Bảo đảm gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm
Tiếp tục Phiên họp thứ 33, sáng nay, 15.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV; xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 4.2024; tham gia ý kiến dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của 3 Báo cáo và cho rằng các Báo cáo tương đối toàn diện, xác đáng, số liệu dẫn chứng rõ ràng; đưa ra kiến nghị cụ thể, phù hợp và có căn cứ.
Về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, thời gian qua Chính phủ, các bộ, ngành rất quan tâm và nỗ lực lớn trong công tác giải quyết kiến nghị, trả lời ý kiến của cử tri. Đến nay, đã có 2.204/2.216 kiến nghị đã được giải quyết, đạt 99,5%. Chính phủ, các bộ, ngành đã tiếp nhận và trả lời 2.113/2.122 kiến nghị, đạt 99,6%. Đây là những con số rất tốt, cho thấy kiến nghị của cử tri được các cơ quan trả lời thỏa đáng.
Tại kỳ họp trước có 1.034 kiến nghị đã được Chính phủ, bộ, ngành trả lời xem xét, tiếp thu, giải quyết, giải trình. Trong đó, có 312 kiến nghị được tiếp thu khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đã trình Chính phủ 356 kiến nghị xác định được lộ trình cụ thể giải quyết. Tuy nhiên, trong Báo cáo nêu còn 53 kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết. Đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục rà soát các kiến nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, Báo cáo kết quả giám sát cần làm rõ thêm những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết và trách nhiệm của các bộ, ngành để rõ về nguyên nhân, đề ra biện pháp, giải pháp sớm hoàn thành việc xử lý kiến nghị còn tồn đọng, nhất là Kỳ họp thứ Bảy của Quốc hội sắp diễn ra, các ngành chức năng, các địa phương cần quan tâm đồng bộ giải quyết các tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Về Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá Báo cáo được xây dựng hết sức công phu và tâm huyết, tập hợp được nhiều số liệu, tư liệu, phản ánh 11 lĩnh vực và riêng mục về vấn đề khác có 7 nội dung.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý cách thể hiện của Báo cáo, nên tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm nhiều như việc làm, thu nhập, đời sống. Cụ thể như: giá các mặt hàng nông sản giảm, khó tiêu thụ; giá cả hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm tăng cao; giá vé phương tiện giao thông cao, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của khách du lịch; vấn đề an toàn lao động; tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ cho sản xuất tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ; tình hình giông lốc gây thiệt hại cho nhân dân ở các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình...; các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn diễn ra; vấn đề an toàn thực phẩm khi mùa hè sắp đến Nhân dân cũng rất lo lắng.
Về lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, người dân quan tâm nhiều đến chất lượng phục vụ khám, chữa bệnh, giá thuốc, dịch vụ khám bệnh. Do đó, Báo cáo nên viết gọn hơn. Cùng với đó là tình trạng thông tin nhiễu loạn, xấu độc, chống phá trên không gian mạng; tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội tiếp tục diễn ra khá phổ biến và đã kéo dài từ nhiều năm, cần có nhiều cái giải pháp để ngăn chặn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng gợi mở, Báo cáo có thể viết theo hướng nêu khoảng 5 vấn đề trọng tâm Nhân dân quan tâm nhiều, logic với phần kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; còn lại gom vào một mục về những vấn đề khác gồm lĩnh vực nội vụ, an toàn thực phẩm, đất đai, bất động sản...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần quan tâm, điều chỉnh Báo cáo tóm tắt trên nền Báo cáo đầy đủ, bảo đảm gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm.
Tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nêu thực tế, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần liên tục tăng, tháng 4.2024 có 121.873 người rút, tăng gần 39% so với trung bình của cả quý I.2024. Vấn đề này đặt ra yêu cầu nâng cao trách nhiệm, hiệu quả của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc thực hiện công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội cho người lao động, nhất là trong bối cảnh đang sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng lưu ý, trong tháng 4 và đầu tháng 5 năm nay đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động, ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng. Từ những vụ việc này cho thấy công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động của một số doanh nghiệp còn hạn chế, bất cập. Qua đó, công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm cần tiếp tục được tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đặc biệt là thực phẩm bán trên đường phố, trước cổng trường học để bảo đảm an toàn sức khỏe cho trẻ em, người lao động.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Dân nguyện. Đối với các kiến nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành vì đã bám sát ý kiến, kiến nghị của cử tri và người dân, tạo cơ sở cho công tác giám sát và thảo luận của Quốc hội.
Lưu ý thời gian từ nay đến ngày khai mạc Kỳ họp thứ Bảy không còn nhiều, trong khi số liệu của một số Đoàn đại biểu Quốc hội chưa có, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đôn đốc, tổng hợp đầy đủ trong các báo cáo. Ban Dân nguyện hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội Khóa XV; tiếp tục đôn đốc, rà soát báo cáo của các Bộ, ngành về giải quyết kiến nghị còn tồn đọng, làm rõ khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ các nội dung trong dự thảo Báo cáo trên cơ sở góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phối hợp với các cơ quan để tổng hợp đầy đủ, hoàn thiện Báo cáo; rà soát bố cục kỹ càng, viết gọn và khái quát.