nâng cao giá trị, sự minh bạch trong quản trị của Vinafor.
Xin trân trọng cảm ơn ông!