Làng gốm Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm, phía Đông Nam Hà Nội; phía Bắc giáp với làng cổ Bát Tràng; phía Tây giáp với quận Hoàng Mai; có lịch sử hình thành lâu đời và cũng là một trong những trung tâm gốm nổi tiếng của cả nước. Làng gốm cổ Kim Lan chỉ cách làng gốm Bát Tràng dòng kênh Bắc Hưng Hải. Qua khai quật tại di chỉ bãi Hàm Rồng vào các năm 2001 và 2003, cơ quan chức năng xác định, nghề gốm Kim Lan có từ thế kỷ VIII và phát triển hưng thịnh đến thế kỷ XVIII.
Từ thế kỷ VIII, gốm Kim Lan đã được xếp vào hàng những sản vật quý cùng lụa, gấm, châu, ngọc. Không chỉ có những sản phẩm giá trị, Kim Lan còn có gốm mộc, gốm thô mộc mạc, giản dị. Làng Kim Lan được biết đến là nơi sản xuất đồ gốm gia dụng của kinh thành Thăng Long xưa. Đến thế kỷ XVIII, nghề gốm ở Kim Lan dần mai một.
Theo lời các cụ cao niên nơi đây, trước kia, đã có thời, sản phẩm của làng Kim Lan xuất hiện nhiều trên thị trường gốm sứ trong nước nhưng nghề ở đây cũng có thời gian bị mai một. Tuy nhiên, sau hơn 40 năm xây phục dựng và phát triển, nghề gốm ở Kim Lan đã từng bước khởi sắc, chinh phục khách hành và có hướng đi riêng.
Dù đang gặp nhiều gian nan, khó khăn, những con người nơi mảnh đất ven sông này đang nỗ lực để phục dựng và bảo tồn làng nghề đúng với giá trị của nó. Hiện nay, xã Lim Lan có khoảng gần 400 hộ có lò gốm hoạt động, thu hút hàng nghìn lao động tham gia. Đa số hộ dân sản xuất gốm tại Kim Lan đã mạnh dạn đầu tư và thay đổi phương thức sản xuất, chuyển từ sản xuất bằng lò than truyền thống sang sản xuất bằng lò gas, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất.
Nhờ chuyển đổi công nghệ, đã giảm hơn 80% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm khoảng 70% năng lượng tiêu thụ. Việc áp dụng các công nghệ mới cùng đam mê nghề của người dân nơi đây, chất lượng và sản phẩm gốm, sứ của xã Kim Lan liên tục được cải thiện, nâng cao cả về chất lượng và năng suất.
Theo Chủ tịch Hội Gốm sứ Kim Lan, nghệ nhân Đào Việt Bình, để đáp ứng nhu cầu, sự phát triển và nhu cầu của thị trường, những nghệ nhân, chủ lò gốm ở Kim Lan đã nỗ tực tìm tòi, học hỏi, sáng tạo những bài men mới, chất liệu gốm chất lượng cao.
Bên cạnh đó, các sản phẩm của chúng tôi cũng ngày càng đa dạng, phong phú, từ các vật dụng có kích thước nhỏ như ống đựng tăm, chân nến cho tới những sản phẩm cỡ lớn như: đôn, chậu cây cảnh, ang, bình hoa kính thước lớn, chất lượng cao… Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, các nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như: độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ… với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn. Ngoài ra còn chú trọng phát triển các sản phẩm gốm phục vụ xây dựng như gạch, ngói trang trí, con tiện lan can…
Làng gốm Kim Lan ngày nay cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đến với làng gốm Kim Lan, ghé thăm các lò gốm để tìm hiểu, trải nghiệm về nghề làm gốm, ghé các gian hàng trưng bày gốm để chọn cho mình những sản phẩm ưng ý, du khách cũng có thể đến thăm một địa chỉ hấp dẫn là Khu trưng bày gốm sứ và lịch sử xã Kim Lan.
Bảo tàng nằm liền kề với khuôn viên UBND xã Kim Lan và được khởi dựng từ tình yêu, tâm huyết của nhiều thế hệ người dân Kim Lan cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước gắn bó với công tác khảo cổ tại đây. Công trình sưu tầm các cổ vật và xây bảo tàng gốm cổ do các bậc cao niên trong nhóm “Tìm về nguồn cội” của làng Kim Lan và Tiến sĩ người Nhật Bản Nishimura Masanari thực hiện đã được trao giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội tại lễ trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 6 năm 2013.
Khu trưng bày hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật gốm sứ phong phú, có giá trị như: tấm ngói mũi hài; gạch trang trí hoa văn hình chim phượng; mảnh chậu, bát sứ cổ; âu men ngọc; gạch viên khắc chữ Hán…
Bí thư Đảng uỷ xã Kim Lan Lê Minh Tiến chia sẻ, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Kim Lan lần thứ 29 đã xác định, một trong hai khâu đột phá của làng nghề đó là phát triển làng nghề gắn với du lịch. Chúng tôi cũng luôn xác định nhiệm vụ của Đảng uỷ, UBND xã là phát triển làng nghề gốm gắn với phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng trâm.
Chính quyền địa phương đã có nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy, hỗ trợ phát triển làng nghề gốm cho bà con nhân dân như, quan tâm đầu tư đường làng, ngõ xóm xanh, sạch, đẹp, giao thông, giao thương thuận lợi. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là các nghệ nhân và lao động lành nghề, có kỹ thuật cao. Tăng cường tham gia trưng bày, xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm gốm Kim Lan đến người tiêu dùng trong vào ngoài nước… Bên cạnh đó, người dân đa số đều gắn với nghề gốm và luôn mang trong mình mong muốn phát triển nghề gốm đó cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng sản phẩm của làng nghề gốm Kim Lan.
Một số hình ảnh về làng nghề sản xuất gốm, sứ Kim Lan: